Trong báo cáo tài tháng 4, Chính phủ Nhật Bản đánh giá kinh tế nước này tăng trưởng với tốc độ vừa phải. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp, Chính phủ Nhật Bản đưa ra đánh giá này đối với tăng trưởng kinh tế. Báo cáo này đã nâng đánh giá về nhập khẩu lần đầu tiên trong 7 tháng qua, cho rằng nhập khẩu trong tháng 4 đã ổn định hơn sau khi có phần giảm nhẹ trong tháng 3.
Văn phòng Nội các Nhật Bản thừa nhận, việc các nền kinh tế khác tăng trưởng chậm lại do chính sách tiền tệ thắt chặt đã tạo ra nguy cơ suy giảm đối với kinh tế Nhật Bản. Đồng thời nhấn mạnh rằng, cần giám sát nghiêm ngặt tình hình lạm phát và những biến động trên các thị trường tài chính.
Chính phủ Nhật Bản giữ nguyên đánh giá về các yếu tố chủ chốt khác của nền kinh tế. Theo đó, tiêu dùng cá nhân - chiếm hơn 50% GDP của nước này - đang tăng trưởng mức vừa phải, dù lạm phát tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên gần đây. Niềm tin của người tiêu dùng đã được cải thiện nhờ dịch COVID-19 giảm và lương thưởng tăng. Báo cáo cũng đánh giá chi tiêu vốn đang tăng, giá hàng hóa được giao dịch giữa các công ty ổn định.
Tuy nhiên, xuất khẩu đang suy yếu, dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu như Nhật Bản, dù nhu cầu của Trung Quốc có dấu hiệu gia tăng và sự hồi phục sớm hơn dự kiến của du lịch quốc tế có những tác động tích cực.
Nhật Bản cũng gia tăng quan ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, trong khi sự sụp đổ của các ngân hàng đã gây bất ổn cho các thị trường tài chính toàn cầu.
Chính phủ Nhật Bản đánh giá có sự phát triển tốt trong 2 tháng liên tiếp đối với kinh tế Trung Quốc - đối tác thương mại lớn của nước này. Ngoài ra, báo cáo cũng nhận định, kinh tế toàn cầu tiếp tục “tăng trưởng vừa phải” dù có sự giảm sút ở một số khu vực.
Trước đó, số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 21/4 cho biết giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 3/2023 đã tăng mức 3,1%, bằng với mức tăng của tháng 2 và xấp xỉ dự báo. Các số liệu trên không bao gồm giá thực phẩm tươi sống dễ biến động, vượt không đáng kể so với mức dự báo tăng mức 3%.