Nữ thạc sĩ "bắt mạch, kê toa" cho nước - Video: CÔNG TRIỆU - MAI HUYỀN - TRINH TRÀ
Nếu lần trước chỉ là "bắt mạch" thì lần trở lại này để khởi nghiệp, chị trực tiếp "kê toa điều trị" với mục tiêu mang lại dòng nước sạch cho người dùng. Chị là Nguyễn Thị Xuân Mãi, thạc sĩ môi trường, giám đốc Công ty TNHH Môi trường Wepar.
Làm bạn với nước thải
17 năm trước, cô sinh viên Trường ĐH Văn Lang Nguyễn Thị Xuân Mãi từng xuất hiện trên trang báo Tuổi Trẻ với câu chuyện biến bùn thải thành... tiền. Chị cùng cô giáo Phương Loan (khi đó là phó giám đốc Trung tâm Công nghệ và quản lý môi trường của trường) và một vài kỹ sư, sinh viên nữa làm dự án kiếm tiền từ bùn. Và từng đoạt một giải thưởng do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức.
Trước nhiều sự chào đón, chị chọn đầu quân vào một công ty môi trường liên kết giữa Việt Nam và Úc sau tốt nghiệp. Công việc của chuyên viên nghiên cứu xử lý các nguồn nước thải ô nhiễm khá thách thức với chị Mãi khi ra trường. Chị chỉ những vết sẹo trên trán, vết tích trong những lần dùng axit phân tích mẫu nước ghi dấu những khó khăn của nghề.
Rồi công ty đổi chủ, chị chọn nghỉ việc, học tiếp cao học về môi trường. "Có lẽ hầu hết con sông trên dải đất hình chữ S này tôi đều đã "nếm" qua. Đó là lý do có khi chỉ cần nhắm mắt, ngửi mùi tôi cũng đoán được độ đậm nhạt, màu sắc của mẫu nước đó" - chị Mãi cười.
Chính tập trung thời gian dài nghiên cứu, phân tích chất lượng nước giúp chị hiểu rõ các thông số, chất lượng và "bệnh" của dòng nước ở từng con sông. Rồi nhiều câu hỏi bật ra cùng những thông số có được, chị Mãi quyết định lập Công ty TNHH Môi trường Wepar cùng thương hiệu máy nước Wepar vào năm 2011.
Khởi nghiệp "kê toa" cho nước
Cùng lúc phải chu toàn chuyện chồng con và phát triển một thương hiệu giữa nhiều cái tên thành công đã có trong cùng lĩnh vực là thử thách khác với người phụ nữ ấy. Bởi chị hiểu không có một máy lọc nước nào đa chức năng, vật liệu nào lọc được tất cả các nguồn nước ô nhiễm.
Sử dụng công nghệ lọc ARS (hấp phụ, thẩm thấu ngược và kháng khuẩn) với màng lọc RO cho thương hiệu máy lọc nước của mình, chị Mãi tự tin mọi lõi lọc công ty mình bán ra thị trường đều được sản xuất với tiêu chuẩn riêng phù hợp điều kiện từng vùng, khu vực. Nghĩa là tùy vào chất lượng nước từng vùng, chị điều chỉnh và sử dụng loại vật liệu lọc có thông số phù hợp nhất có thể.
Cứ 6 tháng, chị cùng nhân viên đi từng vùng lấy mẫu, kiểm tra chất lượng nước. Chỉ cần kết quả thay đổi so với lần đo trước, lập tức vật liệu sử dụng trong lõi lọc phải thay đổi. Chị quan tâm chuyên sâu, chính xác tới từng chỉ số (độ rắn, kích cỡ, độ hấp phụ...) bởi biết đúng "bệnh" mới "kê toa" chính xác, giúp máy hoạt động bền bỉ.
Nhiều người nghĩ đơn giản cứ đấu nước vào máy lọc là xong trong khi nếu nước nhiễm mặn sao có thể dùng máy lọc phèn, lọc ô nhiễm kim loại nặng được. Điều này đôi khi với người hoạt động trong ngành nước cũng không phân biệt.
Sinh sau đẻ muộn, việc Wepar lách qua khe cửa hẹp, đạt doanh thu 2 tỉ đồng/tháng như hiện nay là cả hành trình gian nan. Cứ nghe thị trường nào bị bỏ lại do nơi đó có dòng nước ô nhiễm nặng, chị lại nhảy vào. Để lắp đặt một hệ thống lọc công nghiệp có công suất lớn cần nhiều kỹ sư nên khá tốn kém, ảnh hưởng giá thành.
Do đó, mục tiêu đến cuối năm nay, Wepar hoàn thiện, cung cấp ra thị trường hệ thống lọc đóng gói toàn bộ. Sản phẩm đến tay khách hàng chỉ cần đấu chỉnh nguồn điện, nguồn nước là có thể sử dụng. Mở rộng thị trường, doanh thu 5 tỉ đồng/tháng là mục tiêu được chị cùng cộng sự đặt ra.
Thời tuổi trẻ không hoài phí
Phòng làm việc của chị Mãi tại công ty ở quận Tân Phú (TP.HCM) chừng 10m2 treo kín các bằng khen trên tường. Chị nói luôn tự hào về thời tuổi trẻ của mình vì ngoài làm chuyên môn xử lý nước thải, việc xắn quần lội kênh cùng các bạn vớt rác là chuyện thường.
Chị nhớ hoài thời điểm Bến Tre bị xâm nhập mặn hồi đầu năm 2020. Chị tìm xuống rồi trở về trong nỗi trăn trở khi mọi thứ gần như ngưng trệ vì thiếu nước ngọt. Sau đó, cùng chính quyền địa phương và nhà hảo tâm, 50 hệ thống lọc nước nhiễm mặn cho bà con được lắp đặt.
"Rất vui khi 50 hệ thống hoạt động hiệu quả, phần nào giúp bà con có đủ nước ngọt sinh hoạt, ăn uống, tưới tiêu vượt qua đợt hạn mặn" - chị Mãi nhắc lại.
Mời bạn đặt câu hỏi và đăng ký dự talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp"
Hội đồng thẩm định đã chọn được 22 start-up tiêu biểu cùng một giải start-up truyền cảm hứng và giải start-up xanh của Tuổi Trẻ Start-up Award 2023. Các dự án này nhận khoản hỗ trợ kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, Ngân hàng ACB, Thái Bình Group, Volvo, IDICo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân golf Thủ Đức... Trong đó, dự án được trao giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng từ GIBC.
Lễ vinh danh các start-up tiêu biểu sẽ diễn ra tại talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" với chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?" tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM ngày 26-4. Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ - là diễn giả chính tại sự kiện này.
Ngoài ra còn có các diễn giả: ông Phạm Phú Ngọc Trai - nhà sáng lập và chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh và Hội nhập toàn cầu (GIBC); ông Don Lam - tổng giám đốc và cổ đông sáng lập VinaCapital; bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC); ông Lê Yên Thanh - sáng lập và CEO Phenikaa MaaS, Forbes Under 30; bà Phạm Khánh Linh - sáng lập và CEO Logivan, Forbes Under 30.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trước cho chuyên gia kinh tế Philipp Rösler tại ô đặt câu hỏi cuối bài để nhận được lời khuyên, chia sẻ của ông.
Xem thêm: mth.11790729042403202-coun-ohc-aot-ek-hcam-tab-is-caht-un/nv.ertiout