Hơn một năm trước giữa đại dịch COVID, Beatriz Flamini, nữ vận động viên leo núi mạo hiểm người Tây Ban Nha quyết định chui vào hang và tự cách ly mình với thế giới. Tháng tư này, cô ấy vừa ra khỏi đó sau 500 ngày thì bất ngờ thấy thế giới đã trở lại bình thường.
Không còn quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang. Không còn nơi nào trên thế giới phải giãn cách xã hội. Chào đón Flamini quay lại mặt đất là một buổi họp báo trong căn phòng chật kín phóng viên.
Nữ vận động viên cho biết thực tại đó đã khiến cô hết sức bất ngờ. Đối với Flamini, thời gian như đã ngừng trôi vào cái ngày cô đi xuống hang động sâu 70 mét ở thị trấn Motril bên bờ Địa Trung Hải:
"Tôi cảm thấy mình vẫn mắc kẹt lại ngày 21 tháng 11 năm 2021".
500 ngày tự cô lập, không ánh sáng mặt trời, không giao tiếp xã hội
Câu chuyện bắt đầu từ một tuần trước ngày 21 tháng 11 năm 2021, thế giới ghi nhận thêm 3,6 triệu ca mắc COVID-19 và 51.000 ca tử vong. Mọi con số cùng biểu đồ vẫn đang trên đà tăng so với các ngày trước đó. Nhận thấy những dấu hiệu về đợt sóng dịch thứ ba sắp tới, Flamini đã quyết định tự cách ly mình với thế giới.
Kế hoạch đó đã được cô ấp ủ từ lâu. Một phần, Flamini muốn có một khoảng thời gian yên tĩnh để hoàn thành nốt cuốn sách mà mình đang viết dở. Phần còn lại, 500 ngày sống bên dưới một hang động cũng là cách mà Flamini thử thách giới hạn sự chịu đựng của bản thân, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Trong quá trình đó, cô cũng nhận lời giúp một nhóm nhà khoa học tại Đại học Granada tìm hiểu cách mà não bộ cảm nhận thời gian khi không có đồng hồ, không có ánh sáng mặt trời và không có tiếp xúc xã hội.
Thí nghiệm được thiết lập như sau: Flamini sẽ leo xuống dưới hang động một mình, chỉ với những dụng cụ sinh tồn cơ bản nhất như quần áo giữ nhiệt, đèn pin, túi ngủ. Phía bên trên miệng hang, có một nhóm tình nguyện viên sẽ hỗ trợ tiếp tế đồ ăn và nước uống cho cô.
Nhưng Flamini yêu cầu trong mọi trường hợp, không một ai được phép giao tiếp hay nói chuyện với cô. Ngay cả khi có một người thân trong gia đình qua đời, cô cũng từ chối nhận thông báo.
"Nếu đã đặt ra quy định không giao tiếp thì điều đó có nghĩa là không được giao tiếp trong mọi hoàn cảnh. Tất cả người thân đều biết và tôn trọng quyết định đó của tôi", Flamini nói. "Vì vậy, trong suốt một năm rưỡi, tôi đã không nói chuyện với bất kỳ một ai ngoài chính bản thân mình".
Ngoài những cuộc độc thoại diễn ra trong đầu, Flamini thường xuyên ghi lại hành trình của mình bằng hai chiếc GoPro đã bị ẩn tính năng đo thời gian. Chúng được gửi lên mặt đất và sạc pin trong những lần tiếp tế đồ ăn – diễn ra một cách ngẫu nhiên, không theo lịch trình nhất định.
Chất thải của Flamini được đưa lên qua con đường duy nhất đó – theo như cô nói, sau mỗi năm lần đi cầu tiêu. "Tôi để lễ vật của mình ở điểm tiếp tế, như thể dành cho các vị thần, và các vị thần sẽ ban xuống thức ăn cho tôi", Flamini cho biết.
