vĐồng tin tức tài chính 365

Ấn tượng mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2023

2023-04-29 11:56

Tháng 4 - 5 là quãng thời gian sôi động trên thị trường đầu tư chứng khoán, khi đây là thời điểm diễn ra hàng trăm Đại hội đồng cổ đông của khối doanh nghiệp niêm yết.

Những công bố về kết quả kinh doanh, những chia sẻ về kế hoạch hoạt động trong năm mới và đặc biệt là những lần đăng đàn hiếm hoi của các chủ doanh nghiệp và ngân hàng lớn thu hút sự quan tâm của dư luận.

Như thông lệ, câu chuyện của nhóm doanh nghiệp có trọng số lớn nhất trên sàn chứng khoán - ngân hàng - luôn là tâm điểm thu hút cổ đông, nơi cho giới đầu tư những thông tin quan trọng về kết quả kinh doanh và những báo cáo chi tiết về kế hoạch, hay đặc biệt là những phát biểu gây chú ý của lãnh đạo doanh nghiệp.

Tại Đại hội đồng cổ đông của nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống - VPBank, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cho biết: "Nền tảng vốn có được ngày hôm nay của VPBank đủ để duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm tiếp theo và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông".

Ấn tượng mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2023 - Ảnh 1.

Với cổ đông VPBank, cổ tức có lẽ "không phải nghĩ" trong giai đoạn này, nhưng ngược lại, cổ động của ông lớn trong ngành bán lẻ là Công ty CP Thế giới di động lại phải suy nghĩ khá nhiều về cổ tức khi doanh nghiệp hạ cổ tức tiền mặt một nửa, xuống còn 5%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng.

Một điểm đáng chú ý khác là công ty không có tờ trình phát hành cổ phiếu cho ban điều hành và cán bộ chủ chốt (ESOP), nguyên nhân đến từ việc lợi nhuận giảm trong năm 2022.

Bên cạnh đó, những thách thức của ngành bán lẻ cũng khiến ông lớn này thay đổi chiến lược về giá bán.

"Các bạn có thể thấy có những thời điểm giá của Thế giới Di động cao hơn các cửa hàng khác đến vài triệu đồng. Trong thời gian sắp tới, các bạn sẽ thấy hiện tượng đó chấm dứt và chúng tôi sẽ không để cho chênh lệch giá đó trở thành điểm lợi dụng của đối thủ. Với vai trò nhà đầu tư, nếu các bạn đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh, các bạn sẽ nghe thấy tiếng rên xiết đó trong thời gian sắp tới, nó sẽ kéo dài chứ không phải ngắn hạn đâu. Các bạn chuẩn bị cho tinh thần đó", ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động, nói.

Các đối thủ khác cũng đã chuẩn bị tinh thần, như ông Tài nói. Trái ngược với quan điểm của Thế giới Di động, thông điệp của FPT Retail được ông Hoàng Trung Kiên, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ: "Kinh doanh của Apple trong 1 năm về đây là cạnh tranh về giá. Tuy nhiên gần đây, FPT Retail đem lại trải nghiệm trong hệ sinh thái của iPhone, chứ không phải chỉ tập trung vào giá. Thế giới Di động cạnh tranh về giá có đáp trả không? Thì ai làm theo mới là đáp trả. Trong thị trường, có người bán rẻ thì các nhà khác bán rẻ theo, trò chơi tổng bằng không".

Phía FRT cũng cho biết thêm, trong bối cảnh thị trường khó khăn sẽ có cạnh tranh giá, nếu ông này xuống giá, ông khác xuống theo với mong muốn kéo khách hàng, nhưng việc này chỉ kéo nhau xuống. Về bản chất cuộc chiến về giá không phải là cuộc chiến hay trong giai đoạn này, để giữ khách FRT sẽ phải thích ứng.

Nhìn chung, các doanh nghiệp trong cả ngành bán lẻ và ngân hàng đều đang nhận diện rất rõ những thách thức và phần nào họ cũng cho cổ đông của mình những kỳ vọng phù hợp trong bối cảnh mới. Đây cũng là những căn cứ quan trọng giúp các nhà đầu tư đưa ra chiến lược cho thời gian tới.

Rõ ràng phía trước vẫn đang còn khá nhiều thách thức với các doanh nghiệp. Theo số liệu mới cập nhật từ FiinGroup, tính đến ngày 26/4/2023, gần 700 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (đại diện khoảng 70% vốn hóa toàn thị trường) công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2023, với tổng lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm nhẹ 3%.

