* Các nước liên tục sơ tán công dân khỏi Sudan
Các lực lượng vũ trang của Mỹ và Anh trước đó đã sơ tán nhân viên đại sứ quán khỏi Sudan. Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada cũng đã rút các nhà ngoại giao của mình và đang cố gắng hỗ trợ nhân viên địa phương.
Một số quốc gia khác cũng gấp rút đưa công dân của họ đến nơi an toàn khi các phe phái quân sự đối địch giao tranh dữ dội ở thủ đô Khartoum của Sudan ngày 23-4.
Ai Cập, Ấn Độ, Nigeria và Libya nằm trong số các nước cho biết đang làm việc để đưa người dân của họ về nước.
Tây Ban Nha đã sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân cũng như các công dân EU và khối Mỹ Latin khác khỏi Sudan, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết ngày 23-4.
Cuộc giao tranh nổ ra cách đây 8 ngày giữa quân đội và nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, giết chết 420 người và khiến hàng triệu người Sudan mắc kẹt không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Một số công dân nước ngoài bị thương, trong đó có một người Pháp khi đoàn xe sơ tán của nước này bị tấn công. Hiện các bên ở Sudan đang đổ lỗi cho nhau.
* Căng thẳng lại bùng lên giữa hai nước thuộc Liên Xô (cũ)
Ngày 23-4, Azerbaijan thông báo đã thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Chính quyền Azerbaijan bình luận chốt tại cầu Hakari là "cần thiết" để chống lại việc Armenia sử dụng con đường này vận chuyển vũ khí.
Armenia lập tức phản đối, cho rằng đây là hành vi vi phạm trắng trợn thỏa thuận ngừng bắn năm 2020. Armenia cũng yêu cầu Nga đứng ra phân xử, với tư cách là bên làm trung gian hòa giải giữa hai nước.
Chính phủ Mỹ cũng cho biết họ "quan ngại sâu sắc" về việc Azerbaijan thiết lập trạm kiểm soát, cho rằng điều đó làm suy yếu các nỗ lực hướng tới hòa bình trong khu vực.
Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng 120.000 cư dân của nó chủ yếu là người dân tộc Armenia và đã tách khỏi Azerbaijan trong một cuộc chiến vào đầu những năm 1990.
* Mỹ mặc cả với Hàn Quốc về lệnh cấm chip của Trung Quốc
Theo tờ Financial Times, Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc thúc giục các nhà sản xuất chip của nước này, trong đó có Samsung, không lấp đầy bất kỳ khoảng trống thị trường nào ở Trung Quốc nếu Bắc Kinh cấm nhà sản xuất chip bộ nhớ Micron của Mỹ.
Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc trước đó thông báo sẽ tiến hành đánh giá an ninh mạng đối với các sản phẩm do Micron bán trong nước.
Đáp lại, Micron nói rằng họ đang hợp tác với Chính phủ Trung Quốc và hoạt động của họ ở Trung Quốc là bình thường.
Thông tin được hé lộ ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
* Giáo hoàng Francis muốn về thăm quê sau 10 năm
Trong cuộc phỏng vấn với tờ La Nacion của Argentina, Giáo hoàng Francis đã chia sẻ về cảm xúc nhung nhớ quê hương và tiết lộ dự định về thăm vào năm 2024.
Giáo hoàng đã không về thăm quê hương Argentina kể từ khi ông đến Vatican một thập kỷ trước.
* Đoàn di cư gây áp lực để vào Mỹ
Hàng ngàn người di cư, trong đó đa số là từ khu vực Mỹ Latin và một số nước châu Á, đã lên kế hoạch kéo về thủ đô Mexico City của Mexcio để gây áp lực lên cả Mỹ và Mexico tiếp nhận họ tị nạn.
Những người này đã bị mắc kẹt suốt nhiều tháng tại thành phố Tapachula của Mexico giáp biên giới Guatemala.
Chạy trốn bạo lực và nghèo đói ở Trung Mỹ, hàng ngàn người di cư cùng nhau đi bộ để đến Mexico mỗi năm. Họ băng qua một số bang với hy vọng tìm được con đường hợp pháp vào Mỹ.
Những nồi cơm cứu đói
Các tình nguyện viên của một tổ chức phi chính phủ ở Cape Town, Nam Phi chuẩn bị 181 nồi thức ăn dành cho các hộ gia đình kém may mắn, nhân dịp kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo hôm 21-4. (Ảnh: REUTERS)
Ngày 23-4, Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) của Sudan cho biết quân đội Mỹ đã sơ tán các nhà ngoại giao Mỹ và gia đình họ khỏi Sudan do xung đột diễn ra ác liệt.