Ngày 30.4, ông Nguyễn Bá Vụ, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Ea Kar - M'Đrắk (Đắk Lắk), xác nhận đã ký văn bản trả lời các cơ quan báo chí liên quan đến tình hình quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, thu hồi khoáng sản của Công ty CP Quốc tế Sông Hồng (gọi tắt Công ty Sông Hồng, trụ sở tại Hà Nội).
Trong văn bản, ông Vụ cho biết qua rà soát đến ngày 18.4, Công ty Sông Hồng chưa thực hiện kê khai, nộp thuế cho tỉnh Đắk Lắk; chưa đăng ký thuế tại Đắk Lắk để thực hiện xuất bán cát, xuất hóa đơn.
Dù vậy, qua kiểm tra, Chi cục Thuế Ea Kar - M'Đrắk phát hiện Công ty Sông Hồng đã xuất 1 hóa đơn bán hàng (cát vàng xây dựng) vào ngày 13.2.2023, bán ra 1.000 m³ cát, với số tiền bán hàng hơn 222 triệu đồng.
Theo Chi cục Thuế Ea Kar - M'Đrắk, đơn vị đã 2 lần gửi giấy mời Giám đốc Công ty Sông Hồng đến để cung cấp hồ sơ, thực hiện kê khai nộp thuế đối với sản lượng cát khai thác trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay Công ty Sông Hồng vẫn không cử người đến làm việc hoặc gửi văn bản, liên hệ với Chi cục Thuế Ea Kar - M'Đrắk.
Chi cục Thuế Ea Kar - M'Đrắk nhận định, về nguyên tắc, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường (BVMT) phải nộp tại nơi khai thác, cụ thể tại Kho bạc Nhà nước H.Ea Kar. Tuy nhiên, Công ty Sông Hồng lại kê khai thuế tài nguyên và phí BVMT tại Chi cục Thuế Q.Ba Đình (cơ quan thuế quản lý trụ sở chính) với sản lượng tài nguyên tính thuế là 1.000 m³ cát.
Do đó, Chi cục Thuế Ea Kar - M'Đrắk đã ban hành các công văn yêu cầu Công ty Sông Hồng thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản; gửi công văn đến Chi cục Thuế Q.Ba Đình - Cục Thuế TP.Hà Nội về việc phối hợp quản lý thu thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Sông Hồng.
Ngoài ra, Chi cục Thuế Ea Kar - M'Đrắk cũng đề nghị Công ty Sông Hồng gửi báo cáo, cung cấp số liệu khoáng sản qua trạm cân, camera giám sát gửi về Đội kiểm tra thuế của Chi cục Thuế Ea Kar - M'Đrắk để giám sát.
Trong khi đó, liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong hoạt động khai thác và bán cát trên, ông Nguyễn Đức Toản, đại diện Công ty Sông Hồng tại Đắk Lắk, cho rằng: "Doanh nghiệp đã kê khai, đóng thuế tài nguyên, được cấp quyền (khai thác - NV) và bán, UBND huyện hoặc Sở TN-MT đã xuống đo đạc khối lượng. Mọi thứ chúng tôi làm đều hợp pháp, thời buổi này không ai dám làm sai".
Ngành chức năng "chưa nắm rõ"
Như Thanh Niên đã phản ánh, năm 2021, Công ty Sông Hồng được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận cho thực hiện dự án nạo vét, thu hồi cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại thượng lưu hồ thủy điện Krông H'Năng, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Ea Kar và M'Đrắk. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, diện tích nạo vét 313 ha, khối lượng dự kiến nạo vét khoảng 6,5 triệu m3 gồm đất, đá, cát, sỏi…
Công ty Sông Hồng dự kiến sẽ vận chuyển khoảng 400.000 m3 sản phẩm nạo vét mỗi năm. Trong đó, riêng năm 2022, Công ty Sông Hồng được UBND tỉnh Đắk Lắk xác nhận khối lượng cát dự kiến thu hồi tại dự án khoảng 200.000 m3.
Thời gian qua, Công ty Sông Hồng thực hiện dự án nạo vét lòng hồ thủy điện Krông H'Năng nhưng chỉ hút toàn cát. Đặc biệt, công ty này còn tự ý lấn chiếm đất rừng đặc dụng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (H.Ea Kar) để lập bãi tập kết cát trái phép với khối lượng hơn 32.000 m3. Sau khi bị UBND H.Ea Kar xử phạt 150 triệu đồng, đến nay Công ty Sông Hồng vẫn chưa di dời xong bãi cát lậu và xin gia hạn tới ngày 25.5.
Làm việc với các cơ quan báo chí, ông Hoàng Văn San, Phó giám đốc Sở TN-MT Đắk Lắk, cho biết Công ty Sông Hồng là đơn vị được giao thực hiện việc nạo vét và được phép tận thu cát theo giấy phép. Tuy nhiên, ông San lại cho rằng "chưa nắm rõ" việc Công ty Sông Hồng có được bán cát sau khi tận thu ra thị trường hay không; Sở TN-MT và các ngành liên quan đã thẩm định, đo đạc khối lượng cát tận thu tại dự án của công ty hay chưa…