Theo quy định hiện hành, khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để thu hồi thì được bồi thường bằng tiền.
Thực tế tại TP.HCM, khi thu hồi đất nông nghiệp chủ yếu được bồi thường bằng tiền do quỹ đất nông nghiệp không có nhiều để giao. Trong khi giá bồi thường đất nông nghiệp thường rất thấp, người dân rất khó để tạo lập nhà ở và sinh kế sau khi di dời. Đây cũng là lý do chưa tạo được sự đồng thuận cao đối với người dân và khiến dự án kéo dài.
Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM tại TP Thủ Đức kéo dài nhiều năm chưa thực hiện xong do vướng bồi thường. Ảnh: VH |
Dự án “khủng” hơn hai thập niên dang dở
Dự án khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM có tổng quy mô hơn 643 ha, nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương và TP.HCM. Riêng tại địa bàn TP Thủ Đức bắt đầu được thực hiện từ năm 2001 với quy mô thu hồi đất gần 120 ha. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm nhưng vẫn đang còn khoảng 800 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.
Nguyên nhân một phần vì hồ sơ pháp lý quá phức tạp của một dự án giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM, phần lớn vì chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) chưa thỏa đáng và còn nhiều bất cập.
Dự án kéo dài, đơn giá phê duyệt kèm theo phương án bồi thường từ năm 2006, mặc dù UBND TP đã nhiều lần điều chỉnh nhưng đã không còn phù hợp. Theo một báo cáo của quận Thủ Đức trước đây, đơn giá vẫn còn chênh lệch rất lớn so với các dự án liền kề nên người dân so bì và khiếu nại gay gắt.
Những năm qua, ĐH Quốc gia TP.HCM nhiều lần kiến nghị, “cầu cứu” về vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) với lãnh đạo các cấp nhưng vẫn chưa giải quyết được. Vấn đề càng khó khăn hơn khi dự án triển khai hàng chục năm nhưng chưa có đủ chỗ TĐC cho người dân bị thu hồi đất.
Hiện nay, dự án này đang chuẩn bị điều chỉnh quy hoạch theo hướng buộc phải cắt bớt khoảng 10 ha từ các hạng mục thành phần trong dự án để làm TĐC tại chỗ, chuyển đổi từ đất có chức năng giáo dục thành đất ở. UBND TP.HCM cũng kiến nghị cần xem xét tách 10 ha này ra khỏi ranh giới dự án ĐH Quốc gia, dành để bố trí TĐC cho các hộ dân bị di dời của dự án. Hiện nay, dự án vẫn chưa tiếp tục thực hiện bồi thường do phải chờ Thủ tướng duyệt điều chỉnh quy hoạch bổ sung khu TĐC.
Ngoài ra, để tháo gỡ nút thắt về bồi thường kéo dài hàng chục năm, TP Thủ Đức đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho TP Thủ Đức làm chủ đầu tư triển khai thực hiện công tác bồi thường, GPMB thí điểm theo phương thức hoán đổi đất TĐC tại chỗ. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp thuận do chưa có cơ sở. Vì vậy, dự án hiện nay vẫn đang nằm im sau hơn 20 năm triển khai.
Điểm đáng lưu ý, trong gần 120 ha trên địa bàn TP Thủ Đức, đa phần diện tích thu hồi là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 không có quy định phương thức bồi thường đất ở đã có hạ tầng kỹ thuật trong công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất. Nghĩa là không có phương thức hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở để người dân tạo lập nhà ở mà chỉ bồi thường, hỗ trợ bằng tiền khi thu hồi đất nông nghiệp.
Gần 30 năm, dự án hàng chục ngàn tỉ vẫn bế tắc
Cũng trên địa bàn TP Thủ Đức, một dự án khác là Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại phường An Phú đã kéo dài gần 30 năm chưa thực hiện được.
Năm 1994, Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 466 ha. Sau đó, dự án được điều chỉnh giảm xuống còn hơn 186 ha với nhiều dự án thành phần. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 18.888 tỉ đồng.
Năm 2012, dự án này được UBND TP chấp thuận địa điểm thực hiện dự án bồi thường, GPMB nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Riêng dự án thành phần là khu liên hợp thể dục thể thao có tổng quy mô gần 170 ha với 867 hộ dân bị ảnh hưởng.
Trong đó, riêng diện tích đất nông nghiệp tính bồi thường đã chiếm tới hơn 142 ha. Trải qua hàng chục năm, dự án vẫn chưa thể triển khai vì vướng bồi thường, GPMB. Hiện nay, TP Thủ Đức đã ban hành thông báo thu hồi đất đến 833/867 trường hợp. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã tổ chức đo vẽ, khảo sát gần 800 trường hợp.
UBND TP Thủ Đức, Sở VH&TT nhiều lần báo cáo về khó khăn, vướng mắc của dự án. Trong đó, nan giải nhất vẫn là vấn đề bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Sở VH&TT từng cho biết năm 2018, kinh phí bồi thường dự án khoảng 8.000 tỉ đồng, đến nay ước tính lên đến hơn 20.000 tỉ đồng nhưng cũng không biết khi nào mới có thể thực hiện.•
Tạm dừng 17 dự án đầu tư công tổng vốn hơn 1.400 tỉ đồng
Không chỉ riêng hai dự án nêu trên mà trên địa bàn TP, hàng trăm dự án đầu tư công gặp vô vàn khó khăn vì liên quan đến bồi thường, GPMB. Theo Sở TN&MT, riêng kế hoạch đặt ra trong năm 2022, toàn TP có 319 dự án triển khai bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Trong đó, nhiều dự án có quy mô thu hồi đất lớn, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng.
Sở TN&MT nhận định để thực hiện các dự án này thì nhu cầu về vốn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC là rất lớn. Tuy nhiên, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư của TP còn nhiều khó khăn.
Trong kỳ họp HĐND TP.HCM tháng 12-2022, để tập trung nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, TP.HCM đã quyết định tạm dừng thực hiện 17 dự án với tổng vốn hơn 1.400 tỉ đồng. Trong đó có nhiều dự án đầu tư hạ tầng như mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp; cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới; bồi thường, GPMB và làm đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Xây dựng)…