Đó là những công trình như tuyến metro số 1, cao tốc sắp nối liền Nha Trang - TP.HCM, Vành đai 3, nhà ga T3, cảng trung chuyển Cần Giờ...
Thành phố đang đứng trước cơ hội nào? Người dân sẽ được thụ hưởng gì từ những hạ tầng tỉ đô này?
Tuổi Trẻ trao đổi với ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Ông Lâm chia sẻ:
- Những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, chiến lược nói trên đã mở rộng cửa ngõ cho TP.HCM. Nhưng không chỉ vậy, “cánh cửa mới” này còn là cơ hội để phát triển kinh tế, thay đổi văn hóa giao thông phù hợp xu thế phát triển.
Tiến trình thực hiện các dự án cũng là “công trường” để thể hiện sự sáng tạo, tinh thần dám nghĩ dám làm và khát vọng đổi mới.
Nâng cao vai trò hạt nhân của TP.HCM
* Chúng ta hãy bắt đầu bằng cánh cửa giao thông, người dân TP.HCM và cả nước có thể hình dung, kỳ vọng gì sau những dự án tỉ đô này?
- 30-4 năm nay là dịp rất đặc biệt với giao thông thành phố khi nhiều dự án lớn chuẩn bị khánh thành, khởi công...
Tuyến metro số 1 đang giai đoạn chạy thử hoàn thiện, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2023. Nhà ga T3, nút giao An Phú, quốc lộ 50 đã khởi công.
Vành đai 3 TP.HCM dự kiến khởi công vào mùa hè này và xa hơn là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang được khẩn trương xây dựng đề án, triển khai đầu tư.
Và gần nhất, tác động rõ nhất có lẽ là cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ thông xe hôm nay.
Cuối năm nay nếu thuận lợi thì từ Nha Trang đến TP.HCM và TP.HCM đến Cần Thơ sẽ thông cao tốc. Giao thông TP sẽ rộng mở trên bộ, hàng không, đường thủy từ những hạ tầng tỉ đô này.
* Vai trò của thành phố sẽ được nâng lên ra sao sau khi các dự án này hoạt động?
- Từ 3-5 năm tới đây, hạ tầng giao thông thành phố gắn với liên kết vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ phát triển vượt bậc. Lúc đó, sẽ thấy rõ vai trò hạt nhân của TP.HCM đối với vùng, sẽ kích thích phát triển kinh tế cho cả vùng cùng phát triển. Đây cũng tiền đề quan trọng, tạo mũi nhọn để dẫn dắt các lĩnh vực khác phát triển. TP.HCM có cơ hội phát triển và đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa công nghiệp và những ngành dịch vụ chất lượng cao.
Đường vành đai, cao tốc hoàn thành sẽ đánh thức quỹ đất vùng ngoại thành, sớm hình thành nên những khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến.
Chẳng hạn như đường vành đai 4 TP.HCM khi triển khai, xung quanh đó sẽ sớm hình thành khu đô thị hiện đại, trường đại học quốc tế, khu công nghiệp - thương mại - dịch vụ ở ngoại thành.
Bên cạnh đó cảng biển trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nhà ga T3 là công trình lớn mang dấu ấn giai đoạn phát triển mới của TP.HCM, mở ra cơ hội giao thương quốc tế rất lớn cho thành phố và cả nước.
"Công trường" để thí điểm chính sách
* Vừa qua khi xây dựng nghị quyết mới thay thế cho nghị quyết 54, lãnh đạo TP cũng nhiều lấn nhấn mạnh về cơ chế giúp cho TP thúc đẩy hạ tầng. Như vậy, những hạ tầng này cũng là "công trường" để thí điểm chính sách mới, đặc thù của thành phố?
- Cách làm mới là tới đây, TP sẽ đầu tư đồng thời nhiều công trình lớn như các tuyến đường sắt đô thị, các cầu lớn như Thủ Thiêm 4, Cần Giờ, mở rộng các quốc lộ, khép kín vành đai 2, các tuyến cao tốc...
Vậy vấn đề đặt ra là nguồn vốn và cơ chế nào để thực hiện? Câu trả lời là nút thắt về nguồn vốn và cơ chế đã có trong dự thảo nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù để phát triển TP (thay thế cho nghị quyết 54/2017/QH14).
Có thể dẫn chứng nguồn vốn làm các dự án sẽ có từ các nguồn như: cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, phát hành trái phiếu, khai thác quỹ đất theo mô hình TOD (quy hoạch đô thị định hướng phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng khối lượng lớn)...
Đây là mô hình mà nhiều đô thị lớn trên thế giới đã triển khai và rất thành công, giúp TP định hình, cải tạo lại đô thị theo hướng hiện đại, vừa phát huy hiêu quả và nguồn thu từ quỹ đất.
Đối với đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54, TP đã đề xuất cơ chế đầu tư đường trục chính, đường trên cao trên đường hiện hữu được đầu tư theo hình thức BOT. Khi nghị quyết được thông qua, TP sẽ triển khai đầu tư rất nhiều công trình lớn trên địa bàn.
TP cũng đề xuất cơ chế tăng phần vốn nhà nước tham gia dự án được đến 70% (quy định hiện nay là 50%). Bởi thực tế, nhiều dự án giao thông có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư.
Ngoài ra, TP còn đề xuất cơ chế thanh toán BT bằng tiền, giúp TP có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính tham gia dự án ngay trong giai đoạn này, khi TP chưa có khả năng cân đối vốn đầu tư công trung hạn.
