Trẻ mệt lả vì nắng nóng
Dưới cái nóng oi bức trưa 28-4, khu vực chờ tại khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) có rất đông người nhà cùng con trẻ chờ đến lượt khám bệnh và chờ kết quả khám bệnh. Nắng nóng khiến trẻ mệt lả, quấy khóc. Cha mẹ liên tục quạt và cho con uống nước.
Bên trong khu vực các phòng khám bệnh, cũng có rất đông phụ huynh và trẻ nhỏ. Nhiều người kể họ phải đưa con từ sáng sớm để tránh nắng và kịp khám về trong ngày.
Liên tục quạt mát cho con trong lúc chờ xe chở về quê, chị N.T.H. (ngụ tỉnh Hậu Giang) thở dài vì trời quá nóng khiến bản thân chị cũng mệt. Chị H. cho biết, khi con biểu hiện sốt cao, gia đình đã đưa con đến khám tại cơ sở y tế địa phương. Tuy nhiên bệnh không thuyên giảm nên ngày 27-4 chị cùng con đã vượt đường xa lên Bệnh viện Nhi đồng 2 khám bệnh.
"Bệnh viện có rất nhiều trẻ khám nên tới lượt con tôi thì khám không kịp về trong ngày. Tối qua, hai mẹ con thuê phòng gần bệnh viện ngủ, rồi sáng sớm nay qua bệnh viện tiếp tục khám sớm", chị H. nói.
Bé H. (7 tháng tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 tái khám vào trưa 28-4 vì các triệu chứng bú kém, sốt, ho, khó thở nặng dần sau 2 ngày uống thuốc điều trị tại nhà.
Trực tiếp thăm khám bé H., bác sĩ Nguyễn Tấn Hiện (khoa hô hấp) cho biết bé H. vẫn còn viêm tiểu phế quản bội nhiễm (phổi đã có vi trùng). Bác sĩ chỉ định cho bé H. xét nghiệm máu lại. Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số viêm phổi tăng cao, trẻ được phun khí dung, nhưng vẫn mệt thì cho bé H. nhập viện.
Bác sĩ Hiện cho biết thêm, thời tiết nắng nóng khiến tỉ lệ trẻ mắc các bệnh đường hô hấp tăng, trong đó những bệnh hô hấp thường gặp như nhiễm siêu vi, nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phổi...
Bệnh mùa nắng nóng cũng tăng
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, trong một tháng nay, khoa khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận 4.000-4.400 lượt bệnh nhi tới khám bệnh mỗi ngày, tăng 300-500 ca/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Trẻ đến khám chủ yếu mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa và bệnh liên quan đến da. Tỉ lệ trẻ có triệu chứng nặng phải nhập viện dao động 8-10%.
Bác sĩ Nguyễn Công Thiên - phó khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho hay nắng nóng làm cơ thể dễ mất nước, sức đề kháng kém đi. Còn với thức ăn thì dễ bị hư hỏng nếu bảo quản, chế biến không đảm bảo vệ sinh.
Những bệnh "đặc trưng" mùa nắng nóng mà trẻ hay gặp là bệnh đường tiêu hóa (biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn ói...), các bệnh đường hô hấp (viêm họng, viêm hô hấp trên, viêm phế quản...), bệnh về da (viêm da, nhiễm trùng da...).
Theo bác sĩ Thiên, thời tiết nắng nóng không phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh hô hấp ở trẻ, mà là do phụ huynh làm mát cho trẻ sai cách, hay cho trẻ ăn uống thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Phụ huynh có khuynh hướng tắm mát trong thời gian lâu cho trẻ. Đồng thời dùng phương pháp giải nhiệt bằng cách điều chỉnh máy lạnh, máy quạt ở mức mát nhất. Khi cơ thể thay đổi từ nắng nóng sang lạnh đột ngột thì sức chịu đựng kém đi, trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp", bác sĩ Thiên ví dụ.
Để phòng trẻ mắc các bệnh mùa nắng nóng, bác sĩ Thiên khuyến cáo cha mẹ cần cho trẻ uống nước đầy đủ, mặt đồ thoáng mát. Hạn chế tối đa cho trẻ ra ngoài nắng, tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời. Song song đó, thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay cho trẻ trước khi ăn.
Trong những ngày nắng nóng này cơ thể dễ bị đổ mồ hôi, gây ra nhiều bệnh về da như viêm nang lông, viêm da tiếp xúc dị ứng, nhiễm nấm ngoài da... Nắng nóng nhiều còn có thể gây bỏng da.