Theo thông tin từ Cục quản lý thị trường Hà Nội, vừa qua, Đội QLTT số 11 phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hà Đông, Hà Nội, tiến hành kiểm tra tại số 1, Khu nhà dân cư mới, Tổ 5, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, đã phát hiện trên 250 sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Burberry, Zara… với tổng giá trị hàng hóa trên 150 triệu đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng là Đ.T.L.H (trú tại địa chỉ trên) thừa nhận, số hàng hóa trên được mua gom trôi nổi trên thị trường, hàng không rõ nguồn gốc và giá trên sản phẩm là tự H dán vào để phục vụ cho việc bán online.
Các thiết bị livestream của chủ kênh bán hàng online tại thời điểm bị phát hiện bán hàng "lậu", hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.
Theo đó, H đã sử dụng các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội làm nơi kinh doanh để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, sau đó, mặc sức quảng cáo, "thổi giá" và bán các sản phẩm thời trang nhái nhãn hiệu nổi tiếng với mức giá "trên trời" cho người tiêu dùng.
Vậy nhưng khi livestream bán hàng, H lại khẳng định các sản phẩm thời trang của mình là "hàng hiệu" chính hãng của các thương hiệu nổi tiếng. Vì thế, mỗi một sản phẩm áo hoặc quần được rao bán với mức giá từ 6-7 triệu/ đồng/sản phẩm. Thậm chí có sản phẩm bán với mức giá hơn 30 triệu đồng/chiếc áo.
Một chiếc áo hàng hiệu được chủ kênh bán hàng online rao bán với giá 6,3 triệu đồng.
Vì cam kết là hàng hiệu chuẩn và luôn rẻ hơn giá trên thị trường nên không ít người đã tin tưởng và bỏ tiền ra đặt hàng để mua. Đến khi bị cơ quan chức năng vạch trần thì mới "ngã ngửa" vì mua phải hàng dởm.
Ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, khi phát hiện, hàng hóa tại nhà riêng của H có dấu hiệu là hàng giả, thậm chí có cả hàng lậu. H bán ở nhà riêng, không mất tiền thuê kiot, chi phí thuê nhân viên bán hàng và đặc biệt, trốn được thuế. Hiện lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã có phương án xử lý nghiêm trường hợp này.
"Thậm chí, trong khi cơ quan chức năng đang làm thủ tục hoàn tất hồ sơ để xử phạt hành chính, trong sáng 25/4, chủ kênh bán hàng online này vẫn tiếp tục livestream để bán quần áo quảng cáo là hàng hiệu. Hành vi này giống như sự thách thức đối với cơ quan chức năng" - ông Trần Việt Hùng nhấn mạnh.
Qua vụ việc trên, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo, hiện nay, để lấy lòng tin của người tiêu dùng, các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội, sau đó, lập các tài khoản ảo, giả vờ mua hàng để chốt đơn, nhằm tạo hiệu ứng cho đám đông. Khi đã chiếm được niềm tin của người mua, sẽ bắt đầu trà trộn, buôn bán các sản phẩm hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng, lừa đảo người tiêu dùng.
Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua hàng, chỉ nên mua tại cơ sở uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!