Đáng chú ý, khối phi tài chính đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm sâu 20,6%. Kế hoạch lợi nhuận này xuất phát từ bối cảnh vĩ mô hiện tại kém thuận lợi, cụ thể là hoạt động xuất khẩu yếu đi, cầu tiêu dùng trong nước suy yếu, thị trường bất động sản trầm lắng sau động thái chấn chỉnh hoạt động phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Những câu chuyện làm nóng mùa đại hội cổ đông

Thực tế, những thông tin cụ thể, những câu chuyện riêng cũng được lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ thẳng thắn với các cổ đông của mình và đây cũng chính là những yếu tố "làm nóng" thêm mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay, đặc biệt là những màn đối chất cả năm mới có một lần.

Minh bạch là món quà nhiều chủ doanh nghiệp dám trao cho cổ đông dù biết phản ứng là khá tiêu cực lên giá cổ phiếu.

Lấy trường hợp của Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HNG) làm ví dụ. Khi cổ đông hỏi: Liệu năm 2023 có lỗ tiếp vì lỗ tiếp là hủy niêm yết? Chủ tịch HNG, ông Trần Bá Dương, cho biết: "Đã tìm được cách dần dần phục hồi cho doanh nghiệp nhưng cần thời gian, cái gì trước đây trong sổ sách để chỗ này để chỗ kia tránh lỗ thì năm nay cho lỗ hết, làm cho sạch rồi sau đó làm lại cho căn cơ".

Dám minh bạch nhận trách nhiệm dám làm là tinh thần được thấy ở nhiều doanh nghiệp trong mùa Đại hội cổ đông trong năm nay, tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng dám chia cổ tức.

"Hình như chúng tôi đã bị 6 - 8 năm nay không được chia cổ tức. Cái đó chúng tôi không đồng ý. Nhìn thẳng vấn đề là có chia cổ tức hay không, Đại hội cổ đông rất thích chia cổ tức. Chúng tôi lâu năm rồi không được chia. Nhiều người có 5.000 - 10.000 cổ phiếu, có người mấy trăm nghìn cổ phiếu, góp tiền cho quý vị xài, nhưng không được chia đồng nào", một cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín nói.

"Tôi cũng là cổ đông, cũng muốn được chia cổ tức nhưng điều kiện là phải tái cơ cấu thành công, sát nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank, tất cả các chỉ số đều không đạt. Hiện nay chúng tôi đã báo cáo xử lý nợ xấu cơ bản hoàn thành, còn một khoản duy nhất là cổ phiếu của người có liên quan, chúng tôi đã xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Sacombank mua lại, bán đấu giá. Khi bán đấu giá xong phần cổ phiếu này, chúng ta mới tái cơ cấu thành công", ông Dương Công Minh, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, cho biết.

Cổ tức vẫn là câu chuyện khiến nhiều cổ đông tức lên tận cổ, đặc biệt với khối ngân hàng tư nhân đã nhiều năm chưa chia cổ tức như Sacombank hay Techcombank.

Ấn tượng mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2023 - Ảnh 2.

Với Sacombank, họ còn vướng câu chuyện quy định pháp lý, nhưng với nhiều ngân hàng như Techcombank hay doanh nghiệp khác không chia cổ tức nhiều năm nay, lý do trả lời cổ đông vẫn chỉ là giữ nguồn lực phát triển, kỳ vọng cổ đông đồng hành sau này hưởng lợi nhiều lần.

Tuy nhiên, việc chia cổ tức hay không chỉ là vấn đề thuộc ý chí người lãnh đạo, vì có doanh nghiệp cũng gặp thách thức, nhưng với quan điểm của họ, cổ tức là quyền lợi tối thiểu cho một cổ đông.

"Giá cổ phiếu có lúc lên, lúc xuống. Cổ đông cũng là đối tượng mình phục vụ nên cần chia cổ tức nhưng không phải chia là ảnh hưởng đến tiền đầu tư. Chúng tôi tính toán để làm sao vẫn có nguồn vốn đảm bảo đầu tư. Một năm, chúng tôi vẫn để ra 8.000 - 10.000 tỷ tiền đầu tư", bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho hay.

Trong giai đoạn thách thức, cổ đông cũng mới có cơ hội nhìn rõ hơn về "bản lĩnh" doanh nghiệp mình đang đầu tư.

