Một cuộc khảo sát của Gallup cho biết, chỉ có khoảng 27% người Mỹ tin tưởng vào ngân hàng mà họ sử dụng trong năm 2022, giảm từ mức cao nhất là khoảng 60% vào năm 1979.
Mặt khác, trong bảng xếp hạng Thương hiệu Tốt nhất Toàn cầu hàng năm của Interbrand, công ty Apple liên tục đứng đầu trong mười năm qua; trong khi lĩnh vực ngân hàng chỉ có duy nhất ngân hàng JPMorgan lọt vào top 25.
Gần đây, Apple đã có bước đi tiếp theo lấn sân sang lĩnh vực dịch vụ tài chính khi ra mắt dịch vụ gửi tiền với lãi suất hằng năm lên tới mức 4,15%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình dưới 0,5% mà hầu hết các ngân hàng truyền thống đưa ra. Các tài khoản tiết kiệm của Apple không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu, đồng thời được Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) bảo đảm.
Động thái này diễn ra vào thời điểm quan trọng khi các ngân hàng khu vực cố gắng duy trì số lượng tiền gửi của họ sau cuộc khủng hoảng Silicon valley bank và các công ty khởi nghiệp FinTech đang phải vật lộn với vấn đề thiếu nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh.
Apple không được cấp phép như một ngân hàng truyền thống, thay vào đó hãng đã hợp tác với Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ. Goldman Sachs chịu trách nhiệm quản lý rủi ro và các hoạt động liên quan đến các sản phẩm tài chính, trong khi Apple cung cấp công nghệ và phần mềm để tạo ra các trải nghiệm người tiêu dùng tốt nhất có thể.
Nhìn chung, mối quan hệ hợp tác giữa Apple và Goldman Sachs phản ánh sự thay đổi lớn hơn trong ngành ngân hàng hướng tới sự hợp tác tập trung vào công nghệ giữa các ngân hàng và công ty công nghệ. Khi trải nghiệm của khách hàng chính là những yếu tố quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành ngân hàng, nhiều ngân hàng truyền thống đang hướng tới những đổi mới công nghệ để tăng tính cạnh tranh.
Quan hệ đối tác giữa Apple và Goldman được thể hiện bằng cách tận dụng số lượng người tiêu dùng rộng lớn và khả năng thanh toán điện tử của Apple cũng như chuyên môn của Goldman Sachs về các dịch vụ ngân hàng, quan hệ đối tác đã tạo điều kiện cho sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính.
Apple đã tung ra một loạt các sản phẩm tài chính, chẳng hạn như các sản phẩm mua ngay, trả sau và tính năng chạm để thanh toán, giúp hỗ trợ rất tốt cho người tiêu dùng cũng như người bán. Bằng cách cung cấp các dịch vụ này, Apple đang cố gắng hòa nhập vào mọi khía cạnh cuộc sống của người tiêu dùng, đồng thời bán chéo các sản phẩm của mình.
Mặc dù sở hữu danh tiếng nhưng việc hợp tác với Apple cho thấy Goldman tự tin rằng, khách hàng không còn quá chú trọng vào các giá trị truyền thống được duy trì bởi hàng nghìn ngân hàng được FDIC bảo đảm.
Trước khi ra mắt tài khoản tiết kiệm mới của Goldman Sachs do Apple cung cấp, phần thưởng hàng ngày của Apple dành cho chi tiêu bằng thẻ tín dụng sẽ tự động được chuyển thành thẻ thanh toán điện tử trả trước Apple Cash, được giữ trong ví điện tử của iPhone và do các ngân hàng Green Dot phát hành. Mục tiêu của Apple là để Apple Cash trở thành một trong những cách thức để khách hàng của mình gửi tiền thông qua iMessage, tương tự như cách người tiêu dùng sử dụng Venmo của PayPal hoặc CashApp của Block.
Apple đặt mục tiêu biến ví điện tử của mình thành trung tâm tập trung các hoạt động tài chính của các mảng tiết kiệm, chuyển khoản, thanh toán tại cửa hàng và Apple Pay để giúp người tiêu dùng có thể thanh toán trực tuyến. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một siêu ứng dụng tương tự như AliPay ở Trung Quốc. AliPay hiện có 1,3 tỷ người dùng, bao gồm một loạt các tính năng như thanh toán hóa đơn, giao đồ ăn, mua vé. Doanh thu kinh doanh bán lẻ của AliPay là 41 tỷ USD trong nửa cuối năm 2021.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này đưa ra nhận định sẽ rất khó cho các ngân hàng truyền thống cạnh tranh với Apple, do sự thống trị của ví Wallet hay việc thiết lập các dịch vụ nhỏ trong các ví khác nhau, một khái niệm mà Apple đã minh họa rõ ràng bằng bảng điều khiển trực quan và thân thiện với người dùng, điều mà nhiều ngân hàng đã thất bại.
Ví điện tử của Apple rất khó cạnh tranh, một phần là do công ty từ chối cung cấp cho bên thứ ba quyền truy cập vào chip giao tiếp trường gần (NFC) trên iPhone, loại chip này cho phép chạm để thanh toán. Tính năng độc quyền này mang lại cho Apple đòn bẩy đáng kể khi đàm phán với các ngân hàng phát hành thẻ bởi các ngân hàng đã đồng ý trả cho Apple 0,15% cho các giao dịch thẻ tín dụng khi Apple Pay ra mắt vào năm 2014.
Mục đích chính của Apple trong việc tung ra tài khoản tiết kiệm lãi suất cao được cho là nhằm tăng lượng khách hàng của mình, vì chỉ một tỷ lệ người tiêu dùng sở hữu thiết bị Apple (dưới 10%, theo Dan Ives) là người dùng thẻ Apple. Có ý kiến cho rằng thay vì dựa trên lợi nhuận, Goldman Sachs tập trung vào việc cạnh tranh với các ngân hàng trực tuyến hơn là các ngân hàng truyền thống.
Giới chuyên gia phân tích cho rằng, Goldman Sachs đã có một bước đi thông minh bằng cách hợp tác với Apple thay vì sử dụng nguồn lực của chính họ để thu hút khách hàng.
Quan hệ đối tác Apple-Goldman đã mở ra những khả năng mới cho tương lai của ngành ngân hàng. Mối quan hệ hợp tác này đã chứng minh rằng, sự hợp tác mạnh mẽ giữa các công ty công nghệ và ngân hàng truyền thống có thể dẫn đến các dịch vụ tài chính sáng tạo và dễ tiếp cận hơn cho người tiêu dùng.