Như Thanh Niên đã thông tin, theo ghi nhận thời gian gần đây tình trạng vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, hay vượt qua nút giao khi đèn đỏ còn khoảng 4 - 5 giây, dừng xe không đúng nơi quy định... diễn ra trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Hành vi này không những gây nguy hiểm cho bản thân người vi phạm và những người lưu thông trên đường mà còn là tác nhân gây ách tắc, ùn ứ giao thông. Ðiển hình, ở nhiều ngã ba, ngã tư, xe ôm công nghệ dừng chờ đèn đỏ nhưng đỗ xe vượt quá đường kẻ vạch liền quy định, thậm chí còn dàn hàng chắn ngang giữa đường đi cản trở các phương tiện đang di chuyển (ảnh 1).
Xe máy bất chấp quy định, chạy ngược chiều vào đường cấm, cắt ngang làn đường để đi tắt sang đường tại ngã tư đường Lê Ðức Thọ (ảnh 2). Tại làn phương tiện giao cắt Cầu Giấy - Trần Ðăng Ninh, khi đèn tín hiệu còn 5 giây để chuyển từ đèn đỏ sang đèn xanh, nhiều xe máy đã bắt đầu di chuyển…
Không chỉ ở Hà Nội, khoảng 11 giờ 43 ngày 19.4, một nam thanh niên điều khiển xe máy hiệu Vario hướng từ TP.Vũng Tàu đi TP.Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu), khi đi qua vòng xoay Paradise thì chạy vào làn đường dành cho ô tô trên đường 3 Tháng 2, TP.Vũng Tàu. Nam thanh niên "làm xiếc" trên xe máy bằng hành động "núp gió", lạng lách và chạy với tốc độ cao vượt qua nhiều ô tô phía trước (ảnh 3). Thấy vậy, nhiều người đi đường phải vội né để đảm bảo an toàn giao thông...
Đi ngoài đường mà như trong sân nhà!
Nói về tình trạng vi phạm luật giao thông như hiện nay, bạn đọc (BÐ) Ninh Hung bức xúc cho biết: "Phải nhìn nhận rằng tình hình trật tự, an toàn giao thông có tiến bộ hơn trước nhưng vẫn còn lắm nỗi lo. Không khó để nhìn thấy những cảnh từ xe lớn đến xe nhỏ, từ xe máy đến người đi bộ… vi phạm luật giao thông. Có nơi như ở ngã năm Ðài liệt sĩ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều tốp xe máy ngang nhiên rẽ trái đi ngược chiều vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh để chạy thông qua hẻm gần nhà sách, hỏi thì có người nói "đi vậy cho nó gần". Nếu thấy có công an đứng thì họ quay xe, còn không thấy công an thì từng tốp cứ tự nhiên đi ngược chiều".
Cùng ý kiến, BÐ Xuân tỏ ra ngao ngán: "Có công an thì xe cộ dừng đèn đỏ nghiêm chỉnh, không có công an thì nhiều người liếc ngang liếc dọc rồi rồ ga vọt luôn. Họ chỉ sợ công an thôi!". BÐ Uyenthu cũng cho biết: "Nhiều người đi bộ ngoài đường mà tưởng như di chuyển trong sân nhà mình: muốn qua đường chỗ nào thì cứ "xẹt" qua, nguy hiểm vô cùng, trong khi chỗ dành cho người đi bộ cách đó chỉ chục mét".
Văn hóa giao thông, bao giờ?
Nói về văn hóa giao thông, BÐ Lại Quang Tấn nhận xét: "Với văn hóa giao thông của nhiều người VN hiện nay thì 100 năm nữa có xây dựng đường sá cỡ nào đi nữa kẹt xe vẫn hoàn kẹt xe". BÐ N.N.N thì cho rằng: "Nói đến văn hóa giao thông thì có lẽ hơi xa vời. Nhưng nếu như ngay từ bây giờ không tích cực xây dựng văn hóa giao thông thì biết đến bao giờ mới có. Theo tôi, cần tăng cường giáo dục trong nhà trường, cơ quan và xã hội về an toàn giao thông; việc giáo dục này phải thiết thực và hiệu quả. Bên cạnh đó, nên có nhiều phong trào, chương trình, cuộc thi… về an toàn giao thông, làm sao để mọi người hiểu được rằng: an toàn giao thông là an toàn cho chính mình và mọi người. Và quan trọng trước mắt là việc xử phạt phải nghiêm khắc, đủ sức răn đe".
Ðồng quan điểm, BÐ ZLinh đề nghị: "Tôi thấy phạt vi phạm nồng độ cồn đối với xe máy cũng nặng, nhưng nhiều người có vẻ không sợ, họ vẫn uống bia rượu và vẫn lái xe, thật không hiểu nổi. Ðề nghị ngoài mức phạt trên, thì nên gửi thông báo về địa phương hoặc cơ quan công tác để kiểm điểm, hạ thi đua, cắt tiền thưởng; bắt học và thi lại luật giao thông… để họ "ý thức" hơn, không tái phạm".
"Tôi thì cực kỳ hoan nghênh các anh CSGT trong việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Nhiều người cứ nhậu xong thì lên xe mà phóng, tai nạn giao thông cũng từ đó mà tăng, gây ra biết bao nhiêu vụ đau lòng... Mong các anh CSGT cứ phạt thẳng tay, không nhân nhượng, và nhất là phải thường xuyên tuần tra. Tôi cho rằng việc thường xuyên tuần tra là rất cần thiết nhằm giúp giảm bớt các tai nạn giao thông, đem lại an toàn cho mọi người", BÐ An Binh bày tỏ.
* Không biết vì sao mà nhiều người tham gia giao thông tự cho mình cái quyền bất chấp nguy hiểm, bất chấp luật lệ, chẳng coi ai ra gì...
Vũ Mẫn
* Nhìn hành vi và cách hành xử khi tham gia giao thông là biết văn hóa và giáo dục của nhiều người tới đâu rồi.
Hungnq30c
* Đề nghị thêm hình phạt lao động công ích đối với những người vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ… để họ biết chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông.
Tiến Bộ