Xây dựng TP.HCM đến năm 2030 trở thành một đầu tàu về kinh tế số
Chiều 25-4, tại chương trình tọa đàm giữa lãnh đạo TP.HCM và Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài, TP.HCM đang triển khai lấy ý kiến tham vấn cho Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 từ các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia kinh tế trên địa bàn.
Mục tiêu của đề án là xây dựng TP.HCM đến năm 2030 trở thành một thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
"Thành phố luôn xác định trách nhiệm đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cam kết có đầu tư phù hợp từ hạ tầng, thể chế, nhân lực, môi trường sống để tạo môi trường sản xuất kinh doanh tốt và môi trường sống tốt cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân làm việc tại đây", chủ tịch UBND TP khẳng định.
Trao đổi với lãnh đạo thành phố, ông Gregory Testerman - chủ tịch AmCham tại TP.HCM - cho biết các doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam vẫn đang tin trưởng dài hạn vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, thách thức trước mắt là rất lớn khi TP.HCM cũng như Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ xu hướng suy thoái kinh tế tại Mỹ, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.
Theo ông Gregory Testerman, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hiện dành nhiều quan tâm đến kế hoạch thu hút đầu tư vào công nghệ cao và đổi mới sáng tạo ở thành phố Thủ Đức, cũng như đề án xây dựng Trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.
Doanh nghiệp Mỹ đồng hành với TP.HCM nắm bắt cơ hội mới
Các doanh nghiệp Mỹ mong muốn TP.HCM mở cửa rộng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường tài chính. Đồng thời, đề xuất thành phố cần tập trung vào con đường phát triển bền vững khi dòng vốn FDI ngày càng đòi hỏi các điểm đến đầu tư phải đảm bảo những tiêu chuẩn cao hơn, tuân thủ các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị tốt hơn.
Đại diện AmCham kiến nghị: thành phố tiếp tục cải tiến quy trình cấp visa cho các doanh nhân, nhà đầu tư để không bỏ lỡ các cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài vào thành phố.
Bà Susan Burns - tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM - chia sẻ đây là thời điểm rất quan trọng và ý nghĩa trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Tuần trước, hai bộ trưởng của Mỹ cùng đến thăm Việt Nam và mới đây là lễ khởi công đại sứ quán mới của Mỹ tại Việt Nam.
"Các doanh nghiệp Mỹ đóng vai trò nổi bật trong quá trình chuyển đổi đó. AmCham TP.HCM hoạt động 27 năm kể từ hai bên thiết lập quan hệ và đến nay đã có hơn 2.000 thành viên, đầu tư hàng tỉ USD vào TP.HCM, góp phần đưa hàng hóa của thành phố tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cung cấp các sản phẩm dịch vụ đẳng cấp quốc tế", tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM chia sẻ thêm.
Bà Susan Burns cũng cho rằng vẫn còn nhiều thách thức thời gian tới, dù vậy doanh nghiệp Mỹ luôn đồng hành với thành phố vượt qua những thách thức ngắn hạn, nắm bắt cơ hội dài hạn, đưa thành phố trở thành điểm đến của trí thức, công nghệ cao và mở ra những cơ hội mới, đem đến lợi ích mới cho những bên liên quan.
Tại buổi tọa đàm, các vấn đề về thị trường vốn và dịch vụ tài chính, kinh tế số - kỹ thuật số, sản xuất, chuỗi cung ứng và hậu cần, năng lượng, sức khỏe, giáo dục… được doanh nghiệp Mỹ nêu lên và cơ quan ban ngành của thành phố giải đáp, làm rõ.
Việt Nam nằm trong loạt quốc gia châu Âu và châu Á Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm từ ngày 11 đến 18-4, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Xem thêm: mth.10434731252403202-man-teiv-et-hnik-auc-nah-iad-gnourt-gnat-nit-ym-peihgn-hnaod/nv.ertiout