Số liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy tăng trưởng GDP quý I của nước này chỉ đạt 1,1%, giảm mạnh so với mức 2,6% của quý IV/2022. Con số này mới nghe có vẻ bi quan nhưng nhiều tờ báo lớn của Mỹ lại có cách nhìn hoàn toàn khác.
GDP của Mỹ tiếp tục tăng trưởng quý thứ 3 liên tiếp nhờ chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục vững mạnh dù lãi suất cao hơn là nhận định của nhiều tờ báo lớn của Mỹ số ra tuần này. Tờ Thời báo New York nhận định người tiêu dùng Mỹ đã tỏ ra kiên cường khi đối mặt với cả 2 thách thức là giá cả và chi phí vay đều tăng cao.
Chi tiêu trong quý I sau khi được điều chỉnh theo lạm phát đã tăng 3,7%, cao hơn nhiều so với mức tăng 1% của quý trước đó. Đáng chú ý là chi tiêu cho du lịch và ăn uống tại nhà hàng tiếp tục phục hồi và chi tiêu cho mua sắm hàng hóa cũng đã tăng trở lại sau 4 tháng giảm liên tiếp.
Cùng quan điểm này, tờ Tạp chí Phố Wall cho biết, 3,7% trong quý I là mức tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cá nhân cao nhất kể từ quý II/2021. Do chi tiêu của người tiêu dùng là động lực chính cho tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, vì vậy sự kiên cường của người tiêu dùng Mỹ được cho là yếu tố giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới này chưa rơi vào suy thoái như nhiều dự báo đã từng đưa ra.
Trong một siêu thị ở Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Với tiêu đề "Một cuộc suy thoái được dự đoán rất nhiều ở Mỹ vẫn chưa xảy ra nhờ người tiêu dùng", tờ Market Watch lý giải: Thứ nhất đó là người tiêu dùng Mỹ đang tận hưởng một thị trường việc làm tốt nhất trong nhiều thập kỷ với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong vòng 54 năm qua. Nhờ đó mà hầu hết những ai muốn đi làm đều có việc làm; Thứ hai đó là thu nhập của người lao động cũng đang tăng nhanh do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động, dù vẫn chưa đủ để theo kịp với lạm phát.
Tất cả lý do trên giúp người tiêu dùng có tiền để chi tiêu và thực tế họ đang mở hầu bao và chừng nào tỷ lệ thất nghiệp còn thấp xu hướng này vẫn còn tiếp diễn.
Tờ Business Insider cho biết, các nhà thầu xây dựng hiện đã bán được những ngôi nhà ngay cả khi chưa được khởi công; giá năng lượng đã giảm đáng kể so với năm ngoái và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dù chưa phải là tốt nhưng rõ ràng là đang tốt lên chứ không tệ như năm ngoái.
Theo báo chí Mỹ, những yếu tố trên có thể giúp các nhà kinh tế học thay đổi cách nhìn về triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Cụ thể là thay từ với cùng chữ R vốn được nhắc đến nhiều trong 2 năm qua đó là Recession - nghĩa là suy thoái, thành Resilient - nghĩa là kiên cường hay có khả năng phục hồi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.94591238082403202-gnourt-gnat-cut-peit-ym-et-hnik-puig-gnud-ueit-ueit-ihc/et-hnik/nv.vtv