Bạo lực học đường thời nào cũng có và khó có giải pháp trọn vẹn cho vấn nạn này. Dẫu vậy Tuổi Trẻ vẫn quyết định trở lại đề tài "muôn thủa" này, sau một loạt vụ việc đau lòng dồn dập xảy ra gần đây với mong muốn nhận dạng bạo lực học đường thời nay và hướng tới những giải pháp khả dĩ nhất trong bối cảnh mới.
"Tại nó học giỏi hơn, đẹp hơn"
"Đây là đứa thường xuyên đi nói xấu bạn bè. Nó tự nhận là mình học giỏi, hát hay. Nó cho rằng nó hơn hết thảy mọi người xung quanh. Nó là công chúa còn xung quanh toàn là nô lệ của nó. Đứa nào chép bài giùm nó là nô lệ của nó chứ gì nữa" - Lan, nữ sinh lớp 7 ở trường THCS nổi tiếng trên địa bàn TP.HCM, đã đăng bài viết trên trang cá nhân của mình, có ảnh của nhân vật hẳn hoi dù là ảnh chụp lén và hơi mờ.
Phía dưới bài viết là hàng loạt những comment: "đập nó đi!", "xử nó đi", "nó nói xấu chúng ta mà chẳng lẽ chúng ta lại tha cho nó à?"...
Sáng hôm sau, khi đi vào lớp, Thuận - nhân vật chính trong status trên - có cảm giác như các bạn nhìn mình với ánh mắt đầy thù hận. Còn đang thắc mắc chuyện gì đã xảy ra thì cô bạn ngồi cùng bàn với Thuận lên tiếng: "Tại sao mày đi nói xấu tao? Mày bệnh, nghỉ ở nhà thì tao chép bài giùm mày chứ sao mày nói tao là nô lệ của mày?".
Cuối cùng, Thuận mới vỡ lẽ rằng Lan không chỉ "bóc phốt" mình trên mạng xã hội mà còn lập các group kín, đặt điều rằng Thuận đã nói xấu bạn này ra sao, coi thường và khinh rẻ bạn kia như thế nào. Khi Thuận đi phân bua thì không ai tin...
"Cả lớp không bạn nào chơi với con. Các bạn cho rằng con xấu tính, đáng bị cô lập. Con chỉ muốn chết đi cho xong, chứ đi học như thế này khổ quá. Mỗi ngày, khi bước vào sân trường, con cảm giác như có hàng ngàn mũi tên đâm sau lưng mình. Con không chịu nổi..." - Thuận tâm sự với mẹ.
Nỗ lực kết nối và xin gặp gỡ, cuối cùng mẹ của Thuận cũng có buổi nói chuyện với Lan và mẹ của Lan. Trước mặt hai bà mẹ, Lan trả lời tỉnh bơ: "Tại nó đẹp hơn con, học giỏi hơn con. Năm lớp 6 con luôn đứng nhất lớp mà năm nay có nó chuyển trường về là nó đứng nhất lớp con luôn. Nó hay ra vẻ ta đây, thấy ghét! Con làm vậy cho nó bớt huênh hoang đi".
Tuy nhiên, Thuận tiết lộ với mẹ: "Còn một nguyên nhân nữa mà bạn không nói ra. Đó là Nam, người đẹp trai nhất lớp, trước đây thích Lan nhưng bây giờ chuyển qua thích con (?)".
Khiêm tốn, mập cũng bị ghét
"Ê, tao đang học luyện thi lớp IELTS với mục tiêu đạt được 5.5 đó"/ "Vậy hả?"/ "Ừ, tao định năm sau lên lớp 12 mới thi IELTS nhưng thầy giáo ở trung tâm ngoại ngữ nói tao có đủ khả năng thi trong năm nay nên tao thi luôn. Đậu được thì đỡ, khỏi phải ôn môn tiếng Anh để thi tốt nghiệp THPT"/ "Ừ, quá tốt luôn".
Câu chuyện của Dung và Mai, đều là nữ sinh lớp 11 ở TP.HCM, chỉ có thế. Vốn là người khiêm tốn, không thích khoe khoang nên Mai chỉ ậm ừ cho qua khi Dung thông báo sẽ thi IELTS vì "kinh nghiệm là đừng tỏ ra hơn bạn, dễ bị ghét lắm".
Nhưng Mai không ngờ rằng, khiêm tốn cũng vẫn bị ghét. Vài ngày sau, Mai được thầy giáo tiếng Anh khen trước lớp về bài làm rất tốt của em đồng thời thông báo Mai đang luyện thi ở lớp IELTS với mục tiêu đạt 7.0. Ngay sau tiết học, Mai nhận được tin nhắn của Dung: "Mày thâm quá ha. Học lớp 7.0 cơ đấy". Dù cho Mai giải thích cỡ nào thì Dung cũng cho rằng: "Mày làm mất mặt tao".
Những ngày sau đó là chuỗi ngày dài khủng hoảng của Mai khi em bị bạn cùng lớp liên tục tấn công trên mạng xã hội. Đó là những status bóng gió, dù chẳng nói rõ tên nhưng ai cũng biết đang nói về Mai. Đó là các group kín nhằm "lật mặt" Mai.
