Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu họp Hội đồng thẩm định hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới đáng chú ý liên quan đến hộ chiếu.
Chuyển đổi số nhiều thủ tục
Theo Bộ Công an, qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, do đó cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Quá 12 tháng kể từ ngày hẹn mà không đến nhận thì hộ chiếu sẽ bị hủy giá trị. |
Cụ thể, dù thực tế người dân đã có thể làm thủ tục cấp hộ chiếu qua mạng nhưng theo quy định, người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước phải trực tiếp đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện thủ tục. Do đó, để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện việc cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, dự thảo bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử.
Tương tự, đối với trường hợp mất hộ chiếu, Bộ Công an cũng đề xuất sửa đổi theo hướng quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử.
Một thủ tục khác cũng được đưa vào dự thảo luật sửa đổi lần này đó là khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông. Theo quy định hiện nay, người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trực tiếp nộp tờ khai và hộ chiếu tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh nơi thuận lợi. Nay, để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân thì bổ sung quy định thực hiện thủ tục này trên môi trường điện tử để người dân lựa chọn.
Người dưới 14 tuổi không cần nộp giấy khai sinh
Liên quan đến vấn đề cấp hộ chiếu phổ thông cho người chưa đủ 14 tuổi, Bộ Công an đã đề xuất bãi bỏ quy định người chưa đủ 14 tuổi cần phải cung cấp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh.
Lý giải điều này, Bộ Công an cho biết hiện nay đã hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh nên các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thể tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không cần thiết phải đề nghị công dân cung cấp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi.
Đối với các trường hợp cấp hộ chiếu rút gọn hiện nay đã quy định một số trường hợp. Tuy nhiên, quy định vẫn chưa bao hàm được nhiều diện đối tượng không có hộ chiếu mà cần về nước ngay, như người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người, ngư dân… Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.
Sửa luật là tất yếu
Trong xu thế hiện nay các cơ quan nhà nước đều thực hiện số hóa, cải cách hành chính và đang nỗ lực hoàn thiện để đưa các thủ tục hành chính lên mức cao nhất (mức độ 4, người dân thực hiện qua mạng) thì lĩnh vực xuất nhập cảnh cũng không phải là ngoại lệ. Điều kiện tiên quyết trước khi triển khai áp dụng các thủ tục hành chính qua mạng là phải có cơ sở pháp lý và việc sửa luật để phù hợp với tình hình thực tế là hệ quả tất yếu.
Hơn nữa, hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã ngày càng hoàn thiện, đi vào vận hành và kết nối với nhiều bộ, ngành khác nhau nên tôi cho rằng đối với người chưa đủ 14 tuổi khi làm hộ chiếu không cần xuất trình bản sao, trích lục giấy khai sinh như đề xuất trong dự thảo là hợp lý.
Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn luật sư TP.HCM