Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 429/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18.2.2016 về phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Không thể sử dụng tràn lan bãi sông
Trao đổi với báo chí, ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ NN-PTNT), cho biết trước khi luật Đê điều có hiệu lực vào tháng 6.2017, nước ta đã có quy định về Pháp lệnh Đê điều.
Trong đó, nghiêm cấm về việc xây dựng công trình nhà ở ngoài bãi sông. Tuy nhiên, do điều kiện phát triển kinh tế về nhiều yếu tố, thực tế trên các khu vực bãi sông đã hình thành một số khu dân cư, làng cổ lâu đời.
Năm 2017, Chính phủ ban hành Quyết định 257 xác định khoanh vùng cho phép những khu dân cư tồn tại ở ngoài bãi sông lâu đời được tồn tại để quản lý và đảm bảo tính khả thi, các địa phương sẽ quản lý và cảnh báo khi xảy ra lũ lớn.
Quyết định 257 đã xác định cụ thể các bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng công trình nhà cửa để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo luật. Trong đó, tổng số 134 bãi sông có thể xây dựng công trình nhà ở với diện tích xây dựng 5%, riêng 2 bãi lớn ở Hà Nội là Tàm Xá - Xuân Canh và Long Biên - Cự Khối cho phép xây dựng 15%. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương, doanh nghiệp, người dân biết được cụ thể bãi sông này được xây như thế nào để tuân thủ.
Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện Quyết định 257 vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: còn 12/15 tỉnh thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết về phát triển hệ thống đê điều. Quyết định 257 cho phép nghiên cứu 134 bãi sông để phát triển kinh tế - xã hội có thể xây dựng công trình nhà ở nhưng hầu hết các địa phương đều không triển khai được. Có những nơi quản lý không tốt, thực hiện không nghiêm theo quy hoạch luật đê điều nên xây nhà không tuân thủ, vi phạm quy định.
"Trong bối cảnh Thủ tướng phê duyệt sửa đổi Quyết định 257, do yêu cầu phát triển ngày càng cao, nhiều địa phương mong muốn nhiều hơn về sử dụng bãi sông trong khi chỗ cho phép rồi còn chưa làm, hoặc xây sai vị trí cho phép. Có địa phương mong muốn từ 5% lên 15%, có địa phương đề nghị sử dụng 30 - 40% đến 100%. Thậm chí, theo nhu cầu sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của địa phương mình để mời gọi đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội rồi trình lên Thủ tướng", ông Tuyên nói và cho hay, các địa phương không nên nghĩ đến một vế về nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn phải quan tâm đến an toàn phòng, chống lũ.
Theo ông Tuyên, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN-PTNT đã lấy ý kiến các địa phương tổng hợp lại, họp làm việc, đồng thời giao cơ quan chuyên môn tính toán, nếu sử dụng bãi sông theo đề xuất của các địa phương thì không thể bởi sẽ làm gia tăng nước lũ trên hệ thống sông.
Ông Tuyên lấy ví dụ, nếu một tuyến sông Hồng tại tỉnh Hưng Yên mà xây kín bãi sông sẽ gia tăng áp lực lên bờ đối diện, làm tăng đến 45 cm nước lũ, kéo theo nhiều vấn đề.
"Quan điểm của chúng tôi là phải bảo vệ mục tiêu, tiêu chuẩn phòng chống lũ cho hệ thống sông là số một và tính toán chung cho cả hệ thống, không thể vì tỉnh này mà để ảnh hưởng đến tỉnh khác và không thể sử dụng tràn lan bãi sông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội", ông Tuyên nhấn mạnh.
Một trận lũ lớn sẽ xóa sổ, kéo lùi phát triển trăm năm
Bên cạnh việc phân tích những hệ quả của việc sử dụng tràn lan bãi sông, ông Tuyên cảnh báo, một số địa phương có những công trình vi phạm luật đê điều như: Công ty CP đóng tàu Thái Bình Dương (TP.Hải Phòng); khu vực FLC Vĩnh Thịnh, có nhà văn hóa đa năng xây dựng ở bãi sông H.Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).
"Có những địa phương xây xong công trình rồi, trở thành vi phạm rồi mới báo cáo Thủ tướng tháo gỡ, cho phép tồn tại. Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT không đồng ý với các vi phạm bởi việc sử dụng bãi sông có thể phát triển kinh tế một thời gian nhất định nhưng không để ý đến phòng, chống lũ nếu xảy ra một trận lũ lớn sẽ xóa sổ và kéo lùi sự phát triển hàng trăm năm, hệ lụy sau này rất lớn", ông Tuyên nói.
Theo ông Tuyên, Quyết định 429 Thủ tướng vừa ban hành nội dung chính là tập trung chủ yếu sửa đổi về quản lý, sử dụng bãi sông. Trong đó, đối với các khu vực dân cư tập trung hiện có ở ngoài bãi sông, tại Quyết định 257 vẫn còn một số thiếu sót chưa có tên bãi trong hồ sơ quy hoạch ở phụ lục 3 Quyết định 429 sẽ cho phép các địa phương rà soát chỗ thiếu để đưa vào trong quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, Quyết định 429 cũng đưa ra tiêu chí xác định thế nào là khu dân cư tập trung hiện có để địa phương đưa vào quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, các khu dân cư này cũng được thực hiện theo điều 27 luật Đê điều, có thể được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp mới công trình xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Điều này giải quyết được nhu cầu bức thiết của người dân tại địa phương đó.
Tuy nhiên, để đảm bảo phòng chống lũ, khu dân cư tập trung hiện có không thể tăng diện tích theo đề xuất của địa phương. Nếu như địa phương nào có yêu cầu tăng diện tích ở một bãi sông nào đó thì có thể cho phép nhưng vẫn khống chế theo Quyết định 257 sử dụng bãi sông 5% trên tổng diện tích bãi sông tại địa phương.
"95% còn lại cho phép xây dựng công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật nhưng không tôn cao bãi sông, ví dụ như được phép xây dựng sân bóng đá, công viên, đường giao thông, bể ngầm chứa nước…", ông Tuyên nói.