vĐồng tin tức tài chính 365

Giảm thuế giá trị gia tăng càng sớm càng tốt

2023-04-24 09:39
GS-TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

GS-TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua gia hạn, miễn, giảm thuế, phí đã và đang được thực hiện. Ông đánh giá thế nào về các gói chính sách này?

Chưa bao giờ, kinh tế thế giới và Việt Nam lại chịu tác động tiêu cực sâu sắc và kéo dài như hiện nay. Đứng trước những khó khăn này, hầu hết các nước đều đưa ra chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó chính sách gia hạn, miễn giảm nghĩa vụ đóng góp của người dân và doanh nghiệp được sử dụng phổ biến. Việt Nam cũng đã thực thi nhiều chính sách hỗ trợ và đã gặt hái được một số thành quả.

Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế, Chính phủ đã thực hiện các gói hỗ trợ với tổng số tiền lên đến hơn 500.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ là 129.000 tỷ đồng (số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31.500 tỷ đồng). Năm 2021, các giải pháp hỗ trợ được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn, cả về nội dung và giá trị hỗ trợ, với tổng quy mô khoảng 145.000 tỷ đồng (miễn, giảm 25.000 tỷ đồng).

Năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau đại dịch Covid-19, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15, trong đó có chính sách giảm thuế GTGT đối với nhiều mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%. Tổng gói hỗ trợ năm 2022 lên tới 233.000 tỷ đồng (miễn, giảm 98.000 tỷ đồng).

Liệu tất cả gói hỗ trợ năm 2022 sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2023 không, thưa ông?

Chắc không phải là tất cả, nhưng hàng loạt giải pháp miễn, giảm thuế được thực hiện các năm trước tiếp tục được triển khai. Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay (dự kiến là 112.372 tỷ đồng).

Tôi được biết, Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Gia hạn thuế, thì khi hết thời gian gia hạn, người nộp thuế vẫn phải hoàn trả ngân sách nhà nước, nên tác dụng chủ yếu là hỗ trợ tổng cung, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế. Chính vì vậy, để hỗ trợ thiết thực hơn nữa, Chính phủ đã trình Quốc hội giảm thuế GTGT năm 2023 từ 10% xuống 8%. Đây là sự hỗ trợ kịp thời vì sẽ hỗ trợ cả tổng cung lẫn tổng cầu, giúp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giảm thuế GTGT sẽ tác động lên cung - cầu ra sao, thưa ông?

Nếu như gia hạn thuế, phí, lệ phí, thì chỉ có một số nhóm đối tượng được thụ hưởng và khoản tiền này cuối cùng vẫn phải hoàn trả ngân sách nhà nước. Nói nôm na, gia hạn thuế là việc Nhà nước cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp vay một số tiền không tính lãi trong một khoảng thời gian nhất định. Chính sách này có mức độ lan tỏa không lớn bằng việc giảm thuế GTGT, vì giảm thuế GTGT tác động tới mọi doanh nghiệp, tất cả người dân, tất cả người tiêu dùng.

Khi được giảm thuế GTGT, thì giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ giảm xuống tương ứng với số thuế được giảm. Như vậy, với cùng một số tiền, người dân mua được nhiều hàng hóa hơn, qua đó tác động tới doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập của người lao động.

Chưa kể, giảm thuế GTGT chắc chắn sẽ giúp kiểm soát lạm phát tốt hơn, tạo điều kiện để Nhà nước thực hiện lộ trình đưa giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát như giá điện, học phí, viện phí... tiệm cận giá thị trường. Vì thế, giảm thuế GTGT trong thời điểm này là mũi tên trúng nhiều đích, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu vô cùng khó khăn do thị trường quốc tế giảm tiêu dùng.

Ông có thể đánh giá cụ thể chính sách giảm thuế GTGT năm nay?

Trong năm 2022, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT được thực hiện từ đầu tháng 2, nhờ đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 20%, góp phần không nhỏ trong tổng mức tăng trưởng kinh tế trên 8%.

Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 rất thấp, khi chỉ tăng 3,32%; khu vực công nghiệp vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đang suy giảm; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, kim ngạch xuất - nhập khẩu giảm mạnh (tính đến hết ngày 15/4/2023, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 179,74 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2022) là điều chưa từng xảy ra.

Lần đầu tiên, chúng ta ghi nhận số lượng doanh nghiệp giảm do số doanh nghiệp tham gia thị trường ít hơn số rời khỏi thị trường. Nhiều khu công nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc số lượng lớn công nhân do thiếu đơn hàng.

Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023, cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới sự phục hồi của doanh nghiệp - là động lực của tăng trưởng. Do đó, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi, trong đó, chính sách giảm thuế GTGT đạt hiệu quả cao nhất, bởi thúc đẩy cả tổng cung lẫn tổng cầu, góp phần kiểm soát lạm phát, tăng thu nhập thực tế cho người dân...

Một chính sách hiệu quả như vậy, ông có cho là triển khai quá muộn?

Giảm thuế thuộc quyền của Quốc hội. Năm 2022, Quốc hội phải tổ chức kỳ họp bất thường để xử lý ngay những vấn đề cấp bách, mà trọng tâm là thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%, nên chính sách này được thực hiện từ đầu tháng 2/2022. Còn việc giảm thuế GTGT năm 2023 cần phải chờ Kỳ họp thứ năm (dự kiến khai mạc ngày 22/5/2023) thông qua, nên phải đến ngày 1/7/2023 mới thực hiện được. Như vậy, thời gian giảm thuế GTGT năm 2023 chỉ có 6 tháng, thay vì 11 tháng như năm 2022.

Năm 2022, thời gian giảm thuế GTGT kéo dài tới 11 tháng, nhưng tổng số tiền giảm thuế, theo số liệu của Tổng cục Thuế là khoảng 44.000 tỷ đồng, do một số đối tượng ngành hàng không được hưởng chính sách này. Còn năm nay, dự kiến giảm 2% thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%, nên mặc dù thời gian giảm thuế chỉ có 6 tháng, nhưng theo ước tính của Bộ Tài chính, tổng số tiền giảm thuế ít nhất là 35.000 tỷ đồng. Vì vậy, việc giảm thuế sẽ tác động ngay đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm nay.

Xem thêm: lmth.920023tsop-tot-gnac-mos-gnac-gnat-aig-irt-aig-euht-maig/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Giảm thuế giá trị gia tăng càng sớm càng tốt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools