Chuyến thăm Mỹ bốn ngày của Tổng thống Ferdinand Marcos là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Philippines trong hơn 10 năm qua. Biển Đông dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Marcos khi ông đến Mỹ ngày 1-5.
Đây cũng là cuộc gặp mới nhất trong một loạt các cuộc gặp cấp cao mà Philippines đã tổ chức với các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Củng cố liên minh Mỹ - Philippines
Ngày 30-4, trước thềm chuyến đi, tổng thống Philippines tiết lộ ông sẽ chuyển tới Tổng thống Mỹ Joe Biden thông điệp quyết tâm củng cố "mối quan hệ bền chặt hơn nữa" với Washington để giải quyết các thách thức thời đại.
"Chúng tôi sẽ tái khẳng định cam kết thúc đẩy liên minh lâu đời giữa hai nước như một công cụ hòa bình và là chất xúc tác cho sự phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như đối với phần còn lại của thế giới", Tổng thống Marcos nhấn mạnh.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden tiết lộ Mỹ và Philippines dự kiến sẽ đạt được các thỏa thuận kinh doanh lớn hơn, cũng như "cải tiến quân sự" trong bối cảnh có những lo ngại chung về Trung Quốc.
"Chúng tôi không tìm cách khiêu khích, mà là cung cấp sự hỗ trợ cả về mặt tinh thần và thực tế cho Philippines khi họ cố gắng tìm hướng đi ở khu vực Tây Thái Bình Dương phức tạp. Vị trí địa lý của họ rất quan trọng", vị này nói thêm với Hãng tin Reuters.
Thảo luận tuần tra chung trên Biển Đông
Chuyến đi của ông Marcos diễn ra sau khi Philippines cáo buộc hải cảnh Trung Quốc thực hiện "các hành động nguy hiểm" và "chiến thuật gây hấn" ở Biển Đông.
Cuộc đối đầu trên biển giữa hai nước xảy ra bất chấp chuyến thăm Manila vào cuối tuần này của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương.
Trong tuyên bố ngày 29-4, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc là "quấy rối" đồng thời khẳng định sát cánh cùng Philippines.
Trao đổi với Reuters, quan chức cấp cao Mỹ nói trên tiết lộ Washington đang có kế hoạch tăng cường đối thoại ba bên với Nhật Bản và Philippines về an ninh khu vực.
Dự kiến Tổng thống Marcos sẽ có các cuộc thảo luận tại Lầu Năm Góc về tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông và các vùng biển khác.
"Chúng tôi đã và sẽ tăng cường các cuộc thảo luận an ninh khu vực rộng lớn hơn với Philippines về tất cả các vấn đề ở Biển Đông và các nơi khác" quan chức này khẳng định.
Philippines và Mỹ đã nhanh chóng đẩy mạnh các cam kết phòng thủ, bao gồm các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và để Mỹ mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ của Philippines trong thời gian gần đây. Trung Quốc đã phản đối thỏa thuận về căn cứ.
Theo giới quan sát quân sự, Mỹ coi Philippines là một địa điểm tiềm năng để triển khai tên lửa, tên lửa và hệ thống pháo binh để ngăn chặn các nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 4 rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng "còn quá sớm" để thảo luận về những khí tài mà Mỹ muốn đặt tại các căn cứ ở Philippines.
Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ vừa hội kiến những người đồng cấp của Philippines là các ông Enrique Manalo và Carlito Galvez trong cuộc gặp 2+2 lần thứ ba giữa Mỹ và Philippines tại thủ đô Washington, Mỹ.
Xem thêm: mth.20101036103403202-gnod-neib-nert-ym-gnuc-art-naut-neyuhc-nab-senippilihp-gnoht-gnot/nv.ertiout