Đầu tư vào đồng luna để... rời xa cõi tạm!
Sự việc đau lòng xảy ra tại căn chung cư cao cấp ở thành phố cảng Đài Trung (Đài Loan - Trung Quốc). Trong lúc tuần tra đêm, lực lượng bảo vệ bất ngờ nghe tiếng động lạ vang lên ở khu vực sân chung, khi họ tới nơi phát hiện một thanh niên nằm trên mặt đất trong tình trạng bị thương nặng và đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Nạn nhân được xác định họ Ngô (29 tuổi), sống tại tầng 13 của khu chung cư này.
Điều tra ban đầu cho thấy anh Ngô rơi từ căn hộ của mình xuống sân, nhưng không có dấu hiệu tội phạm, khả năng do tự sát. Chỉ đến khi truy theo dấu điện thoại của nạn nhân, cảnh sát mới có bằng chứng thuyết phục rằng thời gian gần đây Ngô từng tâm sự với bạn bè và người thân về việc anh cảm thấy như đất trời sụp đổ khi khoản đầu tư gần 60 triệu Đài tệ (khoảng hơn 47,5 tỷ đồng) của anh vào đồng Luna sụt giảm hơn 90% giá trị chỉ trong vài ngày. Không còn cách xoay xở, Ngô chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát khi số nợ bạn bè hết đường chi trả, chỉ vì quá nông cạn khi đầu tư vào tiền ảo.
Cùng chung cảnh ngộ, trước đó vào cuối tháng 5/2022, chỉ vì muốn có thêm khoản hỗ trợ để mua căn nhà mới dành tặng vợ con, ông Ben Lucas (54 tuổi, ở bang Arizona, Mỹ) đã để lại thư tuyệt mệnh và tự kết liễu đời mình sau khi sử dụng toàn bộ khoản tiết kiệm để đầu tư vào đồng Luna, dẫn đến trắng tay.
Từng nằm trong top 10 đồng tiền điện tử có giá trị cao nhất thị trường, Luna có lúc đạt mức 120USD, nhưng đến tháng 5/2022 giá trị của đồng tiền điện tử này bất ngờ sụt giảm mạnh, có khi chỉ còn chưa đến 0,1 USD. Ngoài ra, giá trị của nhiều đồng tiền điện tử khác cũng sụt giảm mạnh khiến giới đầu tư "cháy túi" một khoản không nhỏ, thậm chí lâm cảnh trắng tay, nhà tan cửa nát.
Trên Twitter, nhiều nhà đầu tư tiền ảo đã chia sẻ về tình cảnh mình vướng vào vì giá trị của đồng tiền điện tử Luna mất giá: người "bay" hết khoản tiết kiệm, kẻ phải cầm cố nhà cửa với hy vọng khấp khởi về khoản đầu tư sẽ sinh lời "khủng", để rồi đành ngậm ngùi trở thành người vô gia cư, chẳng biết chia sẻ cùng ai, khi người thân bắt đầu lánh xa do cùng chung cảnh ngộ...
Để góp phần ngăn chặn tình trạng tìm đến cái chết vì thua lỗ do đầu tư tiền ảo, nhiều diễn đàn đã được thành lập để tư vấn giúp các thành viên vượt qua khủng hoảng trước mắt. Theo đó, hàng loạt đường dây tư vấn tâm lý cũng được lập ra để giúp những nhà đầu tư tiền số nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia một cách kịp thời, tránh để lại hậu quả xấu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Khi đạo luật được ban hành
Giữa lúc khủng hoảng tiền điện tử, ngày 03/6/2022 các nhà lập pháp ở New York (Mỹ) đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm một số hoạt động khai thác bitcoin để New York trở thành bang đầu tiên trong cả nước cấm cơ sở hạ tầng công nghệ blockchain. Điều này có thể dẫn đến hiệu ứng domino trên toàn nước Mỹ, quốc gia đang dẫn đầu trong ngành khai thác bitcoin toàn cầu, chiếm một phần ba số "thợ đào" trên thế giới.
Theo đó, dự luật của chính quyền New York kêu gọi tạm hoãn hai năm đối với một số hoạt động khai thác tiền điện tử theo phương pháp Proof of Work (PoW) hay thuật toán đồng thuận thường thấy ở các blockchain (chuỗi khối), được sử dụng trong việc xác nhận các giao dịch và tạo khối mới trên đó.
Đi trước Mỹ, mới đây ngày 20/4/2023 các nhà lập pháp của Nghị viện Châu Âu đã thông qua Đạo luật thị trường tiền điện tử (còn gọi MiCA), với 517 phiếu ủng hộ và 38 phiếu chống, phê duyệt gói quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới, qua đó điều chỉnh ngành công nghiệp tiền điện tử, đặt nền móng cho tính pháp lý của tiền số. Từ đó giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, khi phía cung cấp có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu làm mất tiền điện tử của nhà đầu tư. Các quy tắc sẽ áp đặt một số yêu cầu đối với nền tảng tiền số, đơn vị phát hành và nhà giao dịch về tính minh bạch lẫn giám sát giao dịch.
Cơ quan Chứng khoán và Thị trường Châu Âu cũng sẽ được trao quyền can thiệp hoặc cấm hay hạn chế các nền tảng tiền số nếu không bảo vệ nhà đầu tư đúng cách hoặc đe dọa tính toàn vẹn của thị trường và sự ổn định tài chính.
Động thái mới của Liên minh Châu Âu (EU) đã giúp khu vực này đi trước Mỹ và Anh, hai quốc gia tiên tiến vẫn chưa đưa ra quy tắc chính thức cho không gian tiền số. Mặc dù vậy, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các cơ quan quản lý quốc gia nên phối hợp hành động để đưa ra quy tắc chung trên toàn cầu, tăng cường giám sát xuyên biên giới để tiến đến thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa dữ liệu, qua đó giúp giải quyết được các lỗ hổng tồn tại trong lĩnh vực này.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.104641_os-neit-iv-nauq-ihgn-3-yk/et-couq/nv.moc.nagnoc