vĐồng tin tức tài chính 365

Giả thiết giá trị giao dịch bình quân là 9.000 tỷ đồng/ngày, VN-Index đi ngang, HSC lên kế hoạch kinh doanh thận trọng

2023-04-26 08:27

Trong quý I/2023, giá trị giao dịch bình quân là 14.000 tỷ đồng/ngày. Theo kịch bản giả thiết của HSC thì giá trị giao dịch bình quân của thị trường sẽ chậm lại, điểm số dù tăng trong quý I nhưng sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ trong các quý cuối năm. Trên cơ sở dự báo thị trường, HSC đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng là doanh thu 2.338 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 721 tỷ đồng. Ước tính kết quả kinh doanh trong quý I vừa qua là 487 tỷ đồng doanh thu và 123 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Giả thiết giá trị giao dịch bình quân là 9.000 tỷ đồng/ngày, VN-Index đi ngang, HSC lên kế hoạch kinh doanh thận trọng ảnh 1
Các giả thiết chính của thị trường chứng khoán trong năm 2023 của HSC

Tổng tài sản cuối năm 2023 dự kiến đạt 16.400 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2022. Tổng tài sản chủ yếu sẽ bao gồm khoản cho vay ký quỹ và tài sản tài chính. Các kế hoạch sử dụng và huy động vốn chính trong năm 2023 như sau: Tối ưu hóa lợi thế từ nguồn vốn mới để tăng quy mô hoạt động cho vay ký quỹ và hoạt động tự doanh, mà chủ yếu là hoạt động tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro khi thị trường hồi phục. Dự kiến hoạt động tín dụng cho chứng khoán sẽ hồi phục trở lại từ mức thấp của quý I/2023. Trong cơ cấu tổng nợ vay, khoản vay nước ngoài dự kiến ở mức từ 100 - 140 triệu USD.

Ông Giang cho biết, thời điểm này lãi suất đồng USD còn cao, nên HSC dự kiến không chủ trương vay nhiều, nhưng Công ty cũng chuẩn bị nguồn lực tài chính cho sự phục hồi trở lại của thị trường.

Trong 4 mảng hoạt động chính, đáng lưu ý là mảng Tư vấn Tài chính doanh nghiệp, HSC đã và đang có sự chuẩn bị tốt, cả về đội ngũ nhân sự và danh mục các thương vụ tư vấn, để có thể tận dụng được cơ hội từ sự dần ổn định của thị trường trong năm 2023 và đặt mục tiêu doanh thu 218 tỷ đồng.

Năm 2023, theo ông Giang, HSC tiếp tục quản trị rủi ro chặt chẽ như đã làm được trong năm 2022, nhất là từ quý III năm ngoái, khi có những mã lớn giảm giá 80% nhưng hoạt động cho vay margin không bị thiệt hại, công ty không cho vay các mã nóng bị thổi giá, không tư vấn các hoạt động phát hành trái phiếu…

Thảo luận

Ban lãnh đạo HSC nhìn nhận thế nào về diễn biến thị trường?

Ông Trịnh Hoài Giang: Hầu hết các báo cáo đều nhận định kinh tế sẽ phục hồi từ quý III và IV, đặc biệt là có sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, HSC dự báo nền kinh tế Việt Nam về lâu dài vẫn nhiều triển vọng, nhưng không dễ có hồi phục sớm trong quý III và IV. Lý do khách quan là nền kinh tế Mỹ vẫn đối mặt với lãi suất cao. Ở trong nước, giải ngân đầu tư công không được như kỳ vọng. Vì thế thời gian phục hồi sẽ bị đẩy xa hơn vào tương lai. VN-Index hiện nay hơn 1.000 điểm có thể thấp hơn vào cuối năm, nên HSC đặt kế hoạch thận trọng. Đương nhiên "dự báo thời tiết” thì không thể nói trước điều gì.

Về doanh thu mảng tư vấn tài chính, đây là thời điểm các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội mua tỷ lệ cổ phần lớn của các doanh nghiệp. Với những gì có trong tay, chúng tôi đặt ra mục tiêu doanh thu tư vấn tài chính.

HSC làm gì để gia tăng thị phần?

Ông Trịnh Hoài Giang: Thị phần môi giới của HSC là 6% so với trước là 10%. Thị phần giảm do thị phần môi giới nhà đầu tư tổ chức giảm, ảnh hưởng giảm 2% thị phần chung. Trong thời điểm thị trường bùng nổ, HSC bị hạn chế về nguồn vốn do chậm trễ tăng vốn, ảnh hưởng giảm 1-2% thị phần nữa. Một số công ty chứng khoán liên quan đến ngân hàng cho phí Net bằng 0 để lấy thị phần, họ được dòng tiền của khách hàng để phát triển dịch vụ tiền gửi và lãi suất.

HSC sẽ điều chỉnh phí cạnh tranh, nhưng cạnh tranh với phần lớn thị trường chứ không phải với những công ty dẫn đầu về giảm phí. Đặc biệt, vẫn tập trung vào chất lượng tư vấn, tập trung vào các khách hàng lớn chứ không thể làm được với hàng triệu triệu tài khoản ngoài kia. Khi dòng tiền lớn nước ngoài vào Việt Nam, điều chắc chắn sẽ xảy ra trong vòng 2-3 năm tới thì HSC sẽ đón được dòng vốn này. Cùng với đầu tư công nghệ, HSC sẽ phục vụ được nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. HSC thiết kế lại quy trình, ứng dụng, hoạt động marketting hướng đến khách hàng. Hai năm vừa rồi, HSC đã học được nhiều từ thị trường, từ thành công và thất bại của công ty chứng khoán trong ngành.

Việc sử dụng nguồn vốn dư thừa như thế nào khi nhu cầu margin thấp?

Ông Trịnh Hoài Giang: Nếu không chuẩn bị từ bây giờ thì một hai năm nữa chúng ta sẽ thiếu vốn. Dư thừa vốn thì kinh doanh trên thị trường tiền tệ và lợi nhuận của nó không kém margin bao nhiêu. Với margin, chúng tôi vẫn kiên trì với cho vay cổ phiếu tốt, ngoài giá còn phải nhìn vào thanh khoản nữa. Chúng tôi không quan ngại khi số dư margin giảm vì thị trường này nhu cầu còn rất lớn. Chúng tôi vẫn nhận định thị trường sẽ chậm lại trong thời gian dài hơn, nhưng nó sẽ bật tăng trở lại. Không biết là khi nào, nhưng HSC phải chuẩn bị cho điều đó, vì HSC vẫn đặt mục tiêu là trong nhóm các công ty cho vay lớn nhất thị trường.

HFIC (Công ty Tài chính Đầu tư TP.HCM) có thoái vốn khỏi HSC hay không?

Đại diện HFIC: Chủ trương thoái vốn khỏi HSC là có vì quy định của pháp luật buộc phải thoái vốn. Còn trình tự và thủ tục là HFIC phải được Ủy ban nhân dân TP.HCM phê duyệt đề án tái cơ cấu. HFIC đang hoàn thiện đề án tái cơ cấu, dự kiến 2024 được thông qua. Dù đề án chưa được phê duyệt, nhưng HFIC đang trình phương án phân kỳ thoái vốn đến 2025, đảm bảo lợi ích của nhà nước.

Việc tăng vốn sắp tới có ảnh hưởng đến chi trả cổ tức hay không?

Ông Johan Nyvene, Chủ tịch HĐQT HSC: Hoàn thành tăng vốn là một thành công của HSC, sau 2 năm lên kế hoạch. Đã có hàng trăm văn bản qua lại giữa HSC và các cổ đông, cổ đông lớn HFIC và cơ quản chủ quản của HFIC là Ủy ban nhân dân Thành phố đã rất năng nổ kêu gọi sự tư vấn từ các sở ngành chuyên môn, để báo cáo xin ý kiến của Văn phòng Chính phủ. HSC tăng vốn khoảng 2.000 tỷ đồng mà phải xin Văn phòng Chính phủ. Chúng ta hiểu những khó khăn mà HFIC phải chịu. Một đợt tăng vốn tốn thời gian 2 năm, đợt tăng vốn tiếp theo vừa thông qua mới nửa năm thôi.

HSC đã nộp hồ sơ cho đợt tăng vốn tiếp theo rồi. Ủy ban Chứng khoán đã gửi văn bản cho HFIC, nhưng cũng chưa có hướng giải quyết, và đã hỏi trực tiếp đến Ủy ban nhân dân Thành phố. Vẫn đang chờ câu trả lời trực tiếp từ Ủy ban nhân Thành phố để hoàn thành các đợt tăng vốn tiếp theo.

Việc mở mới tài khoản như thế nào, HSC có chính sách gì để thu hút khách hàng mới?

Ông Trịnh Hoài Giang: Năm 2022, HSC chiếm dưới 1% số tài khoản mở mới và 90% tài khoản này có hoạt động sau đó. Số lượng tài khoản mở mới ít nhưng có chất lượng vì 30% tài khoản có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên. Từ đầu năm tổng số tài khoản mở mới giảm mạnh nhưng HSC vẫn duy trì tỷ lệ khoảng 1%. Hiện tại, HSC duy trì 100.000 tài khoản của khách hàng phần lớn là có giá trị tài sản cao.

HSC có các chính sách thu hút, tập trung vào chất lượng tư vấn, giá cạnh tranh, lãi suất hợp lý vì vốn có chi phí vốn, mục tiêu làm cho khách hàng có lời. Sức mạnh của chúng tôi là khách hàng hiện hữu.

Về phát triển dịch vụ quản lý tài sản cho khách hàng?

Ông Trịnh Hoài Giang: Tương lai phí giao dịch sẽ tiến về 0 và chúng tôi sẽ chuẩn bị cho điều đó. Nếu không thu phí giao dịch thì có nguồn thu khác như thu phí quản lý tài sản và HSC chuẩn bị công nghệ để làm việc này. Quản lý tài sản mỗi công ty có một cách khác nhau, với HSC chủ yếu là tư vấn.

Xem thêm: lmth.802023tsop-gnort-naht-hnaod-hnik-hcaoh-ek-nel-csh-gnagn-id-xedni-nv-yagngnod-yt-0009-al-nauq-hnib-hcid-oaig-irt-aig-teiht-aig/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Giả thiết giá trị giao dịch bình quân là 9.000 tỷ đồng/ngày, VN-Index đi ngang, HSC lên kế hoạch kinh doanh thận trọng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools