Sau khi kênh trái phiếu bị siết chặt và chưa có dấu hiệu hồi phục, cùng với mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục duy trì ở mức cao đã ảnh hưởng tới nhiều nhóm ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Chịu ảnh hưởng bởi dòng tiền bị siết chặt và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, trong quý IV/2022, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán, thép lao dốc, thậm chí có nhiều doanh nghiệp lỗ kỷ lục trong nhiều quý.
Đối với nhóm ngành xuất khẩu, sản xuất, hưởng lợi từ giá hàng hoá/dịch vụ tăng cao như thủy sản, vận tải biển, hóa chất, phân bón… cũng tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2022, trái ngược với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022. Mặc dù vậy, luỹ kế cả năm 2022 vẫn giữ được mức lợi nhuận khá, song có dấu hiệu thời điểm thuận lợi nhất đã qua, khi giá hàng hoá/dịch vụ bắt đầu lao dốc, dự kiến lợi nhuận năm 2023 sẽ khó duy trì mức dương. Một số doanh nghiệp đã lên kịch bản lợi nhuận giảm mạnh trong năm tài chính 2023.
Về diễn biến thị trường chứng khoán, sau nhịp hồi phục từ ngày 15/11/2022 đến ngày 5/12/2022, thị trường bước vào giai đoạn rung lắc, điều chỉnh ngắn hạn tới ngày 26/12/2022. Từ ngày 26/12/2022 tới nay, thị trường tiếp tục xu hướng hồi phục từ nền giá thấp thứ hai sau nhịp hồi phục đầu tiên từ giữa tháng 11/2022.
Tuy nhiên, bước vào nhịp hồi phục thứ hai, đang có sự phân hóa và dòng tiền đang đổ vào cổ phiếu có khả năng hưởng lợi, thay vì chỉ tập trung nhóm cổ phiếu định giá rẻ.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), tăng trưởng ngành xây dựng dân dụng tiếp tục gặp thách thức khi các dự án bất động sản thương mại bị tạm ngừng thi công, hoãn triển khai rất nhiều. Trong đó, việc siết chặt dòng vốn chảy vào bất động sản gây nên rủi ro cao về trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi. Giai đoạn 2023-2024, áp lực về dòng tiền với các chủ đầu tư sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán công nợ và nguồn cung dự án mới ra thị trường.
Đối với ngành xây dựng hạ tầng giao thông, BSC kỳ vọng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ thời gian gần đây, điều kiện thời tiết thuận lợi hơn và giá một số vật liệu hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện để các nhà thầu xây dựng đẩy nhanh tiến độ.
Thống kê trên sàn từ ngày 26/12/2022 đến 27/1/2023, nhóm cổ phiếu xây dựng dân dụng như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), Xây dựng Coteccons (mã CTD) lần lượt tăng 14,1% và 21,4%.
Riêng đối với nhóm xây dựng hạ tầng, trong cùng thời gian, cổ phiếu Vinaconex (mã VCG) tăng 36,7%, Cienco4 (mã C4G) tăng 39,3%, Lizen (mã LCG) tăng 46,8%, Fecon (mã FCN) tăng 33,7% và Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV) tăng 59,1%.
Tuy nhiên, nếu tính cả 7 nhóm cổ phiếu xây dựng, nhóm cổ phiếu này tăng trung bình 35,9% so với cùng thời gian, chỉ số VN-Index tăng 13,4% và chỉ số VN30 tăng 14,5%.
Thực tế, nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng có xu hướng tăng mạnh hơn, đặc biệt là khi các liên doanh liên tục công bố việc trúng những dự án đầu tư công lớn như Dự án Sân bay quốc tế Long Thành, các dự án thành phần của Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam…
Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng đầu tư công sẽ bứt phá ngay từ đầu năm 2023. Theo ước tính của VNDirect, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng trưởng 20-25% so với cùng kỳ. Đơn vị này đánh giá cao triển vọng phát triển hạ tầng trong năm tới khi các vấn đề thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá vật liệu xây dựng cao hầu như đã được giải quyết.
Mới đây, 12 gói thầu đầu tiên tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II với tổng giá trị 52.280 tỷ đồng đã chính thức được khởi công từ ngày 1/1/2023. Bên cạnh đó, 13 gói thầu còn lại tại cao tốc Bắc-Nam giai đoạn II, đường Vành đai 3 (TP.HCM) và Vành đai 4 (Hà Nội) cũng dự kiến bắt đầu thi công trong nửa đầu năm 2023.
Về phía doanh nghiệp, VNDirect cho rằng, cơ hội giành được các gói thầu quy mô lớn sẽ thuộc về những đơn vị hàng đầu như Vinaconex, Hạ tầng Đèo Cả, Cienco 4. Trong đó, Vinaconex, Hạ tầng Đèo Cả và Cienco 4 đã được chỉ định tham gia tại 12/25 gói thầu đầu tiên của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II.
Ngay từ đầu năm nay, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II đã đồng loạt khởi công trên địa bàn 9 tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cà Mau. Ngoài ra, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải chọn làm điểm tổ chức chính và kết nối trực tuyến với các địa phương còn lại.
Có thể thấy, các nhà đầu tư trên thị trường đang kỳ vọng vào tương lai tươi sáng hơn đối với nhóm xây dựng hạ tầng trong năm 2023 khi Chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư công trọng điểm để kéo cả nền kinh tế tăng trưởng.