Phía trên miệng hang, một đội cứu hộ gồm các tình nguyện viên, chuyên gia tâm lý và nhà nghiên cứu sẽ xem video của Flamini để đánh giá tình trạng sức khỏe của cô ấy.
Video là nguồn tư liệu quan trọng giúp theo dõi tâm sinh lý của Flamini trong khoảng thời gian cô lập. Nó cũng sẽ trở thành một phần trong bộ phim tài liệu mà hãng sản xuất Dokumalia dự kiến làm về chuyến hành trình độc đáo này của cô.
Trong trường hợp bất trắc, nhóm cứu hộ đưa cho Flamini một máy nhắn tin mà cô có thể dùng khi khẩn cấp. Còn lại, toàn bộ cuộc sống của cô ấy bên dưới hang động sâu 70 mét này là sự tách biệt, cô lập, trong im lặng.
Mất hết cảm giác về thời gian
Đối với hầu hết mọi người, thời gian là thứ có thể được cảm nhận một cách rất trực quan. Bạn tỉnh dậy khi trời lờ mờ sáng, đi làm khi kim ngắn đồng hồ chỉ vào số 8 và tan sở về nhà khi đồng hồ điện tử bên dưới màn hình nhảy về số 17:00.
Thời gian ấy được não bộ của bạn đánh dấu đều đặn bằng biểu kiến mặt trời, những vạch chia trên vòng đồng hồ và những con số mà bạn đã được học thuộc từ hồi tiểu học.
Thế nhưng, thời gian cũng có thể được cảm nhận một cách rất tương đối dựa trên hành động, cảm xúc và những thay đổi trong môi trường sống hàng ngày của bạn.
Có bao giờ bạn thấy một ngày cuối tuần của mình như dài ra khi bạn thức dậy sớm hơn, tham gia vào một buổi dã ngoại với gia đình hoặc bạn bè, trong đó có rất nhiều sự kiện mới lạ và thú vị.
Nhưng cũng là một ngày với 24 giờ, khi phải cắm mặt vào máy tính, làm những công việc đã lặp đi lặp lại trong cả tuần, bạn sẽ thấy thời gian của mình ngắn lại, nó trôi đi quá nhanh và vô nghĩa.
Các nhà khoa học gọi đó là thời gian cảm nhận được bằng trí nhớ.
Khi không sử dụng đồng hồ, não bộ của chúng ta sẽ ước lượng thời gian bằng chính số lượng ký ức mà bạn tạo ra. Càng hình thành nhiều ký ức trong một ngày hoặc một tuần, thậm chí một năm, chúng ta càng cảm thấy thời gian đã trôi qua dài hơn.
Chúng ta liên tục ghim những ký ức mới lên dòng thời gian của mình để đánh dấu nó. Khi những ký ức mới không hình thành, cảm giác về thời gian cũng từ đó mà biến mất.
Đây chính là những gì đã xảy ra với Flamini. Ở bên dưới hang động, cô đã sống trong một lịch trình hoàn toàn trống rỗng kéo dài đến tương lai của mình. Không có cuộc họp nào cần chuẩn bị, không có cuộc hẹn nào phải vội vàng và không có deadline nào phải hoàn tất.
Flamini đã sống một cuộc sống hoàn toàn dựa trên nhịp độ của bản thân. Cô ấy có thể ăn, ngủ và giải trí bất cứ khi nào cô ấy thích. Cô vẽ tranh, tập thể dục và ghi lại những trải nghiệm cá nhân của mình trong lúc rảnh.
Những mảnh ký ức này cùng với nhịp điệu giấc ngủ, cơn khát và quá trình tiêu hóa có thể giúp Flamini cảm nhận được thời gian trôi trong khoảng 2 tháng đầu tiên. Nhưng sau đó, bởi mọi thứ cứ lặp đi lặp lại ngắt quãng, không liên tục và không theo lịch trình, nó dần dần khiến cô mất dấu vết về ngày tháng.
