Những lời thăm hỏi ân cần của cô khiến chúng tôi ấm lòng giữa mùa đông xứ Bắc Âu, sau chuyến tàu dài gần 6 tiếng từ Stockholm. Dù qua Đan Mạch định cư khi mới 5 tuổi, người phụ nữ gốc quận 4 (TP.HCM) vẫn nói trôi chảy tiếng Việt với chất giọng đặc sệt Sài Gòn.
Quá khứ huy hoàng
Năm 1979, Lê Yến Hoàng Anh (Anh Lê) và ba anh em trai cùng ba mẹ di cư đến Đan Mạch. Họ định cư tại một ngôi làng ở thị trấn Aalborg, phía bắc bán đảo Jutland.
Ba mẹ cô ban đầu mở một nhà hàng Việt nhưng không thành công do ẩm thực Việt vẫn còn xa lạ với người Đan Mạch lúc đó. Năm 1985, gia đình mở cửa hàng grillbar phục vụ các món hotdog, burger, và khoai tây chiên kiểu Pháp (French fries).
Dù ẩm thực Việt vẫn chưa được biết đến nhiều ở Scandavinia những năm đầu thế kỷ 21, nhưng gia đình Anh Lê vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội.
Khi trưởng thành, Anh Lê đi du lịch vòng quanh thế giới, tìm cảm hứng về văn hóa thức ăn đường phố của thành phố Los Angeles (Mỹ), trở về Việt Nam trong hai năm, sống ở Pháp một thời gian, và làm tiếp viên hàng không ở Thụy Sĩ.
Đi nhiều nơi và trải nghiệm nhiều văn hóa ẩm thực khác nhau, nhưng đối với Anh Lê, ẩm thực Việt vẫn là số 1. Sau đó Anh Lê quay về Copenhagen và mở nhà hàng đầu tiên để người Đan Mạch được thưởng thức ẩm thực Việt.
"Giấc mơ tạo ra sự khác biệt với tư cách là một phụ nữ Việt Nam ở Đan Mạch thông qua ẩm thực dẫn đường cho tôi khởi nghiệp vào năm 2003" - cô nhớ lại.
Mở nhà hàng nhỏ Việt đầu tiên với biển hiệu bằng tiếng Việt ở ngã tư Vesterbrogade, gần Viện Bảo tàng quốc gia Đan Mạch, nơi Anh Lê bắt đầu giới thiệu với người Đan Mạch món nước mắm và ẩm thực nhiều rau đặc trưng của Việt Nam.
"Nước mắm có mùi và người Đan Mạch không quen ăn các món nhiều rau đâu", nhiều người cảnh báo nhưng vẫn không ngăn nổi quyết tâm của cô gái trẻ. Mỗi ngày tại nhà hàng, cô đều kiên nhẫn thuyết phục khách hàng vì sao nên ăn nước mắm cũng như ăn rau rất tốt cho sức khỏe. Thành công đã đến nhờ kiên trì.
Nhà hàng đầu tiên nhanh chóng trở nên nổi tiếng với hàng dài thực khách xếp hàng dưới đường. Ba năm sau đó, gia đình mở cửa hàng LêLê với không gian rộng lớn hơn cách đó khoảng 100m. Chỉ trong vài năm, gia đình LêLê đã khiến người Đan Mạch quen dần với ẩm thực Việt.
Từ một nhà hàng quy mô gia đình nhỏ, gia đình LêLê đã mở thêm nhiều nhà hàng, xe tải thực phẩm, các gian hàng lễ hội, sản xuất nhiều sách nấu ăn, dịch vụ tiệc...
Trong vài thập niên qua, Anh Lê được xem là người giới thiệu ẩm thực Việt ở Đan Mạch thông qua sách nấu ăn và chuỗi nhà hàng LêLê, giới thiệu các kỹ thuật và hương vị ẩm thực Việt kết hợp với các nguyên liệu Đan Mạch.
