Đó là các phương án được ngành y tế TP.HCM đưa ra trong cuộc họp giao ban trực tuyến với tất cả các bệnh viện và trung tâm y tế nhằm chủ động trong công tác thu dung, điều trị COVID-19.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 có chiều hướng gia tăng, đã có ca tử vong, đặc biệt người dân sắp bước vào kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 dài ngày.
Xin ý kiến kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 13
Nhằm đảm bảo luôn sẵn sàng tiếp nhận và xử trí hiệu quả người bệnh nặng, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do COVID-19, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị rà soát, củng cố các nguồn lực nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ sắp tới.
Các đơn vị cần duy trì các đơn vị/khoa điều trị COVID-19 tại mỗi bệnh viện, cách ly kịp thời những trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19.
Ngoài ra, tiếp tục điều trị bệnh lý nền, chỉ chuyển tuyến đối với các trường hợp có dấu hiệu nặng nghi do COVID-19 (bệnh nền ổn định).
Đặc biệt lưu ý khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên và bảo đảm an toàn khi chuyển viện.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phục hồi khoa điều trị COVID-19 tại bệnh viện (quy mô 100 giường) khi số ca nặng lên đến 50 trường hợp, đồng thời xin ý kiến Ban chỉ đạo phòng chống dịch của ngành y tế TP kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 13.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc chủ động kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 13 nhằm giúp các bệnh viện tập trung điều trị các trường hợp bệnh lý nặng khác. Song song đó, các bệnh viện sẵn sàng phương án cử nhân sự tham gia bệnh viện dã chiến theo điều động của ngành y tế TP.HCM.
Phải khai thác tiền sử tiêm vắc xin COVID-19
Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị cập nhật, báo cáo đầy đủ, chính xác tình hình thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 tại đơn vị vào nền tảng số quản lý COVID-19 theo quy định.
Đảm bảo tất cả các trường hợp mắc COVID-19 nhập viện cần được khai thác đầy đủ tiền sử tiêm vắc xin phòng COVID-19, bệnh lý nền và các yếu tố nguy cơ khác liên quan COVID-19.
Yêu cầu các đơn vị khi tiếp nhận người bệnh thuộc nhóm nguy cơ, đặc biệt là người mắc bệnh nền, người trên 50 tuổi phải khai thác tiền sử tiêm chủng. Đồng thời vận động, thuyết phục và tổ chức tiêm vắc xin ngay cho người bệnh nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi hoặc hướng dẫn người bệnh liên hệ trạm y tế nơi cư trú để được tiêm vắc xin (nếu không có chống chỉ định).
Chủ động, sẵn sàng trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm... Khi có khó khăn cần liên hệ Sở Y tế để điều phối.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn gửi đến các đơn vị trên địa bàn TP.HCM tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế TP tổ chức các điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoạt động xuyên kỳ nghỉ lễ. Mỗi quận, huyện duy trì ít nhất hai điểm tiêm phục vụ nhu cầu tiêm vắc xin.
Các cơ sở khám chữa bệnh phải tăng cường tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 đối với những người thuộc nhóm nguy cơ hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các bệnh viện chủ động rà soát các nguồn lực, khôi phục lại hoạt động của đơn vị/khoa điều trị COVID-19 theo nguyên tắc 4 tại chỗ, bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện...
Số ca COVID-19 của cả nước tiếp tục "leo thang"
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong ngày 26-4 TP.HCM ghi nhận 298 ca mắc COVID-19, số ca nhập viện trong ngày là 88 ca.
Số ca cần hỗ trợ hô hấp là 97 ca, số ca đang thở máy xâm lấn là 16 ca, số trẻ em dưới 16 tuổi là 11 ca, số phụ nữ mang thai là 14 ca và số ca đang cách ly tại nhà là 1.841 ca.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 27-4 cả nước ghi nhận 2.958 ca COVID-19 mới. Đây là ngày có số ca cao nhất trong hơn nửa năm qua.
Bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết như vậy tại họp báo về kinh tế xã hội và phòng chống dịch COVID-19 chiều 27-4.
Xem thêm: mth.63532448172403202-el-pid-91-divoc-hcid-gnohp-na-gnouhp-ueihn-ib-nauhc-mch-pt/nv.ertiout