Chiều 27-4, tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội ở TP.HCM, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đã thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.
Liên tiếp xuất hiện biến thể COVID-19 mới
Theo đó, từ đầu tháng 4, TP.HCM bắt đầu ghi nhận sự gia tăng của các ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày. Số ca mắc mới tăng từ ngày 12-4 và tăng nhanh từ ngày 14-4, kéo theo có số ca nhập viện điều trị tăng. Hệ thống giám sát ngành y tế đã phát hiện một loạt biến thể phụ mới của biến thể Omicron như XBB, XBB.1.5 và biến thể mới nhất là XBB.1.16, đây là biến thể đang gây ra làn sóng ca mắc nhiều nhất trên thế giới.
Từ ngày 1-4-2023, COVID-19 được coi là bệnh nghề nghiệp, được hưởng BHXH. Theo thông tư này, COVID-19 trở thành bệnh nghề nghiệp thứ 35, phát sinh trong quá trình lao động do phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
Cũng theo bà Nga, sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron đã làm số ca mắc COVID-19 tăng nhanh nhưng theo các báo cáo của các quốc gia trên thế giới về tình hình dịch bệnh thì chưa ghi nhận việc tăng nặng thêm tình trạng lâm sàng của bệnh. Trước tình hình này, UBND TP.HCM đã kích hoạt “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”, yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn cập nhật danh sách và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19…).
Trường hợp những người thuộc nhóm này chưa tiêm vaccine, ngành y tế sẽ mời đi tiêm. Đồng thời tổ chức những điểm tiêm vaccine thuận lợi nhất, thông báo tới người dân để họ chủ động đến tiêm. Nếu người dân không thể đến điểm tiêm sẽ được nhân viên y tế đến tận nhà tiêm. Cùng với đó, ngành y tế TP đã có các kế hoạch chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19, truyền thông, tư vấn cho nhóm nguy cơ biết cách tự theo dõi sức khỏe, thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn), sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch bệnh.
Bà Nga cho biết thêm hiện tại TP.HCM có vaccine AstraZeneca dùng tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên và người trên 60 tuổi vẫn có thể dùng vaccine này để tiêm các mũi cơ bản, nhắc lại tùy theo tình trạng của mình. Vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em hiện đang gián đoạn cung ứng, đang chờ phương án tiếp theo của Bộ Y tế.
Ca mắc tăng nhẹ, không nên hoang mang
BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho hay hiện nước ta đã có kinh nghiệm phát hiện và điều trị COVID-19, vì thế người dân không nên hoang mang trước những thông tin về số ca mắc đang có xu hướng tăng. Tuy vậy, cũng đừng quá chủ quan mà hãy biết cách tự bảo vệ mình và người xung quanh.
TP.HCM đẩy mạnh chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Về thông tin hàng trăm ca mắc COVID-19 phải thở ôxy, BS Khanh nhấn mạnh không chỉ nhiễm COVID-19 mà khi mắc bệnh khác nếu nặng cũng được chỉ định thở ôxy. Chúng ta hãy xem COVID-19 như bệnh cảm thông thường. Trừ những ca nặng, suy hô hấp phải nhập viện, còn lại chỉ cần tự điều trị tại nhà, ai có triệu chứng gì thì điều trị triệu chứng đó.
Nhiều người lo lắng dịp nghỉ lễ người dân tụ tập đông ở các điểm mua sắm, du lịch... BS Khanh cho biết không phải tới dịp nghỉ lễ tụ tập đông đúc mới lây. Đa số người dân đã từng nhiễm bệnh, đã tiêm vaccine, nghĩa là đã có miễn dịch nền. Những ai sức đề kháng yếu vẫn nhiễm và phần lớn sẽ tự khỏi bệnh... “Nên tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ nghỉ đúng giờ. Cạnh đó, tập thể dục và thường xuyên đeo khẩu trang, khử khuẩn để bảo vệ bản thân” - BS Khanh khuyến cáo.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành ngày 26-4 về công tác phòng, chống dịch trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và giỗ tổ Hùng Vương, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đề nghị các địa phương tăng cường giám sát trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ kéo dài. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ, việc phòng, chống dịch phải chặt chẽ hơn.
Cạnh đó, công bố các điểm tiêm vaccine để người dân dễ tiếp cận. Quản lý tốt bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh để giảm áp lực cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, người có bệnh nền khi mắc COVID-19. Đồng thời cập nhật, đánh giá cấp độ dịch kịp thời để có những biện pháp phòng, chống phù hợp. Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới nhằm phát hiện, xử lý kịp thời bệnh xâm nhập.
Các viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành đã được phân công tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện, ca nặng. Đẩy mạnh việc lấy mẫu, giải trình tự gen các mẫu ca bệnh để kịp thời có các thông tin về biến thể.
Số ca COVID-19 tăng cao nhất trong 6 tháng
Ngày 27-4, cả nước ghi nhận 2.958 ca mắc COVID-19 mới, tăng cao nhất trong hơn sáu tháng qua. Theo Bộ Y tế, gần đây số ca mắc COVID-19 có chiều hướng gia tăng trở lại, đã có hai ca tử vong sau gần bốn tháng không có trường hợp tử vong nào. Cạnh đó, các biến thể phụ của Omicron xuất hiện tại TP.HCM đều đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm, cần được theo dõi.
Đến nay cả nước đã tiêm hơn 266 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương đang tiêm chậm các mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm cho trẻ từ năm tuổi đến dưới 12 tuổi.