Luật sư tư vấn
Căn cứ Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp chửi bới làm thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác thì phải bồi thường những khoản sau cho bị hại:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài khoản bồi thường nêu trên, người gây ra sự việc còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP, 10 lần mức lương cơ sở hiện nay là 14,9 triệu đồng. Do đó, số tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa là 14,9 triệu đồng (nếu các bên không thỏa thuận được).
Tuy nhiên, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác, theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt thấp nhất với tội danh này là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Mức nặng nhất là phạt tù từ 2 đến 5 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM
Xem thêm: lmth.1974954-ueihn-oab-naht-hnit-taht-not-gnouht-iob-iahp-gnam-nert-cahk-iougn-iuhc/ten.sserpxenv