Sáng 25-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh sự sáng tạo, nhiệt huyết đam mê, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của cộng đồng các nhà khoa học có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của các chiến lược.
Tuy nhiên, điều ông Hoan thật sự trăn trở là khoa học công nghệ ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ khoa học công nghệ, nông nghiệp trên thế giới.
"Tôi cho rằng chúng ta còn một khoảng cách không nhỏ với các nước tiên tiến, chúng ta không thể tự bằng lòng với chính mình.
Còn phương châm muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau luôn luôn đúng trong mọi lĩnh vực, trong mọi tổ chức, trong mọi bộ máy" - ông Hoan chia sẻ.
Theo ông Hoan, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo bắt đầu từ ý tưởng của một người, nhưng để hoàn thiện ý tưởng đó phải cần đến sự hợp sức, hợp tác của nhiều người.
"Thước đo giá trị của sản phẩm nghiên cứu khoa học, của các giải pháp công nghệ chính là giá trị lan tỏa đến tận những cánh đồng, những cánh rừng, những đội tàu ra khơi khai thác những vùng nuôi trồng thủy sản, những hộ chăn nuôi đang chao đảo vì giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao..." - ông Hoan nói.
Nguyên bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiến nghị phải có cơ chế để sử dụng hiệu quả và phát huy tốt hơn những nguồn lực chúng ta có.
Đồng thời, cần gấp rút sửa đổi cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ.
"Các nhà khoa học đã phản ánh nhiều về cơ chế chính sách nhưng sửa đổi còn chậm. Trong đó có vấn đề về cơ chế khoán và cơ chế tự chủ. Nhiều nhà khoa học ngại với cơ chế thanh quyết toán. Dù đã khoán nhưng vẫn phải thanh quyết toán chi li, phức tạp, hồ sơ thanh quyết toán dày hơn rất nhiều so với báo cáo kết quả nghiên cứu" - ông Phát chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, đề nghị các nhà khoa học làm chủ nhiệm đề tài. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp thì cần phải học cơ chế lấy thị trường nuôi thị trường.
Ông Dũng đề nghị lập các quỹ phi ngân sách tập trung bằng cách cộng thêm 0,5-1% giá trị xuất khẩu đối với mỗi lô hàng.
Mỗi năm chúng ta xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD, nếu cộng thêm 1% giá trị thì mỗi năm có khoảng 100 triệu USD để làm quỹ phát triển ngành thủy sản, trong đó có việc đặt hàng các viện nghiên cứu, các trường đại học nghiên cứu các đề tài khoa học.
TTO - Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chiến lược nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ tiếp cận dòng chảy, xu thế tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới.