Trước nhu cầu vốn của các doanh nghiệp lúa gạo lên cao khi mùa vụ thu hoạch tới, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện một loạt nội dung đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 2 vừa qua, dư nợ cho vay ngành lúa gạo toàn quốc đạt trên 179.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2022, con số này cao hơn nhiều so với mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế và lĩnh vực tín dụng nông nghiệp nông thôn trên toàn quốc.
"Theo đánh giá, vụ Đông Xuân năm nay, cơ cấu giống gieo trồng tăng trưởng hơn năm 2022, dự kiến khoảng 11 triệu tấn lúa, hơn 5 triệu tấn gạo. Từ đó có thể thấy, do tăng trưởng sản lượng nên nguồn vốn để thu mua cho bà con và doanh nghiệp cần phải tăng lên, đòi hỏi các ngân hàng hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp", ông Trương Sỹ Bá, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, cho biết.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 2, dư nợ cho vay phục vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo tăng 9,2% so với cuối năm 2022, chiếm 68,5% tổng dư nợ của ngành hàng này. Tuy nhiên, lượng vốn này đã đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của ngành hay chưa?
Vốn cho lúa gạo hiện mới tập trung vào công tác thu mua, mùa vụ
Cơ sở kinh doanh lúa gạo mỗi năm cần khoảng 6 tỷ đồng thu mua thóc. Thóc mua về được trữ trong kho, sau đó xay xát, bán gạo ra quanh năm. Nguồn vốn của ngân hàng là phần không thể thiếu để họ thực hiện việc thu mua.
Việt Nam là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo trên thế giới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Gọi lúa trong kia, người ta chuyển ra, mỗi xe khoảng 300 - 400 triệu đồng. Gọi ra thì xuống ngân hàng lấy, chuyển vào tài khoản trả tiền thóc, lúa cho họ", chị Đỗ Thị Miến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, cho hay.
Theo đại diện của chi nhánh ngân hàng tại huyện Vũ Thư, Thái Bình, hiện họ đang cấp vốn cho 23 khách hàng sản xuất và thu mua lúa gạo với tổng doanh số 50 tỷ đồng, trong đó 90% dư nợ là để phục vụ hoạt động thu mua lúa như cơ sở nhà chị Miến.
"Chúng tôi chủ động tiếp cận với các đơn vị thu mua lúa gạo, có thể ban đầu họ chỉ hoạt động nhỏ lẻ, nhưng sau khi có nguồn vốn ngân hàng, họ sẽ mở rộng quy mô, từ cá nhân có thể thành doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Vũ Thư, Thái Bình, cho biết.
Còn ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, theo các doanh nghiệp, hiện dòng vốn ngân hàng mới tập trung vào hoạt động thu mua lúa mỗi khi vụ mùa tới.
Như Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, mỗi ngày họ cần từ 1 - 2 tỷ đồng để thu mua lúa gạo vụ Đông Xuân năm nay. Các chuyên gia tính toán, cần khoảng 70.000 tỷ đồng mới có thể mua hết 10 triệu tấn lúa cho bà con nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
"Ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay, nhưng chỉ cho vay phần ngọn, tức là vay để thu mua lúa, gạo chế biến xuất khẩu. Còn vay để thực hiện cải cách chuỗi từ khi gieo sạ đến khi tạm trữ, chế biến, bảo quản, xuất khẩu... thì không có", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ.
Việt Nam là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo trên thế giới, có thời điểm chiếm tới 30% thương mại gạo toàn cầu. Mặc dù vậy, liên kết trong ngành hàng này mới đạt khoảng 20%. Sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu mô hình cánh đồng lớn, theo các ngân hàng đây là lý do lớn nhất dòng vốn vào ngành hàng này chưa được nhiều.
"Hiện nay, vai trò của chủ vựa lúa, vựa hoa quả đang chính là chủ thể đầu chuỗi, họ ứng vốn, ứng chi phí sản xuất... và đến mùa thu hoạch, chính họ là người thu hoạch và sau khi trừ chi phí, họ sẽ trả cho người có đất, có ruộng một phần thu nhập. Ngân hàng chúng tôi nhiều lần tự hỏi chúng ta đóng vai trò cấp vốn, nhưng chúng ta không thể đứng ra để quản lý chuỗi được", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nêu quan điểm.