TP sẽ thanh toán (trả chậm) cho nhà đầu tư sau khi công trình hoàn thành, nguồn vốn sẽ từ các nguồn vốn như đã nói ở trên.
Để huy động và tạo nguồn (từ việc cổ phần hóa, khai thác quỹ đất) cần phải có thời gian. Nếu chúng ta chờ bố trí vốn mới làm thì dự án chậm 5-10 năm, chi phí tăng lên rất nhiều lần.
Những chính sách mới, đặc thù được áp dụng trên các công trình hạ tầng đang thực hiện cũng chính là một "cánh cửa mới" nữa để TP có thêm động lực, nguồn lực trong tương lai.
* Và những hạ tầng tỉ đô này cũng là cánh cửa mới để TP thể hiện tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm?
- Tôi nghĩ đây cũng là cơ hội để tất cả đóng góp cho TP, phát huy sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
Để đảm bảo công trình trọng điểm quốc gia về đích đúng hẹn, thứ nhất cần phải có sự quan tâm, động viên và chỉ đạo kịp thời từ lãnh đạo trung ương và lãnh đạo TP. Thứ hai là cần phải tăng cường, bố trí nhân sự để đáp ứng khối lượng công việc trong bối cảnh chúng ta đang triển khai cùng lúc nhiều dự án lớn.
Ngoài ra theo tôi cần phải có cơ chế pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật "đủ hiệu lực" để bảo vệ những người có nhiệt huyết dám nghĩ dám làm phát huy tinh thần sáng tạo vì cái chung. Từ đó các cán bộ mới vượt qua được tâm lý e ngại, mạnh dạn hơn với các ý tưởng đột phá, góp phần đưa công trình trọng điểm quốc gia về đích.
Mở ra không gian sống năng động
Ông Trần Quang Lâm nói những hạ tầng tỉ đô của TP cũng là cơ hội để nâng cao văn hóa giao thông đô thị, môi trường sống trong lành hơn.
"Như tuyến metro số 1 hoàn thành sẽ là tiền đề để hình thành văn hóa văn minh trong đô thị. Với một loại hình giao thông hiện đại và mới mẻ, người dân sẽ có cơ hội trải nghiệm và tạo dần thói quen sử dụng metro, cách ứng xử văn hóa giao thông phù hợp và tiệm cận dần với các đô thị hiện đại trên thế giới.
Ngoài ra, TP đang có bước chuyển mình theo xu thế phát triển bền vững, hướng tới đô thị xanh để nâng cao chất lượng đời sống người dân, mở ra không gian sống năng động và hấp dẫn nhà đầu tư.
Chẳng hạn cảng trung chuyển Cần Giờ đang được định hướng là cảng xanh (thiết bị, bốc xếp, vận hành... đều sẽ sử dụng năng lượng điện).
Thành phố cũng đang đề xuất cơ chế để đẩy nhanh tiến trình giao thông xanh, như hỗ trợ ngân sách để thu mua, chuyển đổi phương tiên sử dụng năng lượng hóa thạch sang xe điện, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống.
Cùng điểm lại một số dự án được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông TP.HCM:
- Cảng biển: TP đang triển khai lộ trình di dời các cảng trên sông Sài Gòn, đồng thời triển khai đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo phương án nghiên cứu, cảng này có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEU), công suất thông quan 10 - 15 triệu TEU. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ USD, phân kỳ 7 giai đoạn đầu tư. Khi dự án được thông qua, công trình giai đoạn 1 năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027.
- Đường vành đai: Vành đai 3 TP.HCM dài 76km đi qua 4 tỉnh thành sẽ được khởi công vào tháng 6-2023. Đây là dự án mà hàng triệu người dân trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mong mỏi. Tiếp nối vành đai 3 TP.HCM, 5 địa phương đã lên kế hoạch xây dựng đường vành đai 4 có quy mô lớn hơn, dài 200km. Theo kế hoạch phối hợp của các địa phương, công trình sẽ khởi công năm 2024.
- Đường sắt đô thị: Metro số 1 hiện đã đạt 95%. Cách đây vài hôm, tàu đã chạy thử 6 chuyến/ngày chở khoảng 2.000 hành khách từ ga bến xe Suối Tiên đến ga An Phú. Theo thiết kế, đoàn tàu metro số 1 gồm 3 toa có sức chứa 930 khách. Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP khi đưa vào khai thác sẽ góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân, hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc.
- Hàng không: Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư 10.990 tỉ đồng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Nhà ga có công suất phục vụ 20 triệu khách/năm và chạy thử vào cuối năm 2024, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất. Hiện TP cũng đang xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa để kết nối với nhà ga T3.
- Đường sắt: Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 38km và đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ dài 134,9km hiện đang được các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong cuộc làm việc với Thủ tướng mới đây, TP.HCM đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ lập dự án.
- Các trục cao tốc: Các dự án cao tốc Bắc - Nam đã và đang triển khai với kỳ vọng vào cuối năm nay, từ Nha Trang đến TP.HCM và TP.HCM đến Cần Thơ sẽ được nối thông bằng cao tốc. Hiện tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đang trình hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Các cao tốc cửa ngõ TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đang được lập dự án mở rộng.
Hôm nay 16-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.HCM về các dự án giao thông trọng điểm, hạ tầng kết nối, bất động sản, chống ngập...