Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội định kỳ TP.HCM chiều 27.4, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thông tin về quá trình điều tra các cuộc gọi lừa đảo phụ huynh "có con đang cấp cứu ở bệnh viện" .
Mua bán tài khoản ngân hàng với giá 1,5 - 2 triệu đồng
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, qua rà soát, đến nay Công an Q.5 (TP.HCM) đã tiếp nhận và làm việc với 4 phụ huynh trình báo với công an bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền 340 triệu đồng.
Ngoài ra, có 3 trường hợp phản ánh đến bệnh viện cũng được cơ quan công an mời làm việc nhưng không có mặt.
"Hiện nay các số điện thoại gọi đến cho phụ huynh lừa đảo "có con đang cấp cứu bệnh viện" đều tắt máy, không có vị trí phát sóng. Còn chủ tài khoản nhận tiền lừa đảo thì có 2 người đã mở tài khoản ngân hàng, bán lại cho 2 đối tượng với giá 1,5 triệu đồng và 2 triệu đồng.
Có 1 đối tượng được Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố bị can vì có hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng, đối tượng này chuyên thu gom tài khoản ngân hàng để bán cho các đối tượng khác. Còn 1 đối tượng hiện nay công an đang truy tìm", thượng tá Hà cho biết.
"Những cách kiếm tiền được quảng cáo trên mạng xã hội đa số là lừa đảo"
Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng nhận định, đây là các vụ án phức tạp, liên quan nhiều đối tượng với thủ đoạn tinh vi. Khả năng một số đối tượng nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, hiện cơ quan công an sẽ tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ.
Qua vụ việc này, thượng tá Lê Mạnh Hà cảnh báo những cách kiếm tiền được quảng cáo trên mạng xã hội đa số là lừa đảo. Các cơ quan công an, bệnh viện, trường học không làm việc qua điện thoại. Vì vậy người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền cho bất cứ ai khi chưa rõ về họ, xác minh kỹ thông tin khi có người thân nhắn mượn tiền và không cung cấp mã OTP cho bất cứ ai. Nếu nghi lừa đảo thì phải kịp thời báo công an để được xử lý, giải quyết.