Thông qua ẩm thực, Anh Lê thường xuyên tiếp xúc với Hoàng gia Đan Mạch, các chính trị gia và những người nổi tiếng. Phần lớn những vị khách nước ngoài khi sang thăm Copenhagen đều được giới thiệu đến chuỗi nhà hàng của cô.
Anh Lê còn là một trong những người Việt ưu tú đại diện cộng đồng người Việt ở Đan Mạch tham gia những buổi gặp giữa các lãnh đạo cấp cao Việt Nam và kiều bào ở nước sở tại. Cô nổi tiếng đến mức được bầu chọn là 100 phụ nữ quyền lực nhất Đan Mạch vào năm 2012.
Biến cố lớn
Cuộc đời may rủi đâu có ai ngờ. Huy hoàng một thời rồi cũng có thể có những lúc đi qua những cửa ải nghiệt ngã nhất cuộc đời và Anh Lê cũng vậy. Chuyên gia ẩm thực Anh Lê của hiện tại là một phụ nữ bình thường như bao người khác sau khi anh em cô trải qua một biến cố lớn.
Trước đại dịch COVID-19, lúc chuỗi nhà hàng LêLê đang ở thời kỳ đỉnh cao với hơn 200 nhân viên, gia đình cô quyết định thuê một quản lý người Đan Mạch với kỳ vọng đưa chuỗi nhà hàng lên một tầm cao mới. Đổi lại, họ đồng ý chia cho người quản lý 10% doanh thu.
Do quá tin người, gia đình LêLê giao cho ông ta toàn quyền quản lý. Tuy nhiên, vị quản lý không những quản lý tệ mà còn rút tiền từ tài khoản ngân hàng của công ty để đi du lịch và tiệc tùng. Ông ta cũng không trả thuế của công ty, nên cơ quan thuế của Đan Mạch tuyên bố chuỗi nhà hàng LêLê phá sản.
Sau đó, một nhà đầu tư mua lại chuỗi nhà hàng. Tuy nhiên, người chủ này cũng như nhiều doanh nhân khác muốn giảm thiểu chi phí và tăng lợi nhuận.
Họ quên rằng để kiếm tiền thì cần một thương hiệu tốt nhưng để duy trì một thương hiệu tốt thì cần có đam mê, thức ăn ngon, quan hệ tốt với khách hàng, và sự kiên nhẫn. Do đó, người chủ mới không thành công và thương hiệu nhà hàng LêLê biến mất kể từ đó.
"Người Việt Nam có ý chí mạnh mẽ để trỗi dậy" - cô kể với chúng tôi về quyết tâm vực dậy nghề nhà hàng của gia đình.
Sau biến cố lớn, bốn anh em trong gia đình không còn làm chung chuỗi nhà hàng LêLê như trước mà đi theo hướng riêng. Anh trai Dũng Lê của cô mở nhà hàng Brasserie Sài Gòn (ẩm thực Việt kết hợp với ẩm thực Pháp), em trai Lâm Lê mở nhà hàng Chợ Lớn với nhiều món thuần Việt hơn.
Anh Sơn Lê - một người em trai khác của cô - vừa theo nghề chính là họa sĩ thiết kế vừa hỗ trợ công việc cho Brasserie Sài Gòn và Chợ Lớn. Bốn anh em đùm bọc, yêu thương nhau.
Trong hai đêm chúng tôi lưu lại ở Copenhagen, Anh Lê đã mời chúng tôi lần lượt ghé Brasserie Sài Gòn và Chợ Lớn, đều ở khu vực trung tâm Copenhagen. Tại Brasserie Sài Gòn, Anh Lê tiếp đãi món đầu tiên là hàu sống dùng với rượu vang trắng Pháp. Điểm "thuần Việt" của món này là "chấm nước mắm gừng thay vì mù tạt". Sau đó là các món ăn quen thuộc của Việt Nam như bò kho, bánh tráng với cá hấp và rau sống.
