Sáng 8-11, đơn vị thi công đang thảm bê tông tỉnh lộ 624 ngay nút giao với đường sắt. Con đường rộng 12m đến đoạn này thắt nhỏ, cong queo vì không thể giải tỏa được "nhà xuống ban" của ngành đường sắt, là tài sản công cấp 1 do Bộ Tài chính quản lý.
Quá rối rắm, không giải tỏa được
Dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 624 khởi công đầu năm 2019, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, dài gần 4,5km, tổng vốn 141 tỉ đồng.
Theo thiết kế, công trình được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn công trình giao thông cấp II, tốc độ thiết kế 80km/h.
Đoạn giao nhau với đường sắt (xã Nghĩa Điền) có bề rộng mặt đường 12m (mặt đường rộng 11m, lề đường mỗi bên 0,5m).
Tuyến đường kết nối TP Quảng Ngãi với các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ và lên Tây Nguyên. Đây cũng là cửa ngõ dẫn lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tỉnh lộ 624 thời gian qua quá tải, tỉnh Quảng Ngãi tập trung xây dựng. Cuối năm 2021, 99% khối lượng đã hoàn thành.
Khi 10 hộ dân cuối cùng bàn giao mặt bằng, dự án vẫn tiếp tục đứng bánh vì vướng nhà xuống ban của ngành đường sắt. Theo chủ đầu tư, năm 2018 khi thiết kế tuyến đường, đã làm việc với ngành đường sắt, mãi vẫn không có chuyển biến tích cực.
"Nhà xuống ban là tài sản công cấp 1 do Bộ Tài chính quản lý, thủ tục giải tỏa quá phức tạp. Chúng tôi đi tận nơi làm việc, gửi hàng chục văn bản đến rất nhiều cơ quan liên quan. Ròng rã nhiều năm, nỗ lực hết sức vẫn không có lối ra", cán bộ trực tiếp làm hồ sơ dự án cho biết.
Thậm chí bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải rất quan tâm chỉ đạo ngành đường sắt hỗ trợ để Quảng Ngãi giải tỏa, thực hiện tỉnh lộ 624 nhưng kết quả vẫn bằng 0. Sau nhiều năm theo đuổi, giải tỏa nhà xuống ban làm tuyến đường thẳng rộng như thiết kế, chủ đầu tư hết kiên nhẫn.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh dự án, giữ nguyên bề rộng mặt đường ở nút giao nhau với đường sắt để thi công đưa công trình về đích.
"Nhu cầu đi lại của người dân rất cấp thiết, chúng tôi không thể để đoạn đường tiếp tục trì trệ. Mà nói thật, có chờ cũng chẳng biết khi nào thủ tục xong, giải tỏa tài sản công cấp 1 này", chủ đầu tư nói.
Nút thắt cổ chai ở nơi cần rộng thoáng
Ghi nhận hiện trường, nhà xuống ban một mặt giáp tỉnh lộ 624, mặt còn lại giáp đường sắt. Khối nhà hiện xuống cấp, bỏ hoang (chỉ duy nhất một phòng có người sinh sống).
Khối nhà cấp bốn này làm từ mấy chục năm trước, để công nhân đường sắt nghỉ ngơi khi hết ca. Hiện những công nhân đường sắt hết ca đều về nhà bởi việc đi lại không còn khó khăn như mấy chục năm trước.
Theo thiết kế, tỉnh lộ 624 khi đền bù giải tỏa nhà xuống ban sẽ thẳng và rộng. Không giải tỏa được đã thành nút thắt cổ chai, cong queo. Để "bo ép" tuyến đường, đơn vị thi công phải nén cong đoạn đường tạo thêm không gian cho xe cộ lưu thông.
Bà Lê Thị Nhân (sống gần đoạn đường) nói "Đáng ra điểm giao nhau với đường sắt phải rộng thoáng, đằng này lại chật hẹp. Mỗi lần tôi đứng chờ tàu rất sợ, bởi đường rất dốc và xe tải, ô tô quá nhiều, ai cũng nhích từng chút".
Theo chủ đầu tư, việc điều chỉnh dự án, giữ nguyên mặt đường nút giao nhau với đường sắt vì không còn phương án tốt hơn. Nếu tiếp tục chờ chẳng biết đến khi nào mới xong.
Sau hơn 5 tháng thi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang, nhà thầu lo chậm tiến độ vì nhiều vị trí quan trọng chưa nhận được mặt bằng sạch.