Doanh nghiệp niêm yết chuyển mình thích ứng trong năm 2023

Đa phần "ông lớn" trong ngành đều cho rằng, trong nguy có cơ, khó khăn là lúc để doanh nghiệp nhìn lại mình, cắt bỏ những thứ không hiệu quả và tập trung vào những thứ tạo ra giá trị.

Trong đại hội Đồng cổ đông lần này, trước băn khoăn của nhiều cổ đông về việc lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp không cải thiện, doanh nghiệp khẳng định, mỗi công ty đều có chu kỳ tăng trưởng riêng. Hiện Vinamilk nằm trong giai đoạn tập trung tái cấu trúc nguồn lực, mô hình kinh doanh.

Đánh giá về triển vọng thị trường, lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định ngành sữa Việt chưa bão hòa. Để tận dụng dư địa, Vinamilk có nhiều chiến lược nhằm để đáp ứng nhu cầu hiện tại, đón đầu xu thế mới, tập trung yếu tố: chất lượng, giá cả, dịch vụ

"Trong 5 năm tới, chủ yếu là sản phẩm sữa, vì nhu cầu vẫn còn, dân số vẫn tăng, cái đó là dư địa khách quan, nếu đáp ứng được và tạo được dư địa mới thì sẽ phát triển", bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết.

Cũng trong ngành hàng tiêu dùng, đại diện Tập đoàn Masan đánh giá 2 quý vừa qua là thời gian khó khăn với ngành bán lẻ, khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định, tiếp tục gia tăng thị phần trong bối cảnh thách thức bằng cách tập trung giảm chi phí và tăng trải nghiệm công nghệ cho người dùng

"Trong nguy có cơ, nếu thách thức làm chúng tôi không đi được đúng như kế hoạch đề ra thì đây lại là cơ hội để chúng tôi gia tăng thị phần bằng cách linh hoạt hơn, sáng tạo hơn, tập trung vào tiết giảm chi phí cũng như tăng trải nghiệm công nghệ", ông Danny Le, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Masan, cho hay.

Nhìn vào kế hoạch kinh doanh của khối doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, có thể thấy sự thẩm thấu chủ trương của Chính phủ. Doanh nghiệp bất động sản không còn chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở trung và cao cấp, doanh nghiệp xây dựng cũng hết mình cho trọng tâm đầu tư công.

"Chúng tôi sẽ không chỉ xây dựng nhà ở xã hội, mà tạo ra các khu đô thị, nhà ở vừa túi tiền cho phù hợp với nhu cầu của người dân", ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Tập Đoàn Nam Long, nói.

Doanh nghiệp chuyển mình, cổ đông cũng phải chuyển đổi tư duy dài hạn hơn để thấy được hiểu quả. Bởi sự thay đổi chắc chắc cần thời gian để chuyển hóa vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Giá cổ phiếu bao giờ tăng lại cũng là câu hỏi của nhiều nhà đầu tư trong mùa Đại hội cổ đông, nhưng sau giai đoạn đầu tư dễ dãi, hiện nhiều nhà đầu tư cũng phải hiểu rằng, tăng trưởng thị giá gắn với tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp mới bền vững và cái gì bền vững cần phải từ từ.

Trong các phát biểu của đại diện doanh nghiệp niêm yết có thể thấy một tín hiệu đáng mừng là những chỉ đạo, hỗ trợ chính sách của Chính phủ đang có sự thẩm thấu. Doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng trở lại dần trong các quý tới khi mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Lĩnh vực bất động sản đang định hướng gần hơn với nhu cầu ở thực của xã hội.

Năm nay là một mùa Đại hội cổ đông không "nóng" về những con số tăng trưởng, nhưng lại rất "nóng" trong sự chuyển mình của cộng đồng doanh nghiệp niêm yết.

Mùa Đại hội đồng cổ đông phả sức “nóng” lên thị trườngMùa Đại hội đồng cổ đông phả sức “nóng” lên thị trường

VTV.vn - Mùa Đại hội đồng cổ đông vẫn đang tiếp tục phả sức "nóng" lên thị trường với các kế hoạch, báo cáo cùng những phát biểu ấn tượng của lãnh đạo doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.11204250192403202-3202-man-gnod-oc-gnod-ioh-iad-aum-gnout-na/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ấn tượng mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2023”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools