Theo Vietnamnet, ngày 26/4, cơ quan chống độc quyền Vương quốc Anh cho biết việc Microsoft cam kết cho phép các nền tảng trò chơi đám mây hàng đầu truy cập vào tựa game “Call of Duty” là không đủ để thuyết phục họ.
Châu Âu sẽ đưa ra phán quyết về "bom tấn" thâu tóm của Microsoft vào ngày 22/5 tới, trong khi Uỷ ban thương mại Mỹ cũng đang tìm cách phủ quyết thoả thuận này.
Chủ tịch Microsoft Brad Smith khẳng định gã khổng lồ công nghệ vẫn theo đuổi thương vụ và sẽ kháng cáo phán quyết nêu trên. Trong khi đó, Activision nói rằng họ sẽ “tích cực phối hợp” với Microsoft để thúc đẩy thoả thuận được thông qua.
Nhà sản xuất Windows công bố kế hoạch mua lại Activision vào tháng 1/2022 để tăng cường sức mạnh cạnh tranh với Tencent và Sony trong thị trường trò chơi điện tử.
Phán quyết bất ngờ được đưa ra sau khi cơ quan quản lý cạnh tranh và thị trường Anh (CMA) vào tháng trước phát đi lo ngại về tác động của thoả thuận thâu tóm đối với thị trường máy chơi game mà Sony đang dẫn đầu. CMA dự báo thị trường trò chơi đám mây toàn cầu sẽ đạt 11 tỷ Bảng Anh (13,7 tỷ USD) vào năm 2026.
Theo Vietnamplus, ông Martin Coleman, trưởng nhóm chuyên gia điều tra của CMA, nhận định thỏa thuận trên sẽ mang về cho Microsoft thêm nhiều lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. Chuyên gia này đánh giá Microsoft hiện đã có vị thế cạnh tranh vượt trội và vị trí dẫn đầu thuận lợi hơn nhiều so với các đối thủ khác trong lĩnh vực trò chơi điện tử trực tuyến.
Do đó, thương vụ mua lại Activision Blizzard - vốn nổi tiếng với nhiều tựa trò chơi phổ biến như "Candy Crush" và "Call of Duty" - sẽ càng củng cố thêm lợi thế cho Microsoft. Điều này có thể cho Microsoft khả năng làm suy yếu những đối thủ mới và ảnh hưởng tới sự sáng tạo trên thị trường.
Chuyên gia này cũng cho biết Microsoft đã phối hợp điều tra một cách nghiêm túc để giải quyết những vấn đề nêu trên. Nhưng CMA đánh giá những đề xuất mà Microsoft đưa ra không hiệu quả.
Microsoft thông báo sẽ kháng nghị quyết định trên. Hiện thương vụ thâu tóm Activision Blizzard của Microsoft cũng chưa được cơ quan quản lý châu Âu hay Mỹ thông qua.
Đào Vũ (T/h)