"Tôi tự hào và hạnh phúc vì nhà hàng này chính là hiện thực hóa ước mơ kể từ năm 1995 của anh trai, đồng thời giới thiệu ẩm thực Việt kết hợp một chút ẩm thực Pháp cho người Đan Mạch" - cô chia sẻ về anh trai Dũng Lê.
Một trong những điểm đặc biệt của Brasserie Sài Gòn là các đầu bếp đều là người nước ngoài. Trong đó có bốn đầu bếp là người Latvia (cả bếp trưởng), nấu thành thục món Việt. Có ba người phụ bếp người Ukraine, trong khi các nhân viên phục vụ gồm nhiều quốc tịch như Đan Mạch, Pháp và Philippines.
Cách Brasserie Sài Gòn không xa là nhà hàng Chợ Lớn của anh Lâm Lê. Khi chúng tôi đến, nhà hàng khá đông khách địa phương. Anh dẫn chúng tôi dạo quanh nhà hàng, chỉ cho xem bức hình trắng đen của gia đình lúc mới di cư qua Đan Mạch.
Nhà hàng Chợ Lớn trông đậm chất Việt Nam hơn Brasserie Sài Gòn, nhờ trưng bày nhiều bức ảnh Sài Gòn xưa và một gian hàng dành riêng cho các túi gia vị đặc trưng của Việt Nam. Đặc biệt, ở đây còn phục vụ món phở Việt Nam, được nhiều thực khách gần xa yêu thích.
Ở Chợ Lớn, ba anh em Anh Lê, Sơn Lê, Lâm Lê kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về văn hóa Scandinavia, ẩm thực Việt, những câu chuyện cười khi ở Việt Nam. Mọi người cùng cụng ly dzô dzô 100%, có lẽ chưa bao giờ gia đình LêLê có dịp nói tiếng Việt nhiều như dịp này...
Vươn lên từ thất bại
Trải qua những thăng trầm cuộc đời, Anh Lê quyết định bắt đầu lại bằng việc mở một cửa hàng takeaway (đồ ăn mang đi) các món ăn Việt Nam ở thủ đô Copenhagen. Cô hào hứng khoe đã xin được giấy phép và đang trong quá trình trang trí cửa tiệm.
"Tôi chọn mở takeaway thay vì một nhà hàng lớn, sang trọng vì tôi muốn làm việc ít hơn, dành thời gian để tận hưởng những điều nhỏ bé trong cuộc sống" - Anh Lê bộc bạch. "Bây giờ tôi thấy hạnh phúc hơn khi không nổi tiếng".
Chia sẻ về dự định tương lai, cô cho biết muốn về Việt Nam sinh sống sau khi cậu con trai duy nhất của cô tròn 18 tuổi. "Việt Nam luôn trong trái tim tôi. Tuy không rành tiếng Việt nhưng tôi yêu Việt Nam rất nhiều" - cô xúc động chia sẻ.
Khi rơi vào tình trạng chán chường do "mất hết tất cả", mẹ nấu cho cô món bò kho. Do quá mệt mỏi, cô không thấy ngon miệng. "Khi thấy tôi ăn không ngon, mẹ tôi có khuyên tôi rằng con đừng nhìn về quá khứ với nỗi buồn, mà hãy nhìn về tương lai với hy vọng".
Ba mẹ luôn mở rộng vòng tay với con cái không chỉ khi những đứa con thành công mà cả khi họ thất bại. Anh Lê cho biết khi còn trẻ cô nghĩ mình là một người Đan Mạch, nhưng khi trải qua biến cố lớn và nhận được tình thương của gia đình, cô nhận ra mình là "người Việt chánh hiệu".
Ba cô, từng là chủ nhiều vườn cây ở Sông Bé, luôn đồng hành cùng cô mọi lúc buồn vui. Ông giúp cô xây dựng một khu vườn trong sân nhà ở thành phố Frederiksberg và xây các bậc thang bên ngoài cho nhiều nhà hàng tại Copenhagen.
Năm ngoái, cô hỏi ba có muốn cùng tham gia dự án xây vườn đô thị không, người cha già nhìn cô cười nói: "Ba đã già rồi nhưng ba rất thích ngắm nhìn con làm vườn".
