Bên cạnh những ý kiến tranh luận về việc chia hay gộp tiền lương của vợ chồng, không ít ông chồng tự nguyện để cho vợ giữ tiền, bất chấp những lời "cà khịa", bóng gió. Cũng bởi, để giữ tiền lo chi tiêu cho cả gia đình, "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" cũng là một nghệ thuật. Chẳng phải ai cũng làm tròn được vai "tay hòm chìa khóa".
Vừa qua, câu chuyện ông N.D.P may mắn trúng Jackpot với giá trị giải thưởng 73 tỉ đồng gây xôn xao dư luận.
Đáng nói hơn hết, người đàn ông tự hào khoe, sau khi nhận tin nhắn trúng thưởng, người mà ông chia sẻ tin vui ấy chính là vợ vì đã luôn bên ông trong hơn chục năm qua dù cuộc sống có khó khăn, vất vả đến như thế nào.
Nhà tôi ba đời phụ nữ giữ tiền!
Nguyễn Thu Trang (25 tuổi, ở Hà Nội) hào hứng kể: "Nhà mình có truyền thống ba đời phụ nữ cầm tiền. Từ bà nội, mẹ và giờ là tới mình".
Ở nhà Trang, cánh đàn ông trụ cột gia đình mỗi khi ra ngoài cần đến tiền đều hỏi vợ. Nhiều lúc cũng kẹt, cũng bất tiện, đi chơi anh em cũng trêu đùa nhưng "ba đời" đàn ông nhà Trang đều rất thoải mái, thậm chí thể hiện sự tận hưởng việc giao tiền cho vợ.
"Có lần đang ngồi trà đá, bố mình trúng được ít tiền nhờ đánh Vietlott cũng phi ngay về khoe mẹ và giao nộp ngay. Sau lần ấy, bố nói vui rằng các bạn bố "tắt điện luôn"!" - Trang dí dỏm.
Khi kết hôn, hai vợ chồng Diệu Hà (27 tuổi, ở Vĩnh Phúc) cùng nhau xây dựng kế hoạch chi tiêu, đặt các mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Sau khi có kế hoạch chi tiết, chồng tin tưởng để Hà giữ hết tiền mỗi khi lương về.
"Cuối năm nay vợ chồng mình dự định sẽ mua ô tô nên hiện tại hai vợ chồng cùng nhau "thắt lưng buộc bụng". Nếu để tiền ai nấy giữ, chắc sẽ khó hiện thực hóa được các mục tiêu chung như thế" - Hà chia sẻ.
Mỗi tháng lãnh lương, anh Nguyễn Văn Trung (42 tuổi, ở Hà Nội) cũng đều "giao nộp" cho vợ. Anh hào hứng khoe nhờ vậy mà suốt 15 năm nay hai vợ chồng chung sống hòa bình, không có lời ra tiếng vào nào về chuyện tiền nong.
Anh nhẩm tính, mức lương của hai vợ chồng cộng lại chỉ khoảng 20 triệu đồng. Tháng nào có thêm dự án ở ngoài thì hai vợ chồng thức đêm thức hôm sẽ kiếm thêm được một khoản.
Đôi lúc anh còn tỏ ra khâm phục vợ có tài "co - kéo", tháng nào cũng xoay xở được. Tháng nào cũng lo đủ cho cả nhà, hai đứa con đi học thêm lớp này lớp kia.
"Vừa rồi nhờ tài của vợ mà chúng tôi đổi sang căn chung cư lớn hơn. Vợ tôi xưa học chuyên văn, từ lúc kết hôn lại trở thành "chuyên gia tính toán" đấy" - anh Trung bộc bạch.
Để chồng giữ tiền có được không?
Trong cuộc sống vợ chồng, hầu hết phụ nữ đã gánh hàng tá công việc, thêm trọng trách "tay hòm chìa khóa" không phải là điều dễ dàng.
Còn T.T.T. (23 tuổi, ở Thái Bình) trải lòng, trong cuộc sống vợ chồng, ai giữ tiền thì người ấy vất vả hơn nhiều. T. kể, ngày trước cô để cho chồng giữ tiền nong trong nhà. Nhưng nghe lời bạn rủ rê, anh chơi game trên điện thoại rồi bị lừa hàng trăm triệu đồng.
"Lúc hay tin, cả nhà mình chết ngất, tiền của vợ, của chồng, của ông bà đều đổ dồn vào trả nợ" - T. nói.
Ngoài ra, T. cho biết ngoài những rủi ro tài chính, việc chồng tự giữ tiền chi tiêu sẽ tăng nguy cơ thiếu chung thủy, khiến nhiều chị em phải đau đầu vì lo lắng cho hạnh phúc gia đình.
Trái ngược với quan điểm nên để một người giữ "tay hòm chìa khóa", một số bạn trẻ hiện nay lại hướng đến độc lập tài chính kể cả khi đã về chung nhà.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Trần Nhung (26 tuổi, ở Hà Nội) cho biết hai vợ chồng đều đi làm và có thu nhập ổn định từ trước khi kết hôn. Tới nay, dù đã kết hôn được ba năm và có một em bé 2 tuổi nhưng cả hai vẫn giữ thói quen tự quản lý thu nhập của mình.
"Không ai phải thông báo cho đối phương về thu nhập hằng tháng, ai nấy tự giữ tiền riêng. Tuy nhiên chúng mình vẫn có một quỹ tiết kiệm chung và cùng nhau đóng góp để lo cho sau này" - cô nói.
Hai vợ chồng phân vai, với thu nhập còn lại vợ sẽ dùng để chi tiêu hằng ngày, lo đối nội, đối ngoại, còn chồng sẽ phụ trách học phí, thuốc bổ, tiêm phòng hay đồ dùng cần thiết cho con.
Cùng suy nghĩ về việc không nên quy tiền về một mối, anh Nguyễn Quyết Chiến (34 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ bản thân anh và vợ đều là dân làm ăn, buôn bán nên cần tiền để nhập hàng mỗi ngày. Vì vậy, trong nhà không có ai giữ tiền, vợ chồng bảo nhau tự co kéo chi tiêu.
"Chúng mình cũng chẳng đong đo ai tiêu hơn, ai tiêu kém vì nếu rạch ròi quá thì chẳng phải vợ chồng, nghe như hợp tác hôn nhân vậy" - anh Chiến nói.
TTO - Thuở yêu nhau, mấy ai lại không ưa thích đến thuộc nằm lòng câu thơ bất hủ của thi sĩ Tản Đà "Mình với ta tuy hai mà một". Vậy mà đến khi nên duyên chồng vợ rồi thì càng thấm thía cái vế sau "Ta với mình tuy một mà hai"... Tại sao?
Xem thêm: mth.7250906162403202-ov-ohc-ev-neit-gnam-gnuc-os-gnurt-neit-uig-un-uhp-iod-ab-iot-ahn/nv.ertiout