Cuộc chiến có thể chia tách đất nước
Ngày 15-4, xung đột ở Sudan nổ ra giữa lực lượng quân đội Sudan do tướng Abdel Fattah Burhan lãnh đạo và Lực lượng bán quân sự phản ứng nhanh (RSF) được tướng Mohammed Hamdan Dagalo lãnh đạo.
Theo Hãng tin AP, cuộc xung đột này nổ ra hai năm sau khi hai lực lượng này liên minh thực hiện cuộc đảo chính năm 2021.
Cuộc đảo chính đã trực tiếp gián đoạn quá trình chuyển tiếp sang thể chế dân chủ của Sudan.
Nền chính trị của quốc gia Đông Phi này đã luôn trong tình trạng bất ổn, đặc biệt từ sau khi cựu tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ hồi năm 2019.
Người chiến thắng trong cuộc xung đột lần này khả năng cao sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Sudan.
Ở chiều ngược lại, người thua cuộc đối mặt nguy cơ bị lưu đày, bắt giam hoặc thậm chí xử tử. Nếu kéo dài, cuộc xung đột có thể chia cắt đất nước Đông Phi này thành nhiều vùng cát cứ.
Ông Alex De Waal, chuyên gia về Sudan tại Đại học Tufts (Mỹ), dự đoán cuộc xung đột chỉ là "vòng đầu tiên cho một cuộc nội chiến".
Xung đột ở Sudan ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh khu vực
Sudan là nước có diện tích lớn thứ ba châu Phi, nằm bên bờ sông Nile. Sudan phải chia sẻ nguồn nước ngọt của mình với hai quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực khác là Ai Cập và Ethiopia.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Ai Cập đã luôn phải dựa vào sông Nile để nuôi sống toàn bộ dân số. Do đó, nước này cực kỳ lo ngại khi Ethiopia xây dựng đập thủy điện khổng lồ ở đầu nguồn dòng sông.
Quân đội Sudan được Ai Cập xem là đồng minh quan trọng chống lại Ethiopia. Nhiều khả năng Ai Cập sẽ không đứng yên nếu phe quân đội đối diện nguy cơ thất bại.
Ngoài hai quốc gia trên ra, Sudan cũng tiếp giáp 5 quốc gia khác: Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea, và Nam Sudan. Hầu hết các quốc gia này đều đang đối mặt với bất ổn nội bộ của riêng mình.
Hãng tin AP dẫn lời nhận định của ông Alan Boswell, chuyên gia tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế: "Những gì diễn ra ở Sudan sẽ không chỉ tác động Sudan. Chad và Nam Sudan có thể sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Xung đột ở Sudan diễn ra càng lâu thì khả năng lực lượng bên ngoài can thiệp càng cao".
Các lực lượng quốc tế có quyền lợi gì ở Sudan?
Nhiều năm qua, các nước vùng vịnh Ả Rập muốn gia tăng ảnh hưởng của mình lên khu vực Sừng châu Phi (bán đảo ở phía đông bắc châu Phi, gồm các nước Djibouti, Ethiopia, Eritrea và Somalia).
Trong đó, UAE có mối quan hệ thân thiết với RSF. Lực lượng bán quân sự này đã cử hàng ngàn quân tiếp viện cho UAE và Saudi Arabia chiến đấu chống lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen.
Trong khi đó, Port Sudan - thủ phủ bang Biển Đỏ thuộc Sudan - có vị trí chiến lược đối với đường vận chuyển dầu của Nga đến châu Âu. Do đó, từ lâu Nga đã muốn xây dựng căn cứ hải quân ở đây.
Khi còn tại vị, cựu tổng thống Omar al-Bashir đã đạt thỏa thuận cho phép Nga xây dựng một căn cứ hải quân ở Sudan. Sau khi lên nắm quyền, các lãnh đạo quân đội Sudan vẫn đang xem xét lại thỏa thuận này.
Bên cạnh đó, từ năm 2017, tập đoàn quân sự Wagner của Nga đã hiện diện ở Sudan.
Theo báo Al Jazeera, Wagner gần đây đã thiết lập mối quan hệ với RSF chủ yếu nhằm "tạo tuyến đường buôn lậu vàng từ Sudan đến Dubai và sau đó đến Nga để chu cấp cho các hoạt động của tập đoàn Wagner ở Ukraine".
Ở chiều ngược lại, RSF được cho là đã nhận viện trợ vũ khí từ Wagner trong nhiều năm qua, theo Đài CNN.
Ông Yevgeny Prighozin - nhà sáng lập Wagner - phủ nhận mọi sự liên quan của tập đoàn này với cuộc xung đột ở Sudan. Theo Hãng tin TASS, hôm 18-4, ông Prighozin khẳng định trên Telegram: "Không có lính Wagner nào đã ở Sudan trong suốt hai năm qua".
Theo Đài Al Jazeera, tập đoàn đánh thuê Wagner bị cáo buộc lấy tài nguyên vàng của Sudan để tài trợ cho các hoạt động của họ ở Ukraine.
Xem thêm: mth.65672727162403202-cuv-uhk-iov-nol-ot-yul-eh-gnuhn-av-nadus-o-tod-gnux/nv.ertiout