Theo TS Đào Lê Trang Anh và TS Lê Hồng Hạnh, hai chuyên gia kinh tế Đại học RMIT Việt Nam, chiến lược chủ động đối với chính sách tiền tệ về cơ bản đã giúp NHNN đạt được các mục tiêu duy trì ổn định giá cả, quản lý tỉ giá hối đoái, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, và thúc đẩy ổn định tài chính. Những điều này rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong cả ngắn, trung và dài hạn.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với hai chuyên gia về các vấn đề trên.
Giảm áp lực về lãi suất đối với doanh nghiệp
.Phóng viên: Thưa TS Đào Lê Trang Anh, bà đánh giá thế nào việc Ngân hàng Nhà nước liên tục cắt giảm lãi suất điều hành và huy động trong tháng 3 vừa qua?
+TS Đào Lê Trang Anh: Theo tôi, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục cắt giảm lãi suất điều hành và huy động trong tháng 3 là quyết định linh hoạt, phù hợp với điều kiện của thị trường và nền kinh tế, khi nghĩa vụ nợ ngày càng gia tăng đối với doanh nghiệp (DN) và hộ gia đình trong bối cảnh lạm phát bắt đầu giảm và cầu tín dụng tương đối thấp.
Việc hạ lãi suất cuối tháng 3 thể hiện quyết tâm của NHNN về nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm áp lực lãi suất cho vay đối với DN, tạo niềm tin cho người dân cũng như các nhà đầu tư, từ đó dần khôi phục nền kinh tế.
TS Đào Lê Trang Anh, ĐH RMIT. |
Lý do tôi cho rằng quyết định của NHNN là phù hợp với tình hình hiện tại của nền kinh tế vĩ mô dựa trên những yếu tố sau:
Thứ nhất, xét về bối cảnh toàn cầu, sau khi ba ngân hàng Sillicon Valley Bank, Signature Bank và Silvergate sụp đổ tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như các ngân hàng trung ương các nước khác trên thế giới sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định tăng mạnh lãi suất thêm nữa.
Thứ hai, xét về tình hình trong nước, nguy cơ lạm phát và tỉ giá USD/VND về cơ bản cũng đã được kiểm soát.
Một điều cần được nhấn mạnh, trước khi giảm lãi suất điều hành, NHNN đã có động thái tăng cường giám sát với các ngân hàng thương mại có độ rủi ro cao, nhằm đảm bảo tính an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Vì vậy, dựa trên cả điều kiện trong và ngoài nước, việc NHNN hạ lãi suất trong tháng ba vừa qua là quyết định đúng đắn và được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.
.Còn TS Hồng Hạnh, theo bà động thái này sẽ đem lại hiệu ứng tích cực thế nào cho thị trường vốn và nền kinh tế?
+TS Lê Hồng Hạnh: Việc NHNN quyết định giảm một số lãi suất điều hành, nhìn chung, là một động thái khá mạnh dạn trong bối cảnh xu hướng lãi suất toàn cầu tăng nhẹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng như tỉ lệ lạm phát của Việt Nam đang ở mức “được kiểm soát”. Động thái hạ lãi suất này kỳ vọng sẽ đem lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế nói chung và thị trường vốn nói riêng.
Tác động của việc giảm lãi suất trên thị trường vốn cần có thời gian để thẩm thấu. Trước mắt, việc giảm lãi suất sẽ làm chi phí tài chính của DN đang có khoản vay giảm đi được phần nào.
Tuy nhiên, DN có lẽ vẫn thận trọng khi ra quyết định huy động vốn mới vì trên thực tế, rủi ro của lạm phát tăng vẫn đang rình rập, diễn biến của thị trường toàn cầu vẫn đang lao dốc và khó dự đoán. Thêm vào đó, sự sụp đổ của một số ngân hàng lớn trên thế giới đã có tác động phần nào tới tâm lý vốn mong manh của các nhà đầu tư.
TS Lê Hồng Hạnh, ĐH RMIT. |
Bên cạnh đó, tuy lãi suất có giảm nhưng vẫn còn đang ở mức cao, mang tính chất định hướng. Các nhà đầu tư có thể vẫn đang trông chờ lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, dẫn đến nhu cầu vay vốn hiện tại cũng sẽ ít hơn.
Chính vì vậy, để thật sự có sự chuyển biến trên dòng tiền của thị trường vốn thì cần có thêm thời gian để ổn định tâm lý thị trường. Tuy nhiên, một cách tổng quan, quyết định linh hoạt này của NHNN sẽ kỳ vọng được khơi thông thị trường vốn và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Chứng minh một số hữu ích và lợi thế
. Ngân hàng Nhà nước gần đây khá chủ động trong chính sách tiền tệ, khi các chỉ số kinh tế cũng như sức ép bên ngoài có những thay đổi. Chiến lược này đang có những hữu ích và lợi thế ra sao?
+TS Đào Lê Trang Anh: Theo tôi, chiến lược chủ động trong thời gian gần đây của NHNN đối với chính sách tiền tệ trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới liên tục thay đổi đã chứng minh một số hữu ích và lợi thế bao gồm:
Chủ động kiểm soát lạm phát và tỉ giá: Bằng cách chủ động điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã tương đối thành công trong việc kiểm soát lạm phát và điều hành tỉ giá hối đoái. Điều này giúp duy trì sự ổn định và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tạo niềm tin cho người dân và các nhà đầu tư.
Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế: Khi nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, NHNN đã hạ lãi suất để tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn rẻ cho ngân hàng thương mại, từ đó giảm lãi suất cho vay nhằm khuyến khích vay và đầu tư, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Cải thiện ổn định tài chính: Bằng cách chủ động giám sát và quản lý khu vực ngân hàng, NHNN đã giúp duy trì sự ổn định tài chính, yếu tố quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của nền kinh tế. Điều này bao gồm các biện pháp như thiết lập yêu cầu dự trữ cho các ngân hàng hoặc cung cấp hỗ trợ thanh khoản trong thời kỳ khủng hoảng.
Nhìn chung, chiến lược chủ động đối với chính sách tiền tệ về cơ bản đã giúp NHNN đạt được các mục tiêu duy trì ổn định giá cả, quản lý tỉ giá hối đoái, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, và thúc đẩy ổn định tài chính. Tất cả đều rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong cả ngắn, trung và dài hạn.
.Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có nhận định Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ, bà đánh giá điều này ra sao?
+TS Lê Hồng Hạnh: Trong bối cảnh nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ đã liên tục nâng lãi suất để ứng phó với bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, bất ổn và khó dự đoán, việc NHNN hạ lãi suất ngược chiều với xu hướng tăng trên thế giới được coi là khá bất ngờ.
Theo thông lệ, thường khi Fed tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương các nước cũng sẽ tăng lãi suất theo Fed. Trên thực tế, giai đoạn tháng 9 và tháng 10-2022, NHNN Việt Nam cũng đã có hai lần tăng lãi suất điều hành với tổng mức tăng 200 điểm cơ bản ngay sau khi Fed tăng mạnh lãi suất vào tháng 6, 7 và 9-2022.
Nhiều quan điểm cho rằng khi Fed duy trì lãi suất cao và Việt Nam hạ lãi suất thì có thể ảnh hưởng tới tỉ giá do dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu so sánh, hiện nay tỉ lệ lạm phát ở Mỹ rơi vào khoảng 6% cao hơn so với mức lạm phát của Việt Nam rơi vào khoảng 4,5%. Do đó việc Việt Nam quyết định giảm lãi suất, thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ là hợp lý.
Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất điều hành trong tháng 3-2023 đã đánh dấu bước chuyển đổi trạng thái từ thắt chặt sang nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có tác động tích cực tới doanh nghiệp.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi giảm sẽ là động lực giúp cá nhân, doanh nghiệp tìm kiếm các cơ hội mới mang lại lợi suất cao hơn so với ngân hàng và khuyến khích tiêu dùng. Cá nhân và doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận khoản vay với lãi suất phải trả thấp hơn, giúp tiết kiệm được chi phí.
Đánh giá xu hướng dưới hai góc độ
.Bà có bình luận gì về xu hướng lãi suất trong thời gian tới?
TS. Đào Lê Trang Anh: Để đánh giá xu hướng lãi suất trong thời gian tới, cần nhìn dưới hai góc độ: xu hướng trên thế giới và tình hình tại Việt Nam.
Trên thế giới, trước khi ba ngân hàng sụp đổ tại Mỹ, Fed vẫn kiên định thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt do lạm phát chưa giảm như kỳ vọng, với mức lãi suất trong tháng 3 đã lên mức 4,75 – 5%, mức cao nhất từ năm 2007.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của ba ngân hàng đã đặt Fed vào thế phải cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và ngăn ngừa một khủng hoảng tài chính. Vì vậy, đà tăng lãi suất của Mỹ có nhiều khả năng sẽ giảm so với dự báo ban đầu.
Nhiều ngân hàng đang giảm lãi suất, hỗ trợ cá nhân tiếp cận vốn vay ưu đãi. |
Ở Trung Quốc, lãi suất cũng được dự báo sẽ giảm để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tham vọng 6% năm 2023. Tuy nhiên, tại Châu Âu, Ngân hàng Trung Ương châu Âu có thể sẽ tiếp tục thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ do hệ thống ngân hàng có vốn và thanh khoản dồi dào trong khi lạm phát tiếp tục ở mức cao.
Tại Việt Nam, hai lần giảm lãi suất điều hành trong tháng 3-2023 là tín hiệu mạnh mẽ thể hiện bước chuyển đổi chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng. Do đó, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục ưu tiên nới lỏng chính sách tiền tệ, trừ khi có những sự kiện hay biến cố lớn bất ngờ tác động đến xu hướng giảm lãi suất của NHNN.
Tất nhiên, việc giảm lãi suất phải được cân nhắc kỹ lưỡng và cần kết hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để đạt được mục tiêu lớn nhất là hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Động lực tích cực để phát triển kinh tế
Lãi suất phụ thuộc vào cầu và cung của nguồn vốn trong nền kinh tế, và sẽ có rất nhiều các yếu tố chủ quan lẫn khách quan, cũng như các sự kiện trong và ngoài nước tác động tới xu hướng lãi suất trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo quan sát, Chính phủ và NHNN có động thái khá rõ ràng trong việc tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, đặt song song cùng với mục tiêu ổn định tỉ giá và kiểm soát lạm phát.
Nếu mọi chỉ số vĩ mô vẫn được kiểm soát tốt, thì việc NHNN tiếp tục giảm lãi suất sẽ là một động lực tích cực để thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2023.
TS Lê Hồng Hạnh