Tăng năng suất lao động hơn 6,5%/năm
Theo quyết định 1305 về tăng năng suất lao động đến năm 2030, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tăng năng suất lao động đạt hơn 6,5%/năm. Trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành dịch vụ cao nhất, từ 7 - 7,5%/năm. Tiếp theo là công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7,0%/năm và nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 7,0 - 7,5%/năm.
Đối với các vùng kinh tế trọng điểm và các thành phố trực thuộc trung ương, tốc độ tăng năng suất lao động phải cao hơn trung bình cả nước giai đoạn 2023 - 2030. Thủ tướng cũng đề ra mục tiêu đưa Việt Nam phấn đấu là 1 trong 3 nước dẫn đầu ASEAN về tăng hiệu quả lao động.
Quyết định cũng đặt mục tiêu nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và 35 - 40% vào năm 2030.
Theo bản tin thị trường lao động Việt Nam quý 3-2023 được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố, cả nước có 52,4 triệu lao động, số có việc làm khoảng 51,3 triệu người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 27,3%.
Quyết định cũng đặt mục tiêu tỉ trọng lao động nông nghiệp dưới 30% vào năm 2020 và dưới 20% vào năm 2030.
Quyết định này cũng đặt ra nhiều mục tiêu nâng cao tỉ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Đề xuất thành lập Ủy ban năng suất quốc gia
Theo quyết định trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất thành lập Ủy ban năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và phù hợp thực tiễn, trình Chính phủ vào năm 2025.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, có giá trị cao, nhấn mạnh lĩnh vực công nghệ bán dẫn, phát triển năng lượng mới như hydrogen xanh.
Đối với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan này có nhiều nhiệm vụ như phối hợp các bên sắp xếp lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hình thành thị trường chất lượng cao, thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo… đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ năng nghề cao.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chuẩn hóa bằng cấp đào tạo nghề, tạo điều kiện để các trường nghề hợp tác với doanh nghiệp trong đó đẩy mạnh mô hình trường học trong doanh nghiệp…
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích hình thức giáo dục trực tuyến, thí điểm các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số, phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung, công nhận giá trị của các chứng chỉ học…
Người đứng đầu Chính phủ giao các bộ ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ để tăng năng suất lao động.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 8-11.
Đây là một trong số nhiều ý kiến góp ý tại hội thảo về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, diễn ra sáng 4-8 tại TP.HCM.