Tại Hội nghị Thượng đỉnh Biển Bắc diễn ra tại Bỉ, các nhà lãnh đạo cam kết các quốc gia châu Âu xung quanh Biển Bắc sẽ nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất điện gió ngoài khơi, biến đây trở thành trung tâm năng lượng xanh lớn nhất thế giới và tăng cường an ninh năng lượng của khu vực.
7 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong đó bao gồm Pháp, Đức và Hà Lan, cùng với các quốc gia ngoài EU là Na Uy và Anh đã cam kết đẩy nhanh việc xây dựng các trang trại điện gió và các địa điểm phát điện tái tạo được kết nối trên biển, đồng thời phối hợp phát triển các dự án lưu trữ carbon, hydro tái tạo trong khu vực.
Trong tuyên bố chung tại hội nghị, các nhà lãnh đạo cho biết, đặt mục tiêu nâng tổng công suất điện gió ngoài khơi lên gấp nhiều lần so với mức 25 GW hiện nay, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Tua bin gió ngoài khơi ở Biển Bắc. (Ảnh: AP)
"Đây là một cột mốc quan trọng để biến Biển Bắc trở thành trung tâm năng lượng xanh lớn nhất thế giới. Chúng tôi đặt mục tiêu đạt công suất điện gió ngoài khơi 130 gigawatt vào năm 2030 và 300 gigawatt vào năm 2050. Đến lúc đó, chúng tôi sẽ có thể cung cấp điện cho 300 triệu hộ gia đình trên lục địa châu Âu", Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhấn mạnh.
Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định, một yếu tố quan trọng của kế hoạch là các cơ sở hạ tầng phải được sản xuất tại châu Âu, tạo ra việc làm cho người dân châu Âu. Các doanh nghiệp châu Âu sẽ phải giải quyết bài toán nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng, tránh phụ thuộc vào một vài nhà cung cấp duy nhất.
"Chúng tôi muốn việc xây dựng năng lực điện gió ngoài khơi sẽ được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất châu Âu. Chúng tôi không muốn lặp lại những sai lầm đã mắc phải trong vài thập kỷ trước, khi triển khai các tấm pin năng lượng mặt trời trên quy mô lớn, nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), việc hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng này sẽ cần tới khoản đầu tư 800 tỷ Euro, bởi ngoài các trang trại điện gió, các nước còn cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối, chuỗi công nghiệp, dự án hydro xanh. Các quốc gia cũng cần có sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề như: điều phối chính sách, kêu gọi đấu thầu, tăng cường dây chuyền sản xuất hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính.
VTV.vn - Đầu tháng này, Ủy ban châu Âu EC đã công bố kế hoạch đầy tham vọng trong cuộc đua năng lượng xanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.31752905152403202-ioig-eht-tahn-nol-hnax-gnoul-gnan-mat-gnurt-al-es-cab-neib/et-hnik/nv.vtv