Trong các group ấy, Mai được "vẽ" lên là một học sinh có rất nhiều tính xấu, từng lấy điện thoại chụp bài làm của bạn rồi chép vào bài của mình, từng bị nhìn thấy vào khách sạn với nhiều anh... Mặc dù là group kín nhưng tin đồn thì lan truyền không chỉ trong lớp mà ra toàn khối 11, thậm chí nhiều học sinh các khối lớp khác cũng biết.
"Thà là bị đánh một trận tơi bời còn hơn. Bởi như vậy chỉ đau đớn về thể xác mà thôi. Chứ bị các bạn tẩy chay như thế này, con thấy ngộp thở" - Mai nói.
Hồng Anh năm nay 20 tuổi nhưng vẫn "không dám trở lại trường THPT đã học" vì những ám ảnh xấu xí một thời. "Em bị tẩy chay và bắt nạt chỉ vì... mập. Các bạn ấy bình phẩm thô tục về thân thể em và trong những lần va chạm, một vài bạn cố tình kéo đứt khuy áo, lột áo để em lộ thân thể quá mập làm trò cười cho các bạn" - Hồng Anh kể.
Có lúc Hồng Anh rơi vào bế tắc. Nhưng may mắn, khi tưởng như không chịu nổi nữa thì cô giáo chủ nhiệm phát hiện. Kẻ đứng đầu nhóm bắt nạt bị kỷ luật. Cha mẹ học sinh này chủ động chuyển trường cho con. Sự việc dừng lại ở đó nhưng những gì Hồng Anh chịu đựng vẫn còn là vết thương sâu hoắm.
1.600
Là số vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học trung bình trong một năm, theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại một hội nghị năm 2022. Trung bình cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một học sinh bị buộc thôi học vì đánh nhau. Cứ khoảng chín trường thì có một trường xảy ra bạo lực học đường.
"Bóc phốt" nhau vì những lý do "trời ơi đất hỡi"
Càng ngày, công tác chủ nhiệm của giáo viên chúng tôi càng khó khăn và phức tạp. Bởi giáo viên và ngay cả phụ huynh cũng không thể quản học sinh khi các em lên mạng. Đặc điểm nổi bật nhất của lứa tuổi học sinh trung học hiện nay "hở tí là bóc phốt nhau trên mạng". Lý do "bóc phốt" đôi khi rất "trời ơi đất hỡi".
Ví dụ hai nữ sinh trước đây chơi thân với nhau giờ vì lý do nào đó không chơi với nhau nữa, thế là lên mạng "bóc phốt" rồi tìm "đồng minh", lôi kéo các bạn đứng về phía mình, nói xấu bạn để không ai dám chơi với bạn nữa...
Có những trường hợp, khi bị các bạn cô lập, học sinh đã nghĩ đến cái chết. Rất may là tôi nắm được thông tin kịp thời và phối hợp với phụ huynh để ngăn chặn. Lúc đầu, tôi rất sốc vì nhiều trường hợp bị tẩy chay lại là học sinh giỏi, được nhiều bạn khác phái để ý. Tuổi mới lớn rất nhạy cảm. Vì vậy, khi nghe bạn nói xấu mình, lại là nói xấu trên mạng thì rất khủng khiếp.
Cô Nh.H. (giáo viên THCS ở quận 1, TP.HCM)
Một mình với nỗi sợ
Thanh, một nữ sinh vừa học hết lớp 12 ở Hà Nội, bị bắt nạt chỉ vì em là cán bộ lớp và thường được cô giáo nêu gương mỗi khi cô chê trách, phê bình các bạn học sinh "cá biệt".
"Một thời gian dài, em bị một nhóm bạn quây đánh. Tan học em không dám bước ra khỏi cổng trường ngay vì biết các bạn ấy có thể chờ ở ngoài cổng, hay trên đường về. Chưa hết, em còn nhận được những tin nhắn đe dọa, chửi bới từ số điện thoại lạ. Rồi các bạn ấy chủ động hẹn "giải quyết dứt điểm". Em cũng ngỡ có thể kết thúc được nhưng em đã nhầm. Cuộc hẹn đó em bị một trận đòn tả tơi. Và những tin nhắn chửi bới, đe dọa vẫn tiếp tục" - Thanh kể.
Thanh sợ nói với cha mẹ, thầy cô sẽ phải gánh hậu quả nặng hơn, sẽ bị tung clip lên mạng nên trong suốt một thời gian dài em im lặng với nỗi sợ của mình. "Khi không chịu nổi, em muốn bỏ học nếu bố mẹ không thể cho em chuyển trường. Cuối cùng thì em cũng chuyển đi vào học kỳ 2 năm cuối cấp. Em tưởng đã có thể bước ra khỏi địa ngục nhưng ám ảnh bắt nạt đó vẫn đeo đẳng. Có những đêm thức giấc vì bị đòn trong mơ. Từ lúc nào em trở nên tự ti, sợ sệt, không còn niềm tin vào mọi điều tốt đẹp xung quanh" - Thanh nói.
(còn tiếp)
* Tên nhân vật trong bài được thay đổi
Thay vì 'phủ hồng' cuộc sống thực tại như trước, các bộ phim Hàn hiện nay có xu hướng 'vạch trần' những góc khuất trong xã hội. Trong đó, đề tài học đường và bạo lực học đường được các nhà làm phim khai thác đa dạng góc độ.
Xem thêm: mth.94701301232403202-0-4-ioht-hnah-oab-1-yk-gnoud-coh-cul-oab-yaox-gnov/nv.ertiout