Câu nói của ba khiến cô hạnh phúc vì cô cảm thấy gia đình luôn đồng hành và cô vẫn là bé gái nhỏ của ba mẹ, những người Việt nhập cư nỗ lực lao động vất vả để nuôi nấng bốn người con trưởng thành.
Có lẽ bây giờ họ cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện vì bốn người con đã trên dưới 50 tuổi luôn hướng về cội nguồn, vẫn nói trôi chảy tiếng Việt với chất giọng Sài Gòn, vẫn không từ bỏ giấc mơ giới thiệu ẩm thực Việt cho Đan Mạch và xứ Scandinavia, bất chấp những thăng trầm của cuộc đời.
Lan tỏa ẩm thực Việt ở Scandinavia
Không chỉ kinh doanh nhà hàng, Anh Lê còn làm host nhiều chương trình về văn hóa ẩm thực và đầu bếp của chương trình TV show nổi tiếng nhất Đan Mạch "Go' Morgen Danmark".
Ngoài ra, chương trình truyền hình "Spis Vietnam - ăn kiểu Việt Nam" do cô thực hiện phát sóng tại Đan Mạch được công chúng đón nhận nồng nhiệt vì đã phác họa rõ nét những tinh hoa ẩm thực Việt Nam, từ những món bình dân cho đến các món ăn cung đình.
Tiếp nối thành công ở xứ sở những chú lính chì, chương trình được phát sóng lại tại các quốc gia Bắc Âu khác như Na Uy, Phần Lan, và Iceland, qua đó làm lan tỏa hơn ẩm thực Việt ở xứ Scandinavia.
Ngoài ra, Anh Lê còn viết sáu cuốn sách nấu ăn giới thiệu những món ăn mà cô tích lũy và sáng tạo, trong đó có quyển sách viết với công chúa Đan Mạch.
Về Việt Nam để hiểu cội nguồn
Do vất vả mưu sinh ở xứ người, ba mẹ của Anh Lê không có thời gian dạy các con nhiều về quê hương, nên đã yêu cầu các con phải về Việt Nam sinh sống một thời gian để hiểu thêm về nguồn cội.
Năm 1995, khi tròn 22 tuổi, Anh Lê về Việt Nam trong ba tháng nhưng cô quyết định ở đến hai năm vì thích quá. Trong thời gian ở Việt Nam, cô bắt đầu khám phá thêm về sự phong phú và tiềm năng của ẩm thực Việt, nhất là thức ăn đường phố.
Cô mê nhiều món như bánh canh, canh bún, bún bò Huế, chè chuối... trong đó món ăn yêu thích của cô là bún bò huế bán trên đường Võ Thị Sáu (quận 3).
"Chợ Bến Thành chính là trường dạy nấu ăn của em" - Anh Lê từng kể với một tờ báo. Hai năm trải nghiệm ẩm thực mọi miền ở Việt Nam cung cấp cho Anh Lê một kho kiến thức đồ sộ trong hành trình giới thiệu ẩm thực với người Đan Mạch sau này.
Năm 2014, Anh Lê được mời tham gia bộ ba đầu bếp quyền lực cùng với Robert Danhi và Alain Nguyễn trong chương trình thực tế ẩm thực Đầu bếp đỉnh - Top Chef Vietnam ở quê hương.
Không chỉ Anh Lê, ba anh em trai cũng thường xuyên quay về Việt Nam mỗi khi có dịp.
Riêng em út Lâm Lê từng có thời gian làm việc cho cơ quan ngoại giao Đan Mạch ở TP.HCM.
Nhà hàng Anan Saigon ở TP.HCM vừa trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 50 nhà hàng tốt nhất châu Á tại lễ trao giải Asia's 50 Best Restaurants 2023 ở Singapore vào cuối tháng 3.
Xem thêm: mth.22160810103403202-hcam-nad-o-elel-gnah-ahn-iouhc-mart-gnaht/nv.ertiout