Cuộc hội ngộ lịch sử này được Bệnh viện Từ Dũ tổ chức nhằm kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4 và 25 năm ngày những em bé đầu tiên chào đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Tham dự buổi lễ, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết ngày 30-4 không chỉ là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn là một ngày hết sức ý nghĩa và đáng tự hào với ngành y tế TP.
Ngày 30-4-1998, Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và ba em bé đầu tiên đã ra đời. Đây cũng là chiếc nôi đầu tiên triển khai và dẫn đầu cả nước về kỹ thuật này.
Ông Thượng gửi lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ y bác sĩ đã thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, dù điều kiện còn khó khăn nhưng vẫn triển khai thành công kỹ thuật, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Bên cạnh ôn lại những kỷ niệm, ông Thượng cũng nhấn mạnh: "Không mãi tự hào mà phải làm gì thêm góp phần để kỹ thuật này thành công hơn nữa. Đó là câu hỏi mà cá nhân tôi suy nghĩ rất nhiều.
Tôi mong rằng Bệnh viện Từ Dũ sớm trở thành một trung tâm sức khỏe chuyên ngành sản phụ khoa của khu vực, trung tâm thụ tinh ống nghiệm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ống nghiệm, trung tâm can thiệp bào thai, trung tâm di truyền y học...
Mong muốn các bệnh viện đầu ngành chuyên khoa của TP sớm đứng trong top 100, 200 hoặc 300 trên thế giới trong thời gian không xa".
GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, người trực tiếp tạo cuộc sống kỳ diệu của ba trẻ đầu tiên trong ống nghiệm - mong muốn những em bé đầu tiên thụ tinh trong ống nghiệm sẽ trở thành những công dân tốt, giỏi, đóng góp nhiều cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
"Hồi đó tôi mơ mỗi tỉnh sẽ có một trung tâm hỗ trợ sinh sản. Hiện nay thì chưa được mỗi tỉnh nhưng cả nước chúng ta cũng đã được 40–50 trung tâm hỗ trợ sinh sản. Điều đó giúp cho người dân ở tại chỗ có thể điều trị được, người ta không phải đi lên Hà Nội, không phải đi lên TP.HCM, bỏ nhà cửa không ai trông.
Thậm chí có những kỹ thuật mình làm tốt hơn ở nước ngoài và hiện nay có nhiều bác sĩ, nhiều kỹ thuật viên ở nước ngoài, không phải chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn ở các nước phát triển như Úc, Đức, Pháp hay Mỹ… cũng qua để học tập bác sĩ chuyên gia của mình.
Có rất nhiều cặp vợ chồng nước ngoài người ta đến Việt Nam không phải để đi du lịch, mà qua chỉ để điều trị thụ tinh trong ống nghiệm", GS Phượng cho hay.
GS Phượng mong muốn các bác sĩ cố gắng học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài nhiều hơn và học tập được nhiều kiến thức mới để làm sao mỗi ngày một giỏi hơn và phục vụ cho bệnh nhân tốt hơn.
Em Mai Quốc Bảo - một trong ba bé thụ tinh đầu tiên trong ống nghiệm - bày tỏ niềm tự hào, vui mừng và xúc động khi được gặp lại các y bác sĩ đã cho mình một sự sống mới trong buổi lễ kỷ niệm.
"Em muốn gửi lời nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ đang hiếm muộn, vất vả trên con đường tìm kiếm con hãy yên tâm, đừng từ bỏ dù còn chỉ là một hy vọng nhỏ nhoi, hãy tin vào các y bác sĩ", Bảo chia sẻ.
Hàng chục ngàn gia đình thoát cảnh hiếm muộn nhờ thụ tinh trong ống nghiệm
Tháng 7-1997, nhờ sự hỗ trợ của một giáo sư sản phụ khoa Việt kiều ở Pháp, nhóm 4 chuyên gia Pháp đã sang Việt Nam ba tuần để hỗ trợ chuyển giao công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm cho Bệnh viện Từ Dũ.
Đúng vào đêm 30-4-1998, ba bé Mai Quốc Bảo, Phạm Tường Lan Thy và Lưu Tuyết Trân lần lượt cất tiếng khóc chào đời. Đây là ba em bé đầu tiên được ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Đến nay đã có hàng nghìn trẻ ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Mỹ Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội... với tỉ lệ thành công khoảng 30-35% trong tổng số trường hợp được hỗ trợ, mang lại hạnh phúc cho hàng chục ngàn gia đình hiếm muộn ở Việt Nam.
TTO -Từ một nước đi sau khu vực về lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu về lĩnh vực này.