Ánh mắt ông say mê chăm chú, trong khi nơi gian bếp, bà Nguyễn Thị Vân, vợ ông, chuẩn bị bữa cơm trưa.
"Ông già công nghệ"
Người nhạc sĩ nổi tiếng với những bài hát Vàm Cỏ Đông, Trái đất này là của chúng mình... đã bước qua tuổi 90. Hiếm khi lo lắng về tuổi già, ông vẫn ngày ngày làm việc để con dốc đời mình nở đầy hoa trái.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi - thế hệ cách ông đến 60 năm cuộc đời, người nhạc sĩ quê Quảng Ngãi chợt nhớ những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi. Ông từng khoác áo thanh niên xung phong những năm chống Pháp, rồi trải qua giai đoạn tập kết ra Bắc, làm kỹ sư hóa chất tại Phú Thọ. Sau đó, ông trở thành giám đốc Nhà máy hóa chất Thủ Đức (TP.HCM) rồi làm việc tại báo Sài Gòn Giải Phóng. Nhưng xuyên suốt thời gian là ông đã sống cuộc đời một nhạc sĩ.
Khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập năm 1957, ông là một trong những hội viên đầu tiên. "Nhiều người thắc mắc sao tôi không học trường nhạc mà lại thi kỹ sư. Hồi ở quê tôi học nhạc từ những cuốn sách tiếng Pháp, sau đó tôi học kỹ sư vì nghĩ rằng mình sẽ có điều kiện va chạm cuộc sống, gần gũi anh em công nhân...", ông nói.
Dứt dòng hồi tưởng, nhạc sĩ nói rằng mấy năm trước ông còn thong dong trên chiếc Cub thân thương, nhưng các con khuyên ông không nên đi xe máy nữa vì sợ phản xạ kém. Ông kể về cuộc sống hiện tại: "Tối tôi ngủ lúc 9h, sáng 5h dậy, quơ chân quơ tay chừng 15 phút cho giãn gân cốt. Bây giờ mình lớn tuổi, sức khỏe so với năm trước đã không bằng, đi bộ mấy trăm mét đầu gối mỏi, phải nghỉ đôi lần...".
Mặc dù vậy, trong đời sống tinh thần, ông vẫn viết nhạc, tham gia hoạt động hội nhạc sĩ, tìm tòi về công nghệ để "không bị trễ so với thời đại".
Bạn bè thường gọi vui nhạc sĩ là "ông già công nghệ". Ở tuổi xưa nay hiếm, ông khiến mọi người ngạc nhiên khi sử dụng thành thạo phần mềm chỉnh nhạc cũng như các công cụ lưu trữ, tìm kiếm thông tin. Ông còn tạo kênh YouTube đăng tải những thứ liên quan âm nhạc của mình, như video chương trình biểu diễn, ca khúc đang lưu hành...
Với việc sáng tác, ông cho biết: "Tôi thường viết nhạc trên giấy rồi đưa vào vi tính gửi đi các nơi cho tiện. Thấy một số bài hát của tôi trong các clip biểu diễn được người ta thể hiện chưa đúng nhạc, tôi cũng đưa vào phần mềm chỉnh lại rồi đăng trên YouTube của mình", ông chia sẻ.
Trong quá trình sử dụng máy tính, có điều gì chưa rõ ông sẽ nhờ người con trai út hướng dẫn. Nhắc đến ba người con, ông cho rằng mình lớn tuổi hơn nhưng luôn chú ý học hỏi từ con cái, nhất là chiêm nghiệm về sự cố gắng của lớp trẻ.
Sống điều độ, không rượu bia, thuốc lá
Khi được hỏi bí quyết giữ sức khỏe, nhạc sĩ vui vẻ cho biết ngoài việc ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, còn một lý do giúp ông khỏe đó là không bia rượu, thuốc lá. "Mọi người tưởng tôi kiêng cữ nhưng không phải. Biết là không uống cũng mất cái vui trong những dịp họp mặt nhưng cơ địa tôi không hợp, uống vào mặt đỏ, toát mồ hôi...", ông nói.
Còn về thói quen sinh hoạt, ông kể rằng mỗi buổi sáng, ông thường suy nghĩ "ngày hôm nay mình cần làm gì" rồi ghi vào sổ tay cho dễ nhớ, vì vậy không có ngày nào rỗi. "Tất nhiên cũng có khi tôi quên cái này quên cái nọ. Nhưng làm việc trí óc sẽ giúp tế bào não hoạt động và không bị lão hóa", ông nói.
Trò chuyện cùng ông, chúng tôi cảm nhận ông có một tinh thần lạc quan đặc biệt. Hầu như ông không nhắc đến những khó khăn gập ghềnh trong đời mình. Người thanh niên xung phong năm nào giờ bộc bạch: "Cuộc sống này sẽ không tránh khỏi những chuyện buồn, những lúc thất bại nhưng cần rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ rằng ngoài mình ra cũng có nhiều người như thế. Vì vậy, mình nên cố gắng vượt qua, nghĩ đến lúc thành công, không nghĩ nhiều đến thất bại".