"Vào khoảng ngày 60, tôi đã ngừng đếm vì mất hoàn toàn nhận thức về thời gian", Flamini nói.
Cuộc sống sau đó của cô hoàn toàn trôi dạt. Thỉnh thoảng, sẽ có một vài sự kiện nổi lên để đánh dấu một ký ức mới nào đó với Flamini. Chẳng hạn, cô kể về một đợt những con ruồi đã xâm chiếm hang động.
"Đó là một cuộc xâm lược của lũ ruồi. Chúng đã vào đây, đẻ ấu trùng và rồi sinh sôi nảy nở đến nỗi xung quanh tôi toàn ruồi là ruồi", Flamini nói. Cô không biết lũ ruồi đã ở cùng mình trong bao nhiêu ngày, chỉ biết đó đã là một thời kỳ khó khăn khiến cô muốn bỏ cuộc.
Đôi lúc, Flamini còn gặp những ảo giác âm thanh, và cả ảo giác hình ảnh khi cô thấy những món ăn yêu thích như gà nướng và khoai tây bay xung quanh tầm nhìn của mình. Những lúc đó, Flamini đã phải tự trấn an bản thân:
"Mình đã ở nơi mà mình muốn đến, vì vậy, mình phải cống hiến hết mình cho thử thách này. Mình phải tập trung. Nếu mình mất tập trung, mình sẽ bị trẹo mắt cá chân. Mình sẽ bị thương. Mọi chuyện sẽ kết thúc và mọi người sẽ đưa mình ra ngoài. Và mình thì không muốn điều đó".
Đã hết 500 ngày nhưng ngỡ như mới chỉ 160 ngày trôi qua
Thí nghiệm của Flamini kết thúc vào ngày 14 tháng 4 năm 2023. Sau khi cô đã hoàn thành 500 ngày tự cô lập bản thân mình, một đội cứu hộ đã xuống hang động và đón cô ấy trở lại mặt đất.
Flamini nhớ rằng lúc đó cô đang ngủ: "Tôi nghĩ đã có trục trặc nào đó xảy ra. Rồi tôi nói "Ủa, kết thúc rồi ư? Không đời nào, tôi còn chưa viết xong cuốn sách của mình mà". Tại thời điểm đó, Flamini nghĩ rằng cô mới chỉ đi được khoảng một phần ba quãng đường, nghĩa là khoảng 160-170 ngày.
Thế nhưng, đội cứu hộ thông báo cho cô thử thách đã hoàn thành. Họ đã hộ tống cô tới lều kiểm tra y tế, nơi các bác sĩ xác nhận sức khỏe và tinh thần của Flamini đã ổn định để có thể tham gia vào cuộc họp báo kéo dài 50 phút sau đó.
Khán phòng chật kín phóng viên, tất cả đều được yêu cầu đeo khẩu trang để phòng bệnh cho Flamini. Nhưng điều đó khiến cô nhầm tưởng COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và bất ngờ khi biết đại dịch đã được kiểm soát.
Các phóng viên cũng cho Flamini biết nhiều thông tin thời sự mà cô đã bỏ lỡ, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine, sự kiện Taliban tiếp quản Afghanistan và cái chết của nữ hoàng Elizabeth II.
Đến phần mình, họ hỏi về cuộc sống của Flamini bên dưới hang động như thế nào?
"Tôi đã không nói chuyện trong suốt một năm rưỡi, và cảm thấy có đôi chút khó khăn khi trả lời", Flamini nói. Nhưng sau đó, cô lần lượt kể về quãng thời gian của mình, mô tả trải nghiệm đó với hai từ "tuyệt vời" và "không thể đánh bại". "Thực ra tôi còn chẳng muốn ra ngoài", Flamini nói.
Trên thực tế, Flamini không phải người đầu tiên thực hiện các thử thách tự cách ly dài ngày để cảm thấy thời gian biến mất. Những kinh nghiệm tương tự đã được báo cáo bởi nhà khoa học người Pháp Michel Siffre - trong các chuyến thám hiểm hang động kéo dài từ hai đến sáu tháng mà ông thực hiện từ thập niên 1960.
