vĐồng tin tức tài chính 365

Chủ tịch BCG: 500 tỷ đồng trái phiếu không tài sản đảm bảo là phép thử

2023-04-28 13:33

Sáng ngày 28/4, CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại đại hội, ông Phạm Minh Tuấn đánh giá dù năm 2022, kết quả kinh doanh không đạt được như kế hoạch đề ra nhưng BCG vẫn được nhìn nhận là đạt kết quả kinh doanh tốt trong điều kiện khó khăn của thị trường, dù phải vay nợ với lãi suất cao nhưng công ty vẫn đủ dòng tiền để đảm bảo thanh khoản.

Theo đó, trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ hoặc hiệu quả không cao thì BCG đã ghi nhận 4.531 tỷ đồng doanh thu và 540 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tới năm 2023, HĐQT BCG đã đặt ra mục tiêu tươi sáng cho doanh nghiệp với nhiều chỉ tiêu ở mức cao nhất kể từ khi niêm yết.

Cụ thể, mục tiêu năm 2023 hướng đến doanh thu đạt 6.924 tỷ đồng, tăng 153% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế đạt 650 tỷ đồng, tăng trưởng 120% so với cùng kỳ.

Đại hội cũng đã thông qua phương án không chia cổ tức cho năm 2022, và kế hoạch chia 5% cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2023. Đồng thời, ngưng kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP cho HĐQT, Ban kiểm soát và Ban điều hành do không hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2022.

Trong năm, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi là năng lượng tái tạo, bất động sản, xây dựng,… đồng thời mở rộng phát triển các ngành nghề mới như bảo hiểm, dược phẩm để đem về lợi nhuận như kỳ vọng.

Huy động vốn qua nhiều kênh

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, dòng tiền nghẽn nặng ở nhiều kênh, ban lãnh đạo BCG đề ra nhiều phương án huy động vốn.

Chủ tịch HĐQT BCG Nguyễn Hồ Nam cho biết với BCG, công ty đã và đang làm việc chặt chẽ với các ngân hàng đồng hành cùng trong thời gian qua, để chia sẻ khó khăn và tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ nhằm đảm bảo hiệu quả dòng vốn tài trợ, cũng như chia sẻ áp lực với doanh nghiệp để đạt được mục tiêu chung.

Bên cạnh đó, BCG cũng luôn sử dụng tốt lợi thế của doanh nghiệp – vốn đầu tư từ nước ngoài – nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ lớn cho các dự án. Lãnh đạo của BCG chia sẻ, nguồn vốn huy động từ nước ngoài có rất nhiều điểm mạnh khi có thể huy động vốn lớn, thời gian đáo hạn lâu dài nhưng lại được tài trợ với giá thành hợp lý.

Ông Hồ Nam tiết lộ, DBS từ Singapore đã tiến hành tái tài trợ các khoản vay cho dự án năng lượng mặt trời áp mái với tổng giá trị 50 triệu USD, đã giải ngân 40 triệu USD. Hiện nay, công ty đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng khác để tái tài trợ cho các dự án năng lượng với số vốn lớn hơn, các khoản đầu tư này sẽ được công bố trong tháng tới đây.

Cùng với đó, bên cạnh các nguồn tài trợ vốn vay, BCG còn đang tìm kiếm cả các quỹ đầu tư có khẩu vị rủi ro phù hợp với điều kiện hiện tại.

Hồ sơ doanh nghiệp - Chủ tịch BCG: 500 tỷ đồng trái phiếu không tài sản đảm bảo là phép thử

 Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của BCG.

Bổ sung thêm, ông Phạm Minh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc chia sẻ đối với mỗi loại hình kinh doanh, doanh nghiệp xác định phương án tài trợ vốn khác nhau để phù hợp với dòng tiền trả nợ.

Thứ nhất, với mảng bất động sản, BCG chủ yếu làm việc với các tổ chức tài chính trong nước, để phối hợp tài trợ cho người mua, đảm bảo doanh thu cho dự án và tiến độ xây dựng phù hợp.

Thứ hai, với mảng năng lượng tái tạo, BCG nhận định đây là mảng đầu tư rất hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong giai đoạn đầu khi rủi ro còn cao, BCG hướng đến các tổ chức tài chính trong nước. Sau đó là làm việc với các nhà đầu tư và ngân hàng quốc tế để tái tài trợ lãi suất vay và các khoản vay đảm bảo cho dự án. Đây là phương án đã rất thành công với những dự án điện áp mái, tạo ra các dự án được đánh giá cao từ quốc tế, trong 3 năm qua, công ty đã huy động được hơn 150 triệu USD và con số này sẽ còn tăng trưởng trong các năm tới.