Theo ông, cuộc đời này không ai may mắn hoàn toàn mà cuộc sống sẽ có vui có buồn, nên hãy vui nhiều hơn. Từ những lẽ sống bình dị này, ông tâm niệm bản thân luôn nhìn rộng ra thế giới xung quanh.
Tuổi già ào tới như cơn gió lốc nhưng ông coi đó là quy luật tự nhiên. "Tôi nghĩ mình phải làm thế nào để tuổi này vẫn có sự cống hiến, mang lại lợi ích cho xã hội. Hiện nay tôi vẫn viết nhạc truyền thống cho một số địa phương, các trường học ngoài quê cũng nhờ tôi", ông kể. Với những bài hát truyền thống, ông thường tìm hiểu kỹ nét đặc sắc văn hóa, kinh tế nơi đó để có giai điệu và ca từ phù hợp.
Ông hóm hỉnh: "Mỗi khi nhận lời viết nhạc, thường thường tôi sẽ khó ngủ vì hay suy nghĩ về bài hát sẽ viết. Tôi cũng đang viết cho một liên hoan nhạc thiếu nhi ở Sóc Trăng. Ca khúc sẽ mang màu sắc văn hóa đồng bào Khmer, về các lễ hội...".
Một tình yêu lâu bền theo năm tháng
Trong buổi trò chuyện, có lúc bà Vân (88 tuổi) ngồi ở chiếc ghế dựa, âu yếm nhìn chồng. Ngẫu hứng, ông đàn cho bà nghe giai điệu mình mới sáng tác. Hai mái đầu sương trắng kề nhau như tạo nên nốt nhạc đời thật đẹp trong ngôi nhà xưa cũ.
Họ đã bén duyên từ những ngày chung giảng đường Trường đại học Bách khoa Hà Nội, khi đó bà là cô gái Hà thành thoáng nét kiêu kỳ. Ra trường, cả hai cùng công tác ở Phú Thọ bên những rừng cọ đồi chè, rồi xuôi về phương Nam nắng gió. Đặc biệt, bảy năm nay, nhạc sĩ còn làm nhiệm vụ một y tá khi mỗi ngày hai lần tiêm thuốc điều trị tiểu đường và theo dõi chỉ số đường huyết cho vợ.
"Bà thương ông nhiều bao nhiêu?". Hơi lãng tai, bà nói lớn: "Thương nhiều. Tôi với ông cưới nhau 63 năm rồi. Sống với nhau tôi luôn luôn lo vấn đề ăn uống cho ông, lo các thứ, lo về tinh thần. Nói chung là hợp nhau nên sống vui và bây giờ tôi với ông vẫn thương nhau". Chúng tôi thấy trong nụ cười của bà chứa đựng một gia đình êm ấm, các con hết mực thương yêu cha mẹ.
Để giữ tinh thần minh mẫn, ông cho rằng người trẻ nên ghi nhớ câu nói "học, học nữa, học mãi". "Sự học không chỉ là trên trường lớp, mà học ngay ở những điều thường ngày. Hơn nữa, thời đại hiện nay khoa học kỹ thuật tiến như vũ bão, mình phải cố gắng bắt kịp", ông nói. Còn những sở thích vui chơi, theo ông chỉ nên ở mức độ vừa phải, không để ảnh hưởng sức khỏe, tư cách.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục nói rằng mình hài lòng với hiện tại. "Ta đã quen nhau trong nắng sớm mưa chiều/ Của một thời khao khát lý tưởng với tình yêu/ Của một thời sung sức ước mơ bao điều"... Giai điệu một bài hát của ông khiến chúng tôi thầm mong ai đó đến với cuộc đời xin đừng chán chường lúc gian khó mà hãy sống với niềm yêu đời thiết tha.
Trong đó, bài Trái đất này là của chúng mình (phổ thơ Định Hải) sau khi hưởng ứng một cuộc thi của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã được công chúng yêu thích rộng rãi. Không chỉ hát về hòa bình, hữu nghị, ca từ còn mang tính giáo dục, chống phân biệt chủng tộc: "Vàng trắng đen tuy khác màu da", "Màu da nào cũng quý cũng thơm"...
*****************
>> Kỳ tới: Đam mê và hoài bão của đời người 104 tuổi
Ông lão ấy mặc bộ pijama, chân đi giày da xanh đậm, mỗi bước đi tiếng lạch cạch chiếc khung gậy kim loại là vật "bất ly thân" của ông vang lên. Không hề dùng kiếng mắt mà ông vẫn đọc rõ từng chữ một. Dưới mái tóc bạc phơ là vầng trán cao và nét mặt lạc quan, đôn hậu.
Có cụ đã tuổi trời ngót nghét bách niên xưa nay hiếm, thậm chí đã đến tuổi 103, 104 vẫn yên vui, mê say làm việc và san sẻ thương yêu cho bao cảnh đời nghèo khó.