Năm 1987, một người Ý tên là Maurizio Montalbini đã lập kỷ lục thế giới sau khi sống 210 ngày bên trong một hang động. Năm 2016, một người đàn ông ở Serbia thậm chí đã dành hơn 460 ngày để sống dưới lòng đất.
Tuy nhiên, với con số 500 ngày, Flamini bây giờ đang đứng trước cơ hội phá vỡ kỷ lục thế giới về thời gian ở trong hang động lâu nhất, dưới điều kiện giám sát của một thí nghiệm khoa học.
Trước đó vào năm 2010, Sách kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận hạng mục "thời gian sống sót lâu nhất khi bị mắc kẹt bên dưới lòng đất" cho 33 thợ mỏ người Chile và Bolivia, những người đã trải qua 69 ngày khổ sở bên dưới độ sâu tương đương 70 mét.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết những con số chênh lệch này nhấn mạnh sự khác biệt trong tính chất giữa hai loại sự kiện. Một bên, những người như Flamini có động lực để hoàn thành kỷ lục của mình. Phía còn lại, những người bị mắc kẹt chỉ có khao khát duy nhất là thoát ra ngoài.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh cũng đã có vô số trẻ em và người lớn phải trải qua thời gian dài bị cô lập trong những boong-ke hạt nhân. Họ cũng báo cáo hiện tượng mất cảm giác về thời gian.
Hiện tượng tương tự được ghi nhận trên những tù nhân đang thụ án. Thậm chí, nhiều người trong những đợt giãn cách xã hội vì COVID-19 cũng trải nghiệm cảm giác thời gian biến mất.
Vì vậy, trong khi hang động, boong-ke hạt nhân, nhà tù và đại dịch toàn cầu có chung đặc điểm, chúng cô lập chúng ta khỏi thế giới rộng lớn hơn, tâm thế của những người ở trong đó sẽ ảnh hưởng đến cách mà họ kiểm soát thời gian cảm nhận được.
Trái với những người thụ án tù thường báo cáo việc theo dõi thời gian là nỗi ám ảnh, Flamini nói cô đã chủ động buông bỏ việc đếm thời gian từ tháng thứ hai. Điều đó đem lại cho cô sự thoải mái và tự do cần thiết để hoàn thành cuốn sách.
Bây giờ, các dữ liệu về hành trình 500 ngày bên dưới lòng đất của Flamini đang được cô tổng hợp lại. Chúng sẽ được gửi tới các nhà khoa học ở Đại học Granada để giúp họ tìm hiểu cách mà não bộ con người cảm nhận thời gian.
Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Almería cũng có kế hoạch sử dụng thí nghiệm của Flamini để nghiên cứu sự ảnh hưởng của điều kiện sống cô lập tới thần kinh và tâm sinh lý con người.
Trong khi đó, Kronohealth, một công ty nghiên cứu sản phẩm công nghệ hỗ trợ giấc ngủ cũng muốn phân tích quá trình nghỉ ngơi của Flamini, để hiểu cách đồng hồ sinh học tự thân định nghĩa thời gian ngủ của cơ thể như thế nào?
Về phần mình, Flamini cho biết cô sẽ tiếp tục lên kế hoạch cho những dự án thú vị mới của mình, liên quan đến leo núi và khám phá hang động. Nhưng đó sẽ là câu chuyện sau khi cô kết thúc cuộc họp báo và đi tắm.
"Nếu các bạn cho phép, tôi cần phải đi tắm cái đã", Flamini nói. "Tôi đã không chạm vào nước trong một năm rưỡi rồi. Hãy cho tôi đi tắm, rồi tôi sẽ gặp lại các bạn. Mọi người đồng ý chứ?".
Tham khảo Theconversation, BBC, Theguadian, AP, Smithsonianmag