Từng là học sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh, tôi thấy thương tâm khi đọc những thông tin liên quan một nữ sinh trường này tự tử vì cho rằng bị cô lập, bắt nạt.
Từ chuyện trên, có lẽ chúng ta nên nghĩ tới việc tập cho bản thân và con cái có thói quen sống một mình - đang rất phổ biến trong sinh hoạt hiện đại, nhất là ở các nước châu Âu.
Ngay khi con gái tôi mới 1-2 tuổi, tôi đã dạy cháu chơi một mình. Vợ chồng tôi đều có thói quen ấy khi còn nhỏ. Sau nhiều năm, bây giờ con gái tôi có thể tự tìm niềm vui trong nhiều giờ mà không cần đến thiết bị điện tử, tivi, iPad. Đồ chơi đơn giản của cháu chỉ là mấy cái gối, vài cuốn sách hoặc tờ giấy, bút màu.
Thỉnh thoảng, cháu kể với tôi bạn này, bạn kia ở lớp không chơi với con. "Con cũng thế thôi, có lúc không muốn chơi với bạn, ai chẳng vậy", tôi giải thích. Tôi còn bảo con: "Nếu bạn không chơi với mình, con hãy chơi một mình, lúc nhỏ ba mẹ vẫn thế".
Vợ chồng tôi không chỉ dạy con kỹ năng giao tiếp xã hội mà còn rèn cho con cách sống một mình. Con thích thì kết bạn, không thích thì thôi. Tôi không ép, nhưng luôn làm cầu nối để con có thêm bạn mới. Tôi khuyến khích con khám phá thế giới, kết nối rộng rãi với nhiều người để tìm hiểu, học hỏi thay vì co cụm trong nhóm nhỏ.
Nhớ những năm cấp II, cấp III hay đại học, các bạn lớp tôi rất hay chơi theo nhóm. Tôi thực sự không thích tham gia vào nhóm nào. Mọi người trong nhóm thường tụ tập và sẽ dè bỉu này nọ nếu "ai kia" không là thành viên hoặc không theo "luật ngầm" của nhóm.
Tham gia nhóm có nghĩa là không được tự do hòa đồng với tất cả những bạn mà mình muốn giao du. Cho nên tôi không thuộc nhóm nào, dễ chịu hơn là phải nghe những điều chẳng đâu vào đâu.
Thực tế cho thấy học sinh từ cấp II trở lên khó tránh khỏi việc các em lập nhóm này, nhóm kia chơi với nhau. Đó là bản năng sinh tồn của con người xưa nay, sống theo cộng đồng hỗ trợ nhau. Những bạn không thuộc về nhóm nào rất dễ có cảm giác bị cô lập, lạc lõng, cô đơn.
Từ thực tế này, bố mẹ, thầy cô nên chuẩn bị tâm lý cho học sinh hiểu rằng chuyện các bạn lập nhóm là bình thường và việc con không tham gia nhóm cũng là bình thường.
Chúng ta đều có quyền lựa chọn cách sống cho riêng mình. Nếu con chưa thấy thoải mái với nhóm nào, không thoải mái với bạn nào thì con không cần phải gồng mình, thay đổi bản thân để được chơi với bạn. Con cũng đừng vì thế mà ghét các bạn!
Học thích nghi với mọi hoàn cảnh
Tôi đã học được cách sống một mình, tự chơi một mình. Thay vì chạy theo nhóm này, nhóm kia, tôi dành thời gian đọc sách, suy ngẫm và quan sát cuộc sống xung quanh.
Có lúc, thật lòng là tôi cảm thấy có chút lẻ loi, lạc lõng khi không thuộc về nhóm nào đó. Tuy nhiên, thời còn ở độ tuổi hai mươi, tôi vô tình đọc được ở đâu đấy câu nói đại ý cuộc sống con người đôi khi cô đơn lại là cái cây ở trên cao, đừng thỏa hiệp để tìm sự vui vầy một cách ép buộc.
Tôi vững tin vào con đường mình chọn, nếu cần thiết tôi sẽ chấp nhận cuộc sống của một cái cây. Chỉ như vậy mới có thể thích nghi tốt với bất kỳ hoàn cảnh nào!
Trang bị gì để con không rơi vào "vòng xoáy" bạo lực học đường?
Có con trong tuổi đi học, phụ huynh cần dạy con những gì khi đến trường, đến lớp? Chúng ta có thể trang bị kỹ năng nào để con không bị bắt nạt hoặc bắt nạt bạn? Nếu chẳng may con bị bắt nạt, phụ huynh làm gì?... Mời quý bạn đọc gửi ý kiến chia sẻ ở ô Bình luận, hoặc gửi email đến địa chỉ: giaoduc@tuoitre.com.vn. Chân thành cảm ơn bạn đọc!
"Thà bị đánh một trận tơi bời còn hơn. Bởi như vậy chỉ đau đớn về thể xác mà thôi" - Mai, nữ sinh lớp 11 ở TP.HCM, đúc kết như thế khi em bị một nữ sinh cùng lớp "bóc phốt" trên mạng.
Xem thêm: mth.26073851142403202-pal-oc-ib-noc-ihk-ig-mal/nv.ertiout