vĐồng tin tức tài chính 365

Đơn hàng sụt giảm, gỗ, dệt may, thủy sản gặp khó

2023-04-24 07:05

Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý I năm nay giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ giảm dẫn đến tồn kho tăng cao ở hầu hết lĩnh vực. “Nhìn chung, tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến” - Bộ Công Thương nhận định.

Nhiều lĩnh vực gặp khó

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VN), cho biết từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản chỉ đạt 3,1 tỉ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.

“Các đơn hàng cho quý II ở các thị trường chính là châu Âu và Mỹ chỉ đạt được 45%. Đơn hàng cho quý III mới đạt được khoảng 55%. Đơn hàng sụt giảm nên nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gỗ phải giảm công suất lao động, công nhân làm việc cầm chừng” - ông Lập chia sẻ.

Đơn hàng sụt giảm, gỗ, dệt may, thủy sản gặp khó  ảnh 1

Ngành gỗ đang tìm cách xoay xở để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Ảnh: A.HIỀN

Tương tự, đối với ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết trong quý I, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt 1,85 tỉ USD, giảm 27% so với cùng kỳ.

Tại hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN hồi giữa tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất với DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

“Tình hình các đơn hàng mới cho quý II-2023 chỉ đạt 30%-60% so với quý II năm ngoái. Không ít DN bắt đầu sản xuất cầm chừng và lo giải quyết hàng tồn kho. Nhiều DN đang thiếu dòng tiền về để tiếp tục thu mua nguyên liệu của nông dân, ngư dân và trả các khoản vay ngân hàng đến hạn” - VASEP cho biết.

Không ít người đã tạm ngừng thả giống hoặc giảm nuôi, giảm các chuyến ra khơi đánh bắt so với các năm do lo ngại vấn đề tiêu thụ và hiệu quả kinh tế. Hệ lụy này là đáng quan ngại không chỉ cho trước mắt mà cả cho giai đoạn nửa cuối năm 2023 nếu thị trường phục hồi mà nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thiếu nghiêm trọng.

Ở lĩnh vực dệt may, các DN cũng cho biết trong quý I thị trường hết sức trầm lắng, tổng cầu dệt may suy giảm, giá bán sợi giảm. “Hiện các dự báo đều chưa đưa ra được thị trường sẽ còn trầm lắng trong bao lâu, như vậy chúng ta đang phải đối mặt với quý II vô cùng khó khăn” - ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN, nhận định.

Đủ cách xoay xở để vượt qua khó khăn

Trước bối cảnh này, nhiều DN cho biết đã phải xoay xở theo nhiều cách khác nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết: “Từ năm 2022, chúng tôi đã tăng cường hơn cho thị trường nội địa và mở rộng sang thị trường Úc, Canada. Với những khó khăn trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục hướng đi như vậy”.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho hay từ khi chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến nay, công ty đã và đang tập trung để đánh giá, rà soát lại định vị của mình để xem có còn phù hợp với hiện tại cũng như thời gian tới hay không.

“Chúng tôi đang tập trung nhiều vào công tác thị trường, tái định vị sản phẩm, khách hàng của mình. Đơn cử như quy trình sản xuất trước kia có thể chuyên môn hóa để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, giờ phải đa dạng hóa và đào tạo một công nhân có thể đa tay nghề để đáp ứng những thay đổi của thị trường” - ông Việt chia sẻ.

Với DN ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, cho biết các DN trong ngành và hiệp hội đang chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào tiêu chí là giá sản phẩm phải tốt, sản phẩm phù hợp với thị hiếu.

Cùng với đó, các DN tiến hành tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất và đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Các DN thủy sản cũng cho biết đang phải điều chỉnh thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm. Theo đó, chỉ tập trung vào các thị trường có nhu cầu lớn như thị trường Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại. Cùng với đó, gia công xuất khẩu cho các thị trường nhằm duy trì việc làm ổn định cho người lao động.

Thị trường trong nước làm bệ đỡ khi xuất khẩu gặp khó

Bộ Công Thương dự báo tình hình thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên vẫn có những dấu hiệu tích cực. Đó là một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo. Một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan. Cùng với đó, các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ DN của Nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất…

Để tháo gỡ khó khăn cho DN trong những tháng tới đây, Bộ Công Thương tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước như tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ với hệ thống thương vụ VN ở nước ngoài để cập nhật thông tin, nhu cầu, các quy định của thị trường. Đồng thời, bộ cũng tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi…

Bộ cũng sẽ triển khai các giải pháp để kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước, là bệ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn. Cạnh đó, tiếp tục tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và DN lớn toàn cầu.

Đơn hàng sụt giảm, gỗ, dệt may, thủy sản gặp khó  ảnh 2
Bộ Công Thương đang có các chính sách kích cầu đầu tư công
và hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Q.HUY
AN HIỀN

Xem thêm: lmth.531037tsop-ohk-pag-nas-yuht-yam-ted-og-maig-tus-gnah-nod/nv.olp

“Đơn hàng sụt giảm, gỗ, dệt may, thủy sản gặp khó”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools