Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế thế giới, cùng với những vấn đề phát sinh trong nước và những tác động tiêu cực dài hạn của dịch Covid-19, khối doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, khó khăn về vốn, dòng tiền và thanh khoản là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay.
Trao đổi với Người Đưa tin về diễn biến thị trường vốn trong thời gian qua, TS Trần Công Phàn-Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV khẳng định vốn là một trong những yếu tố có vai trò rất quan trọng trong kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Vừa qua, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong câu chuyện tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thực tế, nếu không có vốn thì doanh nghiệp không thể hoạt động. Việc dòng vốn bị tắc nghẽn càng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, TS Trần Công Phàn chỉ ra.
Với các chính sách đã được Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đưa ra trong 3 tháng đầu năm 2023, ông Phàn đánh giá khó khăn về vốn đã có điều chỉnh bước đầu, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định.
Trước những khó khăn đó, TS Trần Công Phàn cho rằng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao, chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động, kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường; phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán, tiền tệ, tín dụng.
Với góc độ Hội Luật gia Việt Nam, TS Trần Công Phàn kiến nghị cần rà soát lại vốn vừa qua bị tắc nghẽn như vậy là vướng ở đâu? Nếu vướng do vấn đề thực thi thì phải nghiên cứu và chấn chỉnh tổ chức thực hiện lại cho đúng.
Nếu qua rà soát mà thấy vướng về chính sách, pháp luật thì báo cáo Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan liên quan xem xét xử lý.
“Nếu những vấn đề sửa đổi, bổ sung liên quan đến chính sách, pháp luật được đưa ra Quốc hội, với tư cách là ĐBQH tôi sẽ nghiên cứu và sẽ có ý kiến chính thức về những vấn đề đó”, ông Phàn chia sẻ.
Mục đích của việc rà soát các vấn đề như đã nêu ở trên là làm sao khắc phục được những khó khăn, khơi thông được dòng vốn và phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, TS Trần Công Phàn nhấn mạnh.
2 giải pháp tháo “ngòi nổ” trái phiếu doanh nghiệp
Tại Hội nghị tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững hồi tháng 2/2023 do Thủ tướng chủ trì, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng cần có sự vào cuộc của Chính phủ để xử lý vấn đề tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ông Cường, bên cạnh việc sửa Nghị định 65/2022 theo hướng gia hạn thêm thời gian thực hiện các điều kiện của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng như gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, Chính phủ nên cho phép thực hiện 2 giải pháp đặc biệt:
Thứ nhất, cho phép các doanh nghiệp phát hành thỏa thuận với người mua trái phiếu để chuyển các khoản nợ thành trái phiếu công trình có khả năng chuyển đổi thành các sản phẩm khi công trình hoàn thành, dưới hình thức như các nhà đầu tư được nhận sản phẩm theo mức giá trị đóng góp.
Thứ hai, một số dự án bất động sản quan trọng (về quy mô, tính chất loại hình bất động sản và vị trí dự án), nếu không được tài trợ vốn, các doanh nghiệp có nguy cơ sẽ bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong trường hợp này, Chính phủ cần phải can thiệp trực tiếp bằng phát hành trái phiếu Chính phủ mua lại các trái phiếu doanh nghiệp (với lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn để người dân sẽ yên tâm không bị rủi ro đối với tiền vốn đã mua trái phiếu doanh nghiệp).