Ngày 24.4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái họp với 5 địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp gồm TP.HCM, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Theo kế hoạch vốn Chính phủ giao, tổng vốn của 5 tỉnh, thành này rất lớn (92.000 tỉ đồng), chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của cả nước. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân trong quý 1/2023 lại thấp hơn bình quân chung.
"Tại sao cùng một môi trường pháp lý như nhau, Chính phủ chỉ đạo công bằng, công khai, minh bạch, không ưu ái riêng địa phương nào mà có địa phương giải ngân tốt, thậm chí thiếu tiền xin thêm không được, trong khi đó, nhiều địa phương lại thấp hơn mặt bằng chung?", Phó thủ tướng nêu vấn đề và yêu cầu các tỉnh thành giải trình vướng mắc cụ thể.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận "trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM chậm thuộc về UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP". Lý do chậm chủ yếu ở các khâu như chuẩn bị hồ sơ, giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong khâu tổ chức thực hiện cũng có một số trường hợp chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với nhà thầu và địa phương để triển khai công việc. Ông Mãi cho biết TP.HCM đang tích cực chấn chỉnh tình trạng này, thành lập 13 tổ kiểm tra, đôn đốc 38 công trình, dự án trọng điểm... và cam kết TP.HCM sẽ nỗ lực giải ngân với mục tiêu không dưới 95% trong năm 2023. Lãnh đạo các địa phương khác cũng nhận trách nhiệm và hứa sẽ phấn đấu giải ngân đầu tư công theo kế hoạch.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương phải xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2023. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, cũng như xử lý những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ… Phó thủ tướng đề nghị các địa phương phát huy vai trò của cán bộ, phân công công việc rõ ràng, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, chất lượng công việc để kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.
* Chiều cùng ngày, Sở TN-MT TP.HCM họp giao ban với các quận, huyện và TP.Thủ Đức về giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (gọi tắt là bồi thường) trên địa bàn.
Tại cuộc họp, ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, đánh giá một số quận, huyện xây dựng kế hoạch triển khai công tác bồi thường cho từng dự án chưa rõ, chưa cụ thể thì không thể nào tham mưu cho cấp ủy quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt. Đồng thời, chưa thực hiện tốt chỉ thị của Thủ tướng, Thành ủy TP.HCM và của Chủ tịch UBND TP.HCM đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Một số chủ đầu tư phối hợp không tốt với địa phương để thực hiện công tác bồi thường. Nếu không kịp thời khắc phục ngay thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2023. Chưa kể, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với quận, huyện tại một số dự án không tốt dẫn đến trì trệ, lãng phí nguồn lực khi phân bổ vốn đầu tư công.
Đối với các dự án ghi vốn bồi thường của năm 2022 được chuyển tiếp qua năm 2023, ông Trực giao phòng chuyên môn đánh giá đơn vị nào hoàn thành hoặc không hoàn thành theo tiến độ vào ngày 30.6 để báo cáo UBND TP.HCM. "Có những quy định là hiển nhiên nhưng đơn vị chưa hiểu hoặc hiểu lệch lạc thì không tham mưu được cho lãnh đạo địa phương", ông Trực nói.
Ông Trực cho biết trong cuộc họp sáng cùng ngày với Chính phủ về đầu tư công, UBND TP.HCM đã chỉ đạo phải giải ngân hơn 8.000 tỉ đồng vốn bồi thường trong tháng 6.2023. Đây là áp lực lớn nên rất cần sự chia sẻ, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, chủ đầu tư và lãnh đạo UBND cũng như cấp ủy địa phương để đảm bảo tỷ lệ giải ngân.