Viện KSND cấp cao tại Hà Nội vừa có thông báo rút kinh nghiệm liên quan đến xác định khung hình phạt của bị cáo trong một vụ án hình sự giao cấu với trẻ em.
Theo nội dung vụ việc, Hà Trung K. (thông tin đã được mã hóa) có tình cảm yêu đương với Đinh Thị Như Q. (sinh năm 1999). Khoảng tháng 10.2014, K. nhiều lần thực hiện hành vi giao cấu với Q. khiến Q. mang thai.
Tháng 9.2015, Q. sinh con trai, đặt tên cháu theo họ mẹ. Tháng 8.2017, gia đình K. và gia đình Q. thống nhất mỗi tháng K. sẽ có trách nhiệm cấp dưỡng 1 triệu đồng để phụ Q. nuôi con, đến khi cháu bé đủ 18 tuổi.
Thế nhưng, gia đình K. chỉ thực hiện cam kết được 8 lần. Đến tháng 2.2019, K. làm thủ tục đăng ký kết hôn cùng người khác, cắt đứt quan hệ với Q. và không thực hiện nghĩa vụ như đã hứa. Gia đình Q. trình báo sự việc tới cơ quan chức năng.
Vào cuộc xác minh, cơ quan tố tụng trưng cầu giám định, kết quả cho thấy K. là cha đẻ của cháu bé.
Tháng 11.2019, TAND huyện T (tỉnh B) xét xử sơ thẩm, tuyên phạt K. 3 năm tù về tội giao cấu với trẻ em. K. kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.
Tháng 3.2020, TAND tỉnh B xét xử phúc thẩm, xử phạt K. 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội danh.
Một tháng sau, Viện trưởng Viện KSND tỉnh B đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh B.
Tiếp đó, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Hà Nội ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tháng 9.2020, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh B, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện T về việc tuyên phạt bị cáo 3 năm tù giam.
Thông qua vụ án, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội nhận định việc xét xử, tuyên phạt Hà Trung K. phạm tội giao cấu với trẻ em là có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm quyết định cho K. được giảm từ 3 năm tù giam xuống 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo là không đúng.
Cụ thể, sau khi nhiều lần giao cấu khiến Q. có thai và sinh con, K. đăng ký kết hôn với người phụ nữ khác, trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con như đã cam kết. Điều này thể hiện bị cáo không có thái độ ăn năn hối cải đối với hành vi phạm tội của bản thân.
Xem nhanh 20h ngày 22.4: Ly kỳ phá án vụ cướp ngân hàng | Cập nhật vụ ô tô tông CSGT và 2 người dân
Tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh T áp dụng cho K. hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ là tự thú. Nhưng trên thực tế, thời điểm K. khai báo hành vi phạm tội là sau khi sự việc bị gia đình Q. tố giác. Hành vi phạm tội của K. còn thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần và làm nạn nhân có thai, là những tình tiết tăng nặng định khung.
Hơn nữa, khoản 5 điều 3 Nghị quyết số 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn các trường hợp không cho hưởng án treo, trong đó có "người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi".
"Như vậy, việc TAND tỉnh B sửa án sơ thẩm, cho bị cáo K. được hưởng án treo là trái quy định của pháp luật, không có tác dụng răn đe và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này", Viện KSND cấp cao tại Hà Nội nhận định.