Trong chuỗi sản xuất lúa gạo, khâu chế biến, bảo quản đang là khâu tiếp cận các dòng vốn của ngân hàng kém nhất. Nhìn vào số liệu, dư nợ cho vay vào mảng chế biến trong ngành lúa gạo chỉ chiếm khoảng 10% trong cơ cấu dư nợ của ngành lúa gạo.
Doanh nghiệp lúa gạo đầu chuỗi cần nguồn vốn bền vững
Trước đây, Công ty TNHH Liên Hạnh chỉ xuất khẩu gạo, nhưng vài năm trở lại đây, họ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua máy móc chế biến gạo ra các sản phẩm như bún, phở, mì để xuất khẩu. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, sắp tới họ phải thiết lập lại chuỗi sản xuất.
"Bây giờ phải đầu tư cho bà con nông dân, các hợp tác xã, tổ chức, tập thể. Phải đầu tư từ khi cấy lúa cho đến thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đến chế biến", ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Liên Hạnh, cho biết.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, theo các doanh nghiệp, hiện dòng vốn ngân hàng mới tập trung vào hoạt động thu mua lúa mỗi khi vụ mùa tới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Thay vì cho vay ngắn hạn, theo doanh nghiệp, để đủ vốn vận hành cả chuỗi lớn, họ mong muốn được tiếp cận nguồn vốn dài hạn.
"Ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thứ nhất là đầu tư vốn dài hạn và trung hạn. Thứ hai là hỗ trợ cho chính sách vay trong thời gian doanh nghiệp tiêu thụ nội địa và xuất nhập khẩu", ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Liên Hạnh, đề xuất.
Ngoài thu mua lúa gạo, doanh nghiệp còn liên kết với nông dân trồng lúa, tổ chức thu hoạch, lưu trữ, chế biến và xuất khẩu. Kỳ vọng của họ là mở rộng chuỗi liên kết hơn nữa nhưng cần có sự tham gia sâu hơn của ngân hàng.
"Gạo sản xuất trong cánh đồng liên kết có chất lượng rất cao, bán được khoảng 600 - 1.500 USD/tấn. Giá trị từ mô hình liên kết rất lớn. Chính vì thế ngân hàng cần mạnh dạn đồng hành trong vấn đề này", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhận định.
"Chúng ta quy hoạch được vùng sản xuất, thì chúng ta sẽ tổ chức sản xuất và khi tổ chức sản xuất chúng ta sẽ có phương án tiêu thụ. Bản thân người nông dân không tự xây dựng được thương hiệu và không tự tổ chức được sản xuất, nên chúng tôi thấy rất cần vai trò của doanh nghiệp đầu chuỗi, họ có khả năng tư duy và tổ chức sản xuất", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, đánh giá.
Theo các chuyên gia, nếu dòng vốn ngân hàng đồng hành cùng với doanh nghiệp đầu chuỗi thì nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị lúa gạo, từ đó thu nhập người trồng lúa và các doanh nghiệp cũng tăng theo, giá trị của ngành hàng cũng được cải thiện.
Giải pháp đã khá rõ từ ngân hàng, doanh nghiệp. Còn về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 50.000 ha lúa tại Tứ giác Long Xuyên đã được xác định làm thí điểm vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, từ 2022 - 2025. Để có vốn cho 50.000 ha lúa, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có chương trình với phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ cũng đang dự thảo đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long và tính đến phương án huy động một dòng vốn bền vững cho 1 triệu ha lúa.
Việc kéo các ngân hàng cùng xây dựng đề án phát triển các vùng nguyên liệu lúa tập trung chính là cách hiệu quả để dòng vốn được chảy vào hoạt động lúa gạo một cách kịp thời và bền vững.
VTV.vn - Theo các chuyên gia, giá lúa năm nay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành lúa gạo gặp khó trong việc tiếp cận vốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!