Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự buổi làm việc có đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các Phó Chủ tịch UBND thành phố; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố và đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành.
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Theo báo cáo tại buổi làm việc, thời gian qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã chủ động ban hành các chỉ thị, chương trình, kế hoạch về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảm đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an Thủ đô trên địa bàn. UBND Thành phố đã chỉ đạo Công an Thành phố nghiên cứu, tham mưu xây dựng, triển khai các đề án, chương trình, văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
UBND Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ; tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn; xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với cơ sở kinh doanh karaoke...
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm bố trí ngân sách hỗ trợ cho lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố giai đoạn 2021-2025 được HĐND thành phố thông qua; trong đó, ngân sách thành phố đã dự kiến cân đối 6.149,47 tỷ đồng (chiếm 5,3% kế hoạch vốn dự án xây dựng cơ bản tập trung ngân sách thành phố) để hỗ trợ đầu tư 42 dự án xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị và 01 đề án xây dựng trụ sở làm việc và trang thiết bị đối với Công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu kết luận. |
Hà Nội cần sớm có chỉ đạo, quy hoạch tổng thể chung để phát triển Thủ đô, đáp ứng được nhu cầu của người dân
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm chúc mừng và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua.
Bộ trưởng Tô Lâm cảm ơn Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều mặt công tác; hỗ trợ đảm bảo an ninh, duy trì trật tự đô thị, an toàn giao thông và quan tâm đến Công an TP Hà Nội.
“Trong việc thực hiện Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…, Bộ Công an cảm ơn TP Hà Nội đã hỗ trợ quy hoạch, bố trí đất đai xây dựng các công trình an ninh, trụ sở các đơn vị”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Khẳng định vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, hoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của TP Hà Nội, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Thành ủy, UBND TP Hà Nội sớm có chỉ đạo, quy hoạch tổng thể chung để phát triển Thủ đô để đáp ứng được nhu cầu của người dân không chỉ ở trong thành phố mà cả du khách đến thăm quan và sử dụng các dịch vụ, tiện ích trên địa bàn.
Tin tưởng TP Hà Nội sẽ triển khai mẫu mực Đề án 06 của Chính phủ
Cũng tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và TP Hà Nội đã trao đổi, làm rõ, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc cho TP Hà Nội trong quá trình triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô…
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nêu mốc ngày 12/4 vừa qua, Hà Nội đã đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu; thành công với các dịch vụ công trực tuyến, thí điểm liên thông khai sinh, khai tử với hơn 3.000 hồ sơ được giải quyết. Từ 65 khó khăn, vướng mắc của Hà Nội đã được giải quyết gần một nửa. Ngay trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo các bộ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc còn lại.
Lưu ý một số loại tội phạm vẫn có diễn biến phức tạp, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Giám đốc Công an TP báo cáo lãnh đạo TP để điều tra cơ bản, tổng thể, từ đó nhận diện, có giải pháp cụ thể với từng loại hình tội phạm truyền thống, tội phạm mới; đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội để phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhấn mạnh việc triển khai Đề án 06 là rất quan trọng, đổi mới cung cách quản trị xã hội theo hướng tìm người dân để phục vụ, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị thành phố nỗ lực triển khai hiệu quả Đề án 06 về ứng đụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để có giải pháp cụ thể đối với từng loại tội phạm mới; từ nay đến tháng 7/2023, phấn đấu hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chíp cho toàn bộ người dân trên địa bàn Thủ đô. "Từ đó, để người dân có thể dùng căn cước công dân gắn chíp thực hiện các giao dịch, bỏ được những giấy tờ khác", Bộ trưởng nhấn mạnh; đồng thời đề nghị thời gian tới Hà Nội cần tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực như quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, đấu giá, định giá, thu hồi đất...
Tại buổi làm việc, nêu kiến nghị với Bộ Công an, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, với định hướng phát triển TP Hà Nội “Văn hiến, văn minh, hiện đại”, sẽ có rất nhiều vấn đề tồn tại phải giải quyết, cần Bộ Công an trực tiếp tham gia, chỉ đạo Công an TP phối hợp, vào cuộc với các cấp ủy, chính quyền của TP thực hiện, như: công tác cải tạo chung cư cũ; các dự án trọng điểm chậm triển khai trên địa bàn; thực hiện đề án quản lý tài sản công; phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính.
Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố sẽ tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch và quan điểm quản lý đô thị. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ dành nguồn lực phối hợp các bộ, ngành thay đổi phương thức quản trị hành chính, từ đó tác động, thay đổi phương thức quản trị xã hội trên địa bàn Thủ đô.