Thói quen ăn uống hằng ngày là một trong những tác nhân gây bệnh và làm bệnh trầm trọng hơn. Nghiên cứu cho thấy một số loại thực phẩm giúp làm giảm tần suất và cải thiện các triệu chứng trào ngược dạ dày. Vì vậy, hãy phòng và chữa bệnh bắt đầu từ cách ăn uống.
Đồ ăn uống là tác nhân kích thích
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K, cho biết trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi một phần thức ăn ở dạ dày trào ngược lên thực quản làm ta khó chịu.
Thực quản là ống dẫn thức ăn từ miệng đến dạ dày, ở phần dưới của thực quản có một cơ thắt gọi là cơ thắt dưới, khi cơ này co, thức ăn và dịch vị từ dạ dày không lên thực quản. Bình thường cũng hay xảy ra hiện tượng trào ngược, thường là sau bữa ăn và không gây rối loạn nào cả.
Trào ngược dạ dày thực quản lặp đi lặp lại và xảy ra trong một thời gian dài, là do cơ thắt dưới suy yếu, không hoạt động bình thường, kèm theo bất thường ở nhu động thực quản hay thức ăn ở dạ dày tồn tại quá lâu hay do thoát vị khe Winslow. Chính tính axit của dịch từ dạ dày kích thích niêm mạc của thực quản.
Đây cũng là sự mất cân bằng giữa hai yếu tố tấn công và yếu tố phòng thủ. Yếu tố tấn công gồm sự tăng tiết HCl, pepsine và sự ứ trệ thức ăn trong dạ dày gây tăng áp lực lên cơ thắt thực quản, thúc cơ này mở gây trào ngược. Khi yếu tố tấn công quá mạnh sẽ đẩy lùi yếu tố bảo vệ.
Một số loại đồ ăn có tính kích thích, đồ uống có gas… là tác nhân gây tăng tiết HCl và pepsine. Biểu hiện là chứng ợ nóng, ợ chua, có thể kèm đau ngực, ho kéo dài, đau rát họng...
"Trào ngược dạ dày thực quản dễ dẫn đến viêm loét thực quản, nếu nặng và kéo dài đưa đến hẹp thực quản. Viêm loét thực quản lâu là tổn thương tiền ung thư, có thể chuyển thành ung thực thực quản cao gấp 30 - 125 lần người thường" - bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, ở một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và người già, trào ngược dạ dày thực quản có thể gây nên viêm phổi do hít dịch trào ngược vào đường thở dễ gây tử vong.
Cách ăn thích hợp để trị bệnh
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh, có nhiều nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản, trong đó có stress, béo phì…, và đặc biệt là thói quen ăn uống không lành mạnh: ăn quá no, ăn đêm, ăn hoa quả có tính axit (cam, chanh...) khi đói, ăn đồ ăn nhanh, chiên rán... gây áp lực cho trương lực của cơ thắt thực quản, dẫn đến cơ này bị yếu, đóng mở bất thường, gây chứng trào ngược.
Vì vậy, thay đổi lối sống là bước điều trị đầu tiên và quan trọng nhất. Cần thay đổi chế độ ăn thích hợp để chống trào ngược, kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá…
Thức ăn: Cần chú ý đặc biệt đến chế biến thức ăn. Hạn chế thức ăn có nhiều dầu mỡ vì thức ăn này làm sức co của cơ vòng dưới thực quản giảm, làm cho thức ăn tồn đọng lâu trong dạ dày do đó làm trào ngược dễ xuất hiện.
Trong bữa ăn nên có rau tươi hay luộc vì rau giàu chất kháng oxy hóa và khoáng chất kiềm, giúp niêm mạc thực quản tự bảo vệ đối với tính axit.
Hạn chế hay tránh các món chiên, nướng: các chất béo nấu chín chậm tiêu hóa, chậm thoát ra khỏi dạ dày, tạo nguy cơ trào ngược.
Nên sử dụng phương thức hấp, đút lò ở nhiệt độ không quá cao, sau đó thêm chất béo sau khi thức ăn được nấu chín (dầu đậu nành, bơ hay dầu ôliu…).
Trái cây tốt cho sức khỏe nhưng cũng có một loại làm cho trào ngược dạ dày thực quản nặng thêm do có chứa thành phần axit nhiều như cam, chanh, bưởi, cà chua, cóc, me... Tốt nhất nên dùng trái cây ngoài bữa ăn. Nếu dùng trái cây sau bữa ăn (tráng miệng), có thể xảy ra hiện tượng lên men ở ruột và từ đó gia tăng trào ngược chất axit lên thực quản.
- Tham khảo thêm
Hạn chế muối ăn (NaCl) bởi muối ăn làm rối loạn hoạt động của cơ thắt. Nên nêm thức ăn vừa mặn. Không chấm thêm nước mắm hay nước tương. Tránh dùng mắm và thức ăn khô, mặn (cá khô).
Nên chọn thực phẩm tốt cho bệnh như: bánh mì, bột yến mạch, gừng, dưa gang hoặc dưa hấu, sữa chua, các loại đỗ…
Đồ uống: Nên dùng trà thay cà phê bởi cà phê gia tăng sự tiết axit dạ dày và làm giãn cơ vòng nằm ở điểm nối thực quản với dạ dày. Uống nước trước bữa ăn và nên uống nước đun sôi để nguội. Uống trong khi ăn hay sau bữa ăn, làm căng dạ dày, gia tăng áp suất đến cơ thắt thực quản.
Tạm ngừng dùng sữa (có thể thay thế sữa bằng yaourt hay sữa đậu nành công nghiệp có bổ sung canxi). Khi nào giảm bớt trào ngược dạ dày thực quản có thể dùng sữa trở lại.
Đặc biệt, nên ăn chậm rãi, đủ thời gian nhai thức ăn. Thức ăn được nghiền nát dễ tiêu hóa hơn. Bữa ăn tối nên ăn nhẹ và sớm, 3- 4 giờ trước khi ngủ. Bữa ăn tối gồm nhiều rau củ, ít chất béo, nhất là chất béo bão hòa (thịt quay, thịt ba chỉ, bánh bơ, bánh kem…).
Lo âu làm hạn chế sự tiêu hóa thức ăn ở dạ dày, gây sự lên men ở ruột, làm sinh hơi, tăng áp suất lên phía trên. Vì vậy, cần thư giãn và hoạt động cơ thể thích hợp để thức ăn được tiêu hóa dễ dàng.
"Một số loại thực phẩm giúp làm giảm tần suất và cải thiện các triệu chứng trào ngược dạ dày. Các loại thực phẩm này bao gồm:
Protein: Bạn nên lựa chọn từ các nguồn cholesterol thấp, chẳng hạn như cá hồi, hạnh nhân, thịt gia cầm nạc, các loại đậu…
Carbohydrate thô: Có nhiều trong trái cây, rau, khoai tây và một số ngũ cốc nguyên hạt.
Thực phẩm giàu vitamin C: Như trái cây có múi và rau quả.
Trái cây giàu magie và kali: Đặc biệt là các loại quả mọng, táo, lê, bơ, dưa, đào và chuối.
Thực phẩm giàu chất xơ: Các loại rau xanh như bông cải xanh, rau bó xôi, cải xoăn, măng tây… Nghiên cứu cho thấy thực phẩm giàu chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan, có thể giúp giảm các dấu hiệu trào ngược dạ dày" - bác sĩ Nguyễn Văn Hải, Bệnh viện K, cho biết.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường gặp ở người Việt Nam và có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống và sinh hoạt.
Xem thêm: mth.22775537082403202-uht-gnu-yag-nauq-cuht-yad-ad-cougn-oart-gnuhc-coud-hnart-na-hcac/nv.ertiout