Chăn nuôi gà cầm ở tỉnh Tiền Giang đang gặp khó khăn do chi phí tăng cao
Tiền Giang là địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL về đàn gia cầm. Trong bối cảnh giá thức ăn tăng vọt, đầu ra sản phẩm chậm, giá thành cao làm cho người chăn nuôi gia cầm ở địa phương này gặp rất nhiều khó khăn.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có gần 17 triệu con gia cầm; trong đó đàn gà ác có hơn 3,5 triệu con, chiếm gần 20 % tổng đàn gia cầm của tỉnh. Mô hình chăn nuôi gia cầm tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Châu thành và phố Mỹ Tho.
Điển hình xã Mỹ Tịnh An là một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất tỉnh Tiền Giang, khoảng 900.000 con. Hiện nay, người chăn nuôi loay hoay trước áp lực giá thức ăn tăng cao; tiếp tục nuôi thì nguy cơ thua lỗ kéo dài trong khi đó chuồng trại đã đầu tư rất tốn kém.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Trợ, chủ trại gà hơn 20 nghìn con gà thịt và gà đẻ trứng ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chia sẻ với VOV, đang trong tình trạng “ tiến thoái lưỡng nan”. Gần một năm qua, đàn gia cầm của ông càng nuôi càng lỗ. Cả gà thịt và trứng gà đều giảm giá sâu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao.
"Giá nay rất thấp, người nuôi gà lỗ chứ không có lãi nữa do giá thức ăn tăng quá cao. Trứng gà thì giảm nhiều, giảm từ 700-800 đồng/trứng. Thức ăn thì giữ giá hoài không thấy giảm, bây giờ tôi phải gánh thôi chứ đâu có cách nào khác đâu”, ông Trợ nói.
Ở thời điểm này, giá gà thịt dao động từ 52-77.000 đồng/kg tùy loại, gà ác giá 70.000 đồng/con. Trứng gà dưới 2.200 đồng/quả, riêng giá trứng gà ác chỉ ở mức 1.300 đồng/quả, bằng nửa giá so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá thức ăn cho gà hiện ở mức trên dưới 290.000 đồng/bao, tăng gần 30% so cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ giá gà sụt giảm mà thị trường tiêu thụ còn ùn ứ, thương lái chỉ mua cầm chừng khiến cho nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng.
Cũng như nhiều hộ chăn nuôi gia cầm trong vùng, bà Châu tâm tư: "Bây giờ nuôi chim cút lỗ quá, càng nuôi càng lỗ. Cút thịt bây giờ rất rẻ, giá cám thì đắt quá. Nuôi được bầy cút nó đẻ hoàn thiện rồi mà thua lỗ hoài. Bây giờ mong giá cám giảm xuống thì người chăn nuôi còn đỡ khổ chứ không có cách nào khác”.
Tiền Giang nỗ lực phối hợp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi
Trước khó khăn của mô hình chăn nuôi gia cầm, các ngành chức năng, các cơ quan hữu quan ở địa phương đang nỗ lực phối hợp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi. Trong đó, chú trọng việc hướng dẫn, tạo điều kiện cho người chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, kiểm soát tốt dịch bệnh; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Chính quyền và ngành chức năng tuyên truyền, khuyến cáo doanh nghiệp, hộ nuôi thực mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, đầu tư xây dựng chuồng trại hiện đại, tự động hóa từ các khâu, vừa tiết giảm được công lao động, lại kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm giá thành, tăng năng suất. Tuy nhiên về giá cả đầu ra vẫn do thị trường quyết định.
Việt Nam phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững
Thông tin trên báo Hà Nội Mới, năm 2023, ngành chăn nuôi phấn đấu đạt tổng sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7-7,5 triệu tấn (tăng 5-5,5% so với năm 2022); sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn (tăng 4%); sản lượng thịt gia cầm đạt 2,1 triệu tấn (tăng 4,8%). Trong năm 2023, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục phục hồi nên giá thịt lợn hơi dự báo sẽ tăng 5%.
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, bảo đảm thu nhập cho nông dân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Một trong những yếu tố quan trọng là xúc tiến thương mại, tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật và mở rộng thị phần, thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Mặt khác, thị trường trong nước với 100 triệu dân cần được chú trọng phát triển. Các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư phát triển chế biến và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp theo từng phân khúc thị trường.
Cùng với các giải pháp liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành phố cần theo dõi sát diễn biến thị trường, khuyến cáo người dân tái đàn phù hợp với nhu cầu tiêu dùng; đồng thời tìm các biện pháp giảm chi phí “đầu vào” sản xuất, bảo đảm người chăn nuôi có lãi. Bộ NN&PTNT đã yêu cầu: Các địa phương đánh giá cụ thể tình hình chăn nuôi, nhập khẩu và cân đối cung - cầu mặt hàng thịt lợn, gia cầm, gia súc phục vụ nhu cầu trong nước. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi để sản phẩm cung ứng ra thị trường có mức giá hợp lý.
Để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT đang tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm chi phí trung gian trong chuỗi cung ứng thực phẩm cung cấp ra thị trường, bảo đảm nông dân có lãi…
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương
Theo VTV, vừa qua Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong mấy năm gần đây, ngày càng nhiều tác động khiến ngành đang chịu ảnh hưởng lớn. Tác động của dịch bệnh COVID-19, xung đột Nga-Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao, lạm phát và đặc biệt giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục, không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm thủy sản đều cao. Vì vậy, việc giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương xuống 0% sẽ hỗ trợ cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng và ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam nói chung.
Trong 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022, có đến 62% là đóng góp từ nuôi trồng thủy sản.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, khô đậu tương là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 85% đến 90% giá thành. Tình trạng này đã khiến 45% đến 50% trang trại lớn treo chuồng và khoảng 70% đến 75% hộ chăn nuôi ngừng tái đàn. Nếu tiếp tục kéo dài mà không có sự can thiệp, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành chăn nuôi.
Trúc Chi (t/h)