Sáng 1-4, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đối đáp lại ý kiến bào chữa của các luật sư và bị cáo. Theo đó, đại diện viện kiểm sát đối đáp với các luật sư theo 8 nhóm vấn đề.
Không sử dụng định giá của Công ty Hoàng Quân để xác định thiệt hại
Thứ nhất là nhóm vấn đề liên quan đến việc đánh giá thiệt hại. Tại tòa, một số luật sư cho rằng cần trưng cầu định giá theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo viện kiểm sát, căn cứ vào kết quả phiên tòa cho thấy hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan là xuyên suốt.
Bà Lan sử dụng SCB là công cụ tài chính để phục vụ mục đích của mình. Bất cứ khi nào cần tiền thì thông báo số tiền cần sử dụng để nhân viên rút ra từ ngân hàng.
Bà Trương Mỹ Lan đưa tài sản đảm bảo chỉ là phương thức, thủ đoạn để bị cáo rút tiền của SCB, tài sản đảm bảo có thể rút ra hoặc hoán đổi bất cứ khi nào.
Theo viện kiểm sát, thiệt hại của vụ án không chỉ được xác định bằng cách trưng cầu định giá trong tố tụng hình sự mà còn có thể áp dụng các biện pháp khác để xác định hậu quả.
Kết quả điều tra đã xác định hậu quả do bị cáo Trương Mỹ Lan gây ra là 677.000 tỉ đồng. Trong đó, thiệt hại là dư nợ gốc hơn 400.000 tỉ và lãi, phí phát sinh từ dư nợ gốc là khoảng 498.000 tỉ đồng.
Viện kiểm sát cho rằng việc quy kết trách nhiệm hình sự dựa trên thiệt hại là dư nợ gốc, còn thiệt hại về lãi suất, phí... được xác định là thiệt hại do vi phạm quy định cho vay và buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm dân sự.
Viện kiểm sát khẳng định không căn cứ vào kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân để xác định hậu quả vụ án, mà căn cứ vào các biện pháp điều tra khác.
Đối với ý kiến ngân hàng có thể miễn lãi nên không thể buộc các bị cáo chịu trách nhiệm về lãi, phí, viện kiểm sát cho rằng nếu theo quy trình hoạt động ngân hàng thông thường (huy động tiền của người dân, cho doanh nghiệp vay) thì ngân hàng phải trả lãi cho người dân.
SCB phải sử dụng khoản vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước để trả cho người dân
Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan đã lợi dụng SCB để không phải trả lãi và gốc. Đến nay, SCB phải sử dụng những khoản vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước để trả cho người dân, SCB phải gánh chịu những khoản nợ đặc biệt và trả lãi cho Ngân hàng Nhà nước nên xác định các khoản lãi, phí là thiệt hại của SCB là hợp lý.
Thứ hai về áp dụng pháp luật để xác định tội danh, viện kiểm sát cho rằng xét về bản chất, từ 1-1-2012 đến khi cơ quan điều tra khởi tố, hành vi của bà Trương Mỹ Lan vẫn là chiếm đoạt của SCB thông qua vi phạm quy định ngân hàng.
Đối với tội tham ô tài sản, viện kiểm sát cho rằng pháp luật quy định tội tham ô tài sản áp dụng với các tổ chức doanh nghiệp ngoài nhà nước từ 0h ngày 1-1-2018, nên hành vi của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã cấu thành tội tham ô.
Về ý kiến cho rằng bà Trương Mỹ Lan bị truy tố tội tham ô, còn các bị cáo khác thì bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay, viện kiểm sát cho rằng kết quả điều tra xác định bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tố tụng đã phân hóa vai trò của các đối tượng. Những bị cáo có chức vụ, quyền hạn tại Vạn Thịnh Phát, SCB đã có hành vi tiếp nhận trực tiếp ý chí của bà Trương Mỹ Lan, giúp bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo ở nhóm dưới về ý thức không biết mình giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan nên không đánh giá đây là đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan về tội tham ô tài sản, nên viện kiểm sát truy tố tội vi phạm quy định cho vay.
Bà Trương Mỹ Lan chi phối hoạt động của SCB
Thứ ba là nhóm vấn đề liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan. Về tội danh tham ô tài sản, một số luật sư cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan không phải là chủ thể nên không phạm tội tham ô tài sản.
Viện kiểm sát cho rằng bà Trương Mỹ Lan không phải là thành viên hội đồng quản trị. Tuy nhiên, nhận định đánh giá mà luật sư đưa ra là không đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, kết quả điều tra, kết quả thẩm tra tại phiên tòa. Bà Trương Mỹ Lan có quyền hạn chi phối hoạt động tại SCB.
Tài liệu điều tra đã thể hiện bà Trương Mỹ Lan đã chi phối, có quyền quyết định đối với số cổ phần bị cáo nắm giữ tới 91% cổ phần SCB.
Thể hiện qua bảng kê cổ đông do Tạ Chiêu Trung lập và lời khai của bị cáo này thể hiện bà Trương Mỹ Lan giao cho bị cáo theo dõi cổ phần của SCB, mọi biến động cổ phần SCB đều được sự chỉ đạo của bà Lan.
Năm 2022, 2 cựu lãnh đạo Vạn Thịnh Phát đã giao nộp cho cơ quan điều tra 6 sổ gốc chứng nhận cổ phần... Bà Lan cũng khai nhận bà đã vận động người thân, bạn bè mua cổ phần của SCB và luôn nắm quyền chi phối cao nhất. Ngoài ra việc này còn được thể hiện qua lời khai của các bị cáo khác.
Đến nay, bà Trương Mỹ Lan và 26 bị cáo khác đã được luật sư bào chữa. Còn lại 59 bị cáo sẽ được bào chữa trong những phiên xử tiếp theo.