Thứ ba, với các dự án hạ tầng, công ty triển khai các chương trình vốn lưu động để hỗ trợ nhà đầu tư và nhà thầu để giải quyết được tiến độ dự án, trong lúc chờ nguồn vốn dài hạn hơn.

Và cuối cùng, với tập đoàn, BCG hướng tới các phương án tăng vốn tuỳ thuộc tình hình thị trường để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, đảm bảo tài trợ cho dự án lớn. Đặc biệt, doanh nghiệp đang hướng đến đại chúng hoá các công ty con để tạo tiền đề huy động vốn từ thị trường chứng khoán.

Đưa BCG Land và BCG Energy lên sàn trong năm 2023

Chia sẻ rõ hơn về việc đại chúng hoá các công ty con, ông Nguyễn Thế Tài – Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc BCG cho biết năm 2022 đã lên kế hoạch cho BCG Land và BCG Energy lên sàn nhưng bị châm do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn.

Tới quý II/2023, BCG cho biết sẽ tiến hành IPO BCG Land trước, với BCG Energy sẽ hoàn thiện hồ sơ với đơn vị kiểm toán, dự kiến đưa lên tại cuối năm nay. Còn đối với doanh nghiệp Nguyễn Hoàng thì thị trường xuất khẩu đang gặp khó nên kế hoạch IPO có thể chậm sẽ chậm lại.

Ông Hồ Nam cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang có cơ hội ổn định, tăng trưởng trở lại kể từ giữa năm 2023. Do đó, doanh nghiệp cũng đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ IPO theo đúng kế hoạch đề ra để tăng cường năng lực quản trị, công tác huy động vốn, nâng cao nguồn lực tài chính và công khai minh bạch thông tin doanh nghiệp.

Hồ sơ doanh nghiệp - Chủ tịch BCG: 500 tỷ đồng trái phiếu không tài sản đảm bảo là phép thử (Hình 2).

Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam phát biểu tại Đại hội.

Khi được cổ đông đặt câu hỏi về các khoản nợ của công ty, ông Phạm Minh Tuấn cho biết giai đoạn 2019-2026 tập đoàn sẽ tập trung tăng trưởng, mở rộng hoạt động đầu tư. Việc mua và sáp nhập một số dự án lớn sẽ khiến dòng tiền âm nhưng công ty cũng đã liên tục thông báo trong phần giải trình tài chính.

Giai đoạn 2019-2020 tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu rất cao nhưng đến năm 2022, qua hình thức tăng vốn, và đầu tư vào các dự án có lợi nhuận cao giúp hệ số nợ/vốn của BCG đã hạ xuống mức thấp.

Về vay nợ, hiện BCG chỉ có một khoản nợ trái phiếu 500 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo. Theo Chủ tịch BCG , đây là một “phép thử” của doanh nghiệp khi tiếp cận với hình thức xếp hạng tín nhiệm để huy động vốn qua thị trường trái phiếu. Nếu an toàn, hiệu quả công ty sẽ nhân rộng mô hình này nhưng nếu không phù hợp sẽ thu nhỏ kênh huy động vốn trên.

Chia sẻ thêm, ông Hồ Nam khẳng định 54 đơn vị thành viên liên kế đa phần là nợ phân bổ vào các dự án triển khai, xét bình diện trên với khối lượng tài sản, khối lượng dự án và khối lượng nợ đang rất cân đối.

“4 năm trước tập trung triển khai dự án nên tỉ lệ nợ rất cao nhưng đến nay hệ số nợ/vốn chỉ còn 1,4. BCG sẽ tiếp tục nâng cao năng lực tài chính nên trong tương lai sẽ giảm hệ số trên xuống dưới 1 và chúng tôi cũng đang đặt ra mục tiêu hạ xuống còn 0,5”, ông Nam nhấn mạnh.

Về khoản dự phòng nợ xấu khó đòi 138 tỷ đồng trong BCTC, Chủ tịch BCG cho biết 80% khoản nợ trên đến từ bảo hiểm AA khi công ty tiến hành mua lại. Khoản nợ này đã tồn tại nhiều năm và có trích lập dự phòng nên BCG quyết định xoá khoản nợ khó đòi này để làm sạch bảng BCTC và quan điểm khoản này bị mất, không thể thu hồi được.

BCG quyết định đưa khoản trên ra ngoại bảng để tìm cách thu hồi và việc xoá khoản này khỏi BCTC không làm ảnh hưởng đến các chỉ số của doanh nghiệp.

Xem thêm: lmth.944506a-uht-pehp-al-oab-mad-nas-iat-gnohk-ueihp-iart-gnod-yt-005-gcb-hcit-uhc/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chủ tịch BCG: 500 tỷ đồng trái phiếu không tài sản đảm bảo là phép thử”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools