Nhà phố liền kề và biệt thự tại nhiều dự án ở khu vực các tỉnh lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận… đang được giảm giá, cắt lỗ 15%-30% do người mua ngộp tài chính, phải bán thoát hàng.
Nhà phố giảm giá hàng tỉ đồng
Là nhân viên còn bám trụ lại với thị trường vùng ven thời gian dài, anh Đức Minh cho biết từ đầu năm đến nay nhiều chủ nhà phố, biệt thự dự án gửi anh rao bán cắt lỗ, giảm giá từ hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng. Nhóm khách này đầu tư nhiều nơi, kinh doanh gặp khó nên cần tiền mặt, phải bán bớt sản phẩm đầu tư.
Nhà phố là sản phẩm được rao bán nhiều nhất mấy tháng qua. Anh Minh giới thiệu một căn nhà phố dự án quy mô lớn của một tập đoàn đang gặp khó khăn về pháp lý được chủ nhà nhờ bán. Căn nhà rộng 160 m2, đã nhận nhà, xây dựng một trệt, hai lầu, ba phòng ngủ, sân vườn trước và sau rộng rãi. Chủ nhà đã có hợp đồng mua bán, có thể sang tên nhanh ngay tại văn phòng công chứng.
“Giá gốc theo hợp đồng là hơn 8,6 tỉ đồng, chủ giảm hơn 600 triệu đồng, chỉ còn 8 tỉ đồng, chịu mọi chi phí nhưng vẫn chưa bán được. Nay chủ đang giảm tiếp 800 triệu đồng” - anh Minh nói.
Một biệt thự hạng sang khác cũng đang được chủ nhà rao bán, giảm giá cả tỉ đồng. Biệt thự này có diện tích 15 x 20 m, đã nhận nhà, giá gốc hợp đồng mua bán là 13,8 tỉ đồng và được chủ nhà giảm hẳn hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, thị trường đang trầm lắng, nhất là sản phẩm giá trị lớn ở vùng ven càng khó có khách mua.
Tương tự, nhiều shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng ở các dự án khu đô thị lớn tại Bình Thuận cũng giảm giá hàng tỉ đồng. Một nhân viên môi giới cho biết biệt thự nghỉ dưỡng 250 m2 có giá theo hợp đồng mua bán năm 2018 là 9,5 tỉ đồng nhưng nay chỉ rao 6,9 tỉ đồng. Bên cạnh nhà đầu tư thì có nhiều chủ đầu tư cũng đua nhau tung hàng tồn, chiết khấu 10%-20%.
Trong quý đầu năm, không có dự án nhà liền thổ nào mở bán. Ảnh: MINH LONG |
Theo các chuyên gia, hiện nay trên thị trường việc giảm giá 30%-40% là bình thường, nhất là với chủ đầu tư. Nguyên nhân là họ phải giảm giá bán để đảm bảo dòng tiền, tiếp tục hoạt động. Thứ hai, giảm giá thật ra mới chỉ là giảm lời.
Chuyên gia bất động sản (BĐS) Trần Khánh Quang phân tích: Đối với những dự án quỹ đất hình thành cách đây ba năm, khả năng giảm 20%-30% doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận; còn với những dự án có quỹ đất khoảng 1-2 năm gần đây, lúc đó giá thành rất cao, giá giảm khoảng 15%-20% thì doanh nghiệp huề vốn. Doanh nghiệp phải tự lựa chọn để đảm bảo sống còn trên thị trường.
Nhà đầu tư không nên hám rẻ
Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Việt Nam (VREC), những phân khúc có tính đầu cơ mạnh như đất nền, nhà ở thấp tầng, biệt thự nghỉ dưỡng buộc phải cắt lỗ ở hầu hết địa phương khi dòng tiền của nhà đầu tư gặp khó.
Ngoài ra, những dự án có mức giá quá cao, đại bộ phận khách hàng, nhà đầu tư không với tới nên buộc phải giảm mạnh giá bán mới hy vọng có thanh khoản.
“Khi đi săn hàng cắt lỗ, nhất là những sản phẩm như nhà phố, biệt thự, người mua cần tỉnh táo, tránh ham rẻ. Khách hàng nên lựa chọn các sản phẩm có tính thanh khoản cao và khả năng khai thác ngay như nhà riêng, nhà phố và căn hộ hoàn thiện vị trí tốt. Những BĐS đầu cơ, tính thương mại thấp thanh khoản sẽ kém nên cần thận trọng” - ông Bảo lưu ý.
Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Trung tâm Giao dịch BĐS Căn Nhà Mới, cũng cho rằng thời điểm này những BĐS cắt lỗ 20%-30% cũng là cơ hội cho nhà đầu tư để có thể mua được sản phẩm giá tốt, đã hoàn thiện, phù hợp với nhu cầu.
Việc bán cắt lỗ diễn ra chủ yếu ở những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, lướt sóng đặt cọc sang tay, hoặc vay tiền người thân để đầu tư ngắn hạn, bán kiếm lời. Khi thanh khoản không tốt, áp lực trả lãi vay khiến họ phải giảm giá để bán ra nhanh. Ngược lại, nhà đầu tư không áp lực tài chính sẽ không giảm giá mà tiếp tục chờ đợi.
“Thực ra nhà đầu tư vẫn mang tâm lý e ngại khi vướng mắc pháp lý lẫn tình cảnh của chủ đầu tư địa ốc chưa sáng sủa. Đó là nguyên nhân khiến nguồn hàng giảm giá nhiều nhưng giao dịch không bao nhiêu. Thị trường chỉ có thể ấm dần lên vào khoảng cuối năm” - ông Vũ nói.
Nhà liền thổ chỉ bán được 19 căn trong quý I-2023
Theo báo cáo thị trường của JLL Việt Nam, lượng giao dịch nhà liền thổ tại TP.HCM trong quý I-2023 đang có xu hướng giảm mạnh. Thị trường không có dự án nào mở bán mới trong quý đầu năm nay. Do đó, số căn mở bán mới giảm 68% so với quý trước và giảm 94% so với cùng kỳ năm trước với chỉ khoảng 60 căn. Lượng giao dịch nhà liền thổ tại TP.HCM giảm mạnh 92% so với quý trước và giảm hơn 98% so với cùng kỳ. Quý I-2023, chỉ có 19 căn bán nhưng chủ yếu là ở dự án cũ.
Theo JLL Việt Nam, hầu hết người mua và nhà đầu tư đều tạm đứng ngoài thị trường chờ đợi, giao dịch trầm lắng và khó khăn pháp lý vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Nguồn cung chịu áp lực do tâm lý thận trọng trong bối cảnh kinh tế bất ổn và các vấn đề pháp lý kéo dài. Nguồn cầu được dự báo vẫn yếu trong nửa đầu năm 2023, khi thị trường tiếp tục đối mặt với những khó khăn kinh tế làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư nhà ở.