Kết nối ngành du lịch và hàng không
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết hội thảo này được tiếp nối thành công từ kết quả hội thảo ‘‘Hợp tác hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến du lịch toàn cầu’’ năm 2022.
“Đây là hội thảo kết nối ngành du lịch với hàng không đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng, là một trong những hoạt động triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, với các dự báo trong năm 2023 và những năm tới, ngành du lịch sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Nền kinh tế của Việt Nam sẽ có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn”, ông Việt nói.
Tại hội thảo, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh xác định tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch theo chiều rộng nhằm đa dạng thị trường khách du lịch, chú trọng thu hút khách nội địa và dần phục hồi các thị trường khách quốc tế có lượng khách lớn đến tỉnh này trong những năm trở lại đây như Nga, các nước khu vực Đông Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...
Bên cạnh đó, hướng đến mở rộng thu hút khách từ một số thị trường nhiều tiềm năng như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Đài Loan... Đồng thời, từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn khách, phát triển sản phẩm du lịch mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp.
Do vậy, ông hy vọng thông qua các chủ đề tham luận, các ý kiến, giải pháp hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch tại hội thảo sẽ góp phần mạnh mẽ vào việc khôi phục các thị trường, phát triển du lịch.
Các giải pháp để “mở cửa bầu trời” đưa du khách quốc tế đến Việt Nam
Tại hội thảo, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỉ lệ cao nhất (hơn 80%, năm 2019) so với đường bộ, đường biển. Do vậy, hàng không luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Hàng không và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển của cả hai bên.
“Để đạt mục tiêu ngành du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, vai trò của hàng không là rất lớn”, ông Siêu nói.
Vì thế, Tổng cục Du lịch đề xuất cần triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng đường bay quốc tế đến Việt Nam; phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, hàng không; tăng cường phối hợp tuyên truyền quảng bá giữa ngành hàng không và du lịch trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên.
Trình bày tham luận “Hợp tác hàng không- du lịch: Mở cửa bầu trời, kết nối các đường bay quốc tế”, ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết hiện nay (tháng 4/2023) có 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi. Quý 1/2023, sản lượng vận chuyển trên các đường bay quốc tế đạt 7,1 triệu khách, bằng xấp xỉ 68% so cùng kỳ năm 2019.
Ông cho biết Việt Nam hiện đang thực hiện chính sách giảm dần sự điều tiết đối với vận tải hàng không thông qua các thỏa thuận song phương và đa phương, phát triển thị trường vận tải hàng không Việt Nam theo hướng mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới; đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các hãng hàng không.
Đồng thời, khuyến khích các hãng hàng không nước ngoài khai thác đến Việt Nam, tạo sự năng động và thúc đẩy tính cạnh tranh của lực lượng vận tải hàng không Việt Nam…
“Sự hồi phục của thị trường vận tải hàng không quốc tế trong giai đoạn vừa qua là tín hiệu vui đối với hoạt động của ngành hàng không nói riêng và các ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch nói chung.
Với chính sách vận tải hàng không theo hướng tự do hóa hay nói cách khác là “mở cửa bầu trời”, có thể nói gần như không có rào cản cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam cũng như các hãng hàng không nước ngoài khai thác đến Việt Nam”, ông Đăng cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tấn, Ủy viên Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra một số đề nghị đối với việc hợp tác hàng không và du lịch để có thể tạo thêm chuyển biến thu hút khách du lịch quốc tế. Đó là, các đơn vị thuộc lĩnh vực hàng không và du lịch cần xây dựng một kế hoạch hợp tác chặt chẽ, phối hợp thường xuyên. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước là lãnh đạo – hỗ trợ, Hiệp hội là vận động- tập hợp- thực hiện và nòng cốt là các đơn vị kinh doanh trực tiếp.
Hàng không và du lịch cần xác định các thị trường trọng điểm và thị trường mục tiêu cụ thể; phối hợp hoạch định sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu; xây dựng kế hoạch quảng bá – tiếp thị phù hợp và phối hợp các kênh bán hàng để tạo ra các sản phẩm cùng chuẩn, xuyên suốt hành trình du lịch của khách từ khi bắt đầu đến khi kết thúc…
Còn bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đề xuất một số giải pháp như chú trọng phát triển sản phẩm du lịch tạo sức hút cho điểm đến; chú trọng công tác chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch.
Đồng thời, đề nghị Cục Hàng không có cơ chế thông thoáng tạo điều kiện cho việc phát triển các đường bay mới. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành trong cả nước và các hãng hàng không; các hãng hàng không đồng hành với ngành du lịch nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực vào Việt Nam…
Ngoài ra, tại hội thảo, các diễn giả, đại biểu còn trình bày nhiều tham luận như liên kết, hợp tác trong và ngoài nước để thu hút khách từ các thị trường quốc tế trọng điểm; tăng cường quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch tới khách quốc tế sau dịch Covid-19; cơ chế đặc thù, linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không phục hồi; hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và hàng không để phục hồi du lịch…
Trong phiên thảo luận trực tiếp, do PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam điều phối, các diễn giả, đại biểu đã làm rõ các vấn đề về thu hút khách quốc tế ở các địa phương và giải pháp; xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trong tình hình mới; quảng bá xúc tiến du lịch tới đối tác trong và ngoài nước; tìm kiếm thị trường mới; xây dựng các gói sản phẩm có giá cạnh tranh...
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm đã nêu quan điểm, các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, gia tăng lượng khách quốc tế và nâng mức chi tiêu của du khách khi tới Việt Nam.
Đồng thời, đề xuất các chính sách phù hợp, cắt giảm bớt những quy trình thủ tục rườm rà, phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch phát